Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 03:55

Thứ bảy, 04/05/2024 | 03:55

Tin KHCN

Cập nhật lúc 16:38 ngày 13/04/2023

Ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics giúp các doanh nghiệp giảm 14% chi phí giao hàng

Hiện việc ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp logistics mới chỉ chiếm gần 40%. Điều đó đặt ra thách thức cho Việt Nam là cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tận dụng nền tảng kỹ thuật số trong sản xuất và phân phối hàng hóa, tạo bước phát triển đột phá cho ngành logistics.
Để nâng tính cạnh tranh, tạo bước phát triển đột phá cho ngành logistics, chuyển đổi số được xem là đòn bẩy quan trọng. Ảnh: TL.
Đặt vấn đề tại tọa đàm “Phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa”, ngày 6/4, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Kinh Doanh cước quốc tế đường hàng không Công ty Cổ phần Logistics U&I cho biết, trong phát triển logistics, đa phần mọi người đang nói về hạ tầng đường biển, đường hàng không...  nhưng ít thấy ai đề cập về hạ tầng mạng?
"Thời gian qua, cơ quan Hải quan đã có nhiều cải cách hiện đại hóa. Tuy nhiên, trong giai đoạn công nghiệp 4.0, nếu doanh nghiệp không quan tâm đến hạ tầng mạng internet thì sẽ diễn ra tình trạng kẹt mạng giống như tình trạng kẹt xe. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự lưu chuyển hàng hóa của doanh nghiệp, đây chính là điểm nghẽn trọng yếu”, ông Tuấn kiến nghị.
Đưa ra góc nhìn thực tế về bức tranh và thực trạng chuyển đổi số tại doanh nghiệp ở lĩnh vực logistics và kinh doanh quốc tế, ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics làm cho các hoạt động quản lý tại văn phòng không chỉ hiệu quả hơn mà còn giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trước biến đổi không ngừng trong chuỗi cung ứng, tối ưu thời gian và giảm chi phí, cải thiện trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng.
Theo ông Thành, để giải quyết "bài toán" này, nhiều doanh nghiệp trong ngành logistics đã ứng dụng công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, big data và internet vạn vật kết nối để mở rộng quy mô, cung cấp các dịch vụ giao hàng an toàn, đồng thời tối ưu hóa chi phí hay thậm chí xác định thêm các dòng doanh thu mới.
Cụ thể, các nền tảng quản lý hoạt động logistics được hỗ trợ bởi AI và tự động hóa cho phép doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí giao hàng, cải thiện việc sử dụng tài nguyên, đảm bảo đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác đồng thời thúc đẩy khả năng mở rộng quy mô nhanh chóng.
Bên cạnh đó, các công cụ lập kế hoạch lộ trình do trí tuệ nhân tạo cung cấp có thể xem xét các yếu tố bao gồm chi phí, mức tiêu thụ nhiên liệu, hậu cần bên thứ ba (3PL), hiệu suất, khối lượng đặt hàng, kiểu và loại giao hàng, khoảng cách... để tạo ra lộ trình giao hàng hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Điều này làm giảm chi phí hoạt động và tăng lợi nhuận trên mỗi đơn hàng.
"Ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics giúp các doanh nghiệp có thể giảm 14% chi phí giao hàng và tăng số lượng hàng giao trên mỗi xe lên 13%. Ngoài ra, những công nghệ đột phá này cho phép các công ty và nhà cung cấp dịch vụ logistics tối ưu hóa hơn nữa chi phí và tăng năng suất giao hàng bằng cách lập kế hoạch thông minh về tuyến đường để đảm bảo có nhiều lượt nhận và trả hàng...", ông Thành cho hay.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, việc ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp logistics còn nhiều hạn chế, hiện nay mới có khoảng gần 40% doanh nghiệp đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ. Điều đó đặt ra thách thức cho Việt Nam là cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tận dụng nền tảng kỹ thuật số trong sản xuất và phân phối hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Đại diện doanh nghiệp, bà Đặng Thị Bích Loan, Giám đốc Công ty TNHH Kho vận Mekong, cho rằng với vai trò là "người gác cửa" nền kinh tế, ngành Hải quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển ngành logistics Việt Nam. Công ty TNHH Kho vận Mekong kiến nghị ngành Hải quan cần số hóa quy trình nghiệp vụ nhanh hơn, tinh gọn hơn để các doanh nghiệp logistics hoạt động hiệu quả hơn.
Theo đó, để "trợ lực" cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Tân cảng Sài Gòn vừa hoàn thiện phát triển Hệ sinh thái số với các sản phẩm như: cảng điện tử ePort cho phép doanh nghiệp thực hiện hầu hết các khai báo hàng hóa như giao nhận container, đăng ký tàu xuất, tình trạng thông quan... Hệ thống quản lý kho hàng điện tử EWMS cho phép quản lý, theo dõi tình trạng hàng hóa an toàn, hiệu quả, giúp doanh nghiệp chủ động về thời gian, tiết kiệm chi phí, đáp ứng những tiêu chuẩn của các tập đoàn lớn trên thế giới…
“Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho việc chuyển đổi số, có chính sách hỗ trợ thực chất, dễ tiếp cận cho các doanh nghiệp logistics, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó tập trung cải cách các thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp logistics về nguồn vốn, nhất là những doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số…”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Đào Trọng Khoa nêu kiến nghị.
Nguồn: doanhnhantrevietnam.vn/
lên đầu trang