Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 22:40

Thứ bảy, 04/05/2024 | 22:40

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 07:58 ngày 19/04/2023

Ngành Cơ khí Việt Nam hướng đến làm chủ các công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa

Cơ khí có vai trò quan trọng trong việc sản xuất ra thiết bị, chế tạo máy và công cụ cho mọi ngành trong nền kinh tế quốc dân, tạo điều kiện để các ngành, nghề phát triển tốt hơn. Với mục tiêu phát triển và nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, trong giai đoạn này, các đơn vị, doanh nghiệp cần chú trọng hoạt đoạn nghiên cứu khoa học công nghệ; tập trung nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ các công nghệ cao…
Vai trò quan trọng của ngành Cơ khí trong nền công nghiệp nước nhà 
Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm độc lập tự chủ về kinh tế, củng cố an ninh, quốc phòng. Với khoảng 30.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động. 
Ngành cơ khí có đóng góp quan trọng trong sự phụ hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: baochinhphu.vn/)
Ngành cơ khí đã bước đầu hình thành được một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực cũng như đã manh nha hình thành mô hình cụm ngành (cluster) về ngành cơ khí chế tạo (như Khu phức hợp cơ khí Chu Lai – Quảng Nam, Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast...)
Đặc biệt, trong giai đoạn này chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của ngành cơ khí khi các doanh nghiệp trong nước đủ năng lực và thực hiện tổng thầu thành công nhiều công trình lớn với tỷ lệ nội địa hóa cao. 
Nhiều kết quả nổi bật của ngành cơ khí trong giai đoạn vừa qua có thể kể đến như: 
Về thiết bị toàn bộ, đã làm chủ và sản xuất nhiều loại dây chuyền, thiết bị toàn bộ cho các công trình lớn, các công trình trọng điểm, như các dự án điện nguồn (nhiệt điện, thủy điện), các nhà máy trong nhiều lĩnh vực: thép, xi măng, alumin, khai thác và chế biến khoáng sản, đường, chế biến mủ cao su…
Đối với chế tạo thiết bị cơ khí thuỷ công, các thiết bị thủy công của các nhà máy thủy điện lớn, nhỏ của đều có dấu ấn của các doanh nghiệp cơ khí trong nước. Nhiều thiết bị cơ khí thuỷ công có tổng trọng lượng lên tới hàng chục ngàn tấn đều được các doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ, chất lượng đáp ứng yêu cầu thiết kế.
Hay đối với sản xuất - lắp ráp ô tô, đã hình thành ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với khoảng gần 40 doanh nghiệp đạt tổng công suất lắp ráp thiết kế hơn 680.000 xe/năm. Các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đạt tỷ lệ nội địa hóa cao. 
Các ngành sản xuất cơ khí khác như sản xuất xe đạp, các loại cần trục, cầu trục, cơ khí xây dựng v.v... đều đạt được những thành tích đáng kể. 
Đặc biệt ngành cơ khí dầu khí lần đầu tiên đã chế tạo thành công và đưa vào hoạt động giàn khoan tự nâng, thay thế sản phẩm nhập khẩu. Giàn khoan tự nâng 400ft-Tam Đảo 05 với tổng vốn đầu tư 230 triệu USD (khoảng 4.850 tỷ VND), trong đó phần kinh phí đối ứng tham gia thực hiện dự án khoa học và công nghệ là trên 1.000 tỷ VND. Giàn khoan có khả năng hoạt động tới độ sâu 400ft (tương đương 120m), chiều sâu khoan có thể lên đến 9.000m.
Khoa học và công nghệ trở thành động lực chính
Cùng với các cơ chế, chính sách được ban hành nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp cơ khí, khoa học và công nghệ đã góp phần tạo ra những chuyển biến của ngành. 
Với phương châm khoa học và công nghệ là động lực chính thúc đẩy phát triển, doanh nghiệp là trọng tâm của hoạt động khoa học và công nghệ, trong nhiều năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí trong nước nâng cao tiềm lực, đổi mới công nghệ, làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo các sản phẩm cơ khí, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm. 
Đa số các nhiệm vụ đều bắt nguồn từ thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Các công trình nghiên cứu bao gồm từ thiết kế mới, thiết kế cải tiến, làm chủ bí quyết thiết kế chế tạo các dây chuyền thiết bị, chế tạo nội địa hóa thiết bị, phụ tùng, cho đến phục hồi sửa chữa các thiết bị, phụ tùng máy móc được triển khai áp dụng đã đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được áp dụng có hiệu quả vào thực tế và được đánh giá cao.
Chế tạo thành công thiết bị lọc bụi tĩnh điện cho nhà máy nhiệt điện - một kết quả năm trong Công trình “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo, chế tạo thử nghiệm lọc bụi tĩnh điện công suất 1.000.000 Nm3/h” của Viện Nghiên cứu Cơ khí. (Nguồn ảnh: moit.gov.vn/)
Đạt được những kết quả đáng ghi nhận đó có sự đóng góp quan trọng, tích cực của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương nói chung và các doanh nghiệp, viện, trường trực thuộc Bộ Công Thương nói riêng, trong đó đặc biệt phải kể đến các viện nghiên cứu về cơ khí trực thuộc Bộ như NARIME, IMI, RIAM. 
Với vị trí và vai trò của một Viện nghiên cứu hàng đầu về cơ khí, trong giai đoạn này, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường và đã thực hiện thành công nhiều công trình lớn, có tiếng vang trong ngành cơ khí Việt Nam. 
Điển hình như Công trình “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo, chế tạo thử nghiệm lọc bụi tĩnh điện công suất 1.000.000 Nm3/h” đã ứng dụng thành công tại Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Thái Bình 1, đang triển khai hợp đồng cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2; Công trình cửa van cung đập tràn xả mặt tại Nhà máy Thủy điện Lai Châu, cửa van phẳng tại Nhà máy Thủy điện Sơn La; Công trình thiết kế, chế tạo bộ làm mát ổ hướng máy phát của Nhà máy Thủy điện Sơn La; Công trình “Nghiên cứu, thiết kế ứng dụng vòi phun đốt than bột dạng UD cho lò hơi Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình” được Giải nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (VIFOTEC); Công trình “Thiết kế, chế tạo thiết bị đầu quay không lõi làm sạch cáu cặn trong lòng ống trao đổi nhiệt bằng nước áp lực cao”…
Ngoài ra, nhiều công trình nghiên cứu của các tổ chức khoa học khác cũng có đạt được kết quả khả quan và được ứng dụng như dự án sản xuất thử nghiệm: “Thử nghiệm sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây với việc ứng dụng công nghệ sấy bằng hồng ngoại đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng Tây Bắc” của Công ty cổ phần viện máy và dụng cụ công nghiệp đã chế tạo toàn bộ thiết bị, lắp đặt và hiệu chỉnh toàn bộ dây chuyền công nghệ thiết bị của dự án tại Văn Chấn - Yên Bái, góp phần phát triển bền vững các địa phương vùng Tây Bắc.
Dây chuyền chế biến trà và bột dinh dưỡng từ cây chùm ngây và quả táo mèo ứng dụng công nghệ sấy hồng ngoại. (Nguồn ảnh: cand.com.vn/)
Ngoài ra, có thể kể đến nhiều công trình của Viện Nghiên cứu Thiết kế chế tạo máy Nông nghiệp chủ trì, thực hiện có kết quả ứng dụng cao, được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Dự án “Dây chuyền thiết bị xử lý rác sinh hoạt thải thành phân Compost, năng suất 400-500 tấn/ngày đêm” đã ứng dụng hiệu quả tại một số đơn vị tại Lào Cai; Dự án “Dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống năng suất Q = 100 ÷ 120 tấn/mẻ” tại Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống ngô Sông Bôi…
Ưu tiên triển khai các nhiệm vụ theo chuỗi giá trị, làm chủ các công nghệ cao 
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên thực tế năng lực và trình độ ngành cơ khí còn thấp, chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Trình độ công nghệ ngành cơ khí Việt Nam chưa theo kịp với thế giới có một phần nguyên nhân đến từ việc cụ thể hóa những cơ chế, các chính sách hỗ trợ còn chưa thật sự đồng bộ, đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. 
Mặt khác, kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm so với nhu cầu ngành cơ khí chưa tương xứng. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, chưa coi trọng đầu tư cho việc đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, nhân lực khoa học và công nghệ trong công nghiệp cơ khí còn thiếu hụt, môi trường chưa đủ hấp dẫn và khuyến khích đội ngũ trí thức có trình độ cao trong lĩnh vực cơ khí trong và người nước tham gia hoạt động khoa học và công nghệ. 
Để tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí phát triển, xứng đáng với tầm vóc và vai trò trong nền kinh tế đòi hỏi khoa học và công nghệ phải có tác động mạnh mẽ hơn nữa. 
Hệ thống máy sàng phân loại và làm sạch tinh hạt ngô trước khi nhuộm màu hoặc đóng bao lưu kho nằm trong Dự án “Dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống năng suất Q = 100 ÷ 120 tấn/mẻ” tại Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống ngô Sông Bôi (Nguồn: moit.gov.vn/)
Trong thời gian tới, các hoạt động về khoa học và công nghệ ngành cơ khí cần tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ theo chuỗi giá trị; tập trung nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ các công nghệ cao, công nghệ ưu tiên phát triển, công nghệ khuyến khích chuyển giao thuộc ngành cơ khí như công nghệ nhiệt luyện. Cùng với đó, công nghệ chế tạo khuôn mẫu chính xác cao, máy công cụ, máy nông nghiệp, phụ tùng, động cơ ô tô và phụ tùng cơ khí, giao thông đường sắt, thép chế tạo, cơ khí chính xác và tự động hóa hay công nghệ chế biến và bảo quản cũng cần được chú trọng. 
Ngoài ra, tiến hành xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp cơ khí phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhu cầu và xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tăng cường kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức khoa học đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư tiềm lực khoa học và công nghệ để nghiên cứu tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiến tới làm chủ việc thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị toàn bộ cho các ngành kinh tế. 
Tiến hành rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm cơ khí, nâng cao tỷ lệ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế. 
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi sản xuất, chế tạo trong các ngành công nghiệp nói chung và ngành cơ khí nói riêng phải gắn với sản xuất thông minh với nền tảng tự động hóa, số hóa. Trong bối cảnh đó, để có thể vượt qua được những khó khăn nội tại, cần tận dụng những cơ hội để chiếm lĩnh dần thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu. 
Việc tiếp cận nhanh, đầy đủ, toàn diện các xu hướng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực như vật liệu mới, kỹ thuật số, công nghệ thông tin, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, công nghệ in 3D... cũng như xây dựng các chiến lược, giải pháp cụ thể để phát triển sản xuất cơ khí tự động hóa tích hợp với các công nghệ cao như công nghệ thông tin, chuỗi cung ứng thông minh, sử dụng hệ thống quản trị trí tuệ mới, tối ưu hóa mô hình kinh doanh là yếu tố quyết định cho sự phát triển của ngành cơ khí. 
Phương Loan
lên đầu trang