Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 11:45

Thứ bảy, 27/04/2024 | 11:45

Tin KHCN

Cập nhật lúc 05:33 ngày 19/05/2023

Phát huy sức mạnh và đóng góp của các nhà khoa học trong tái cơ cấu ngành Công Thương

Ngành Công Thương đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành dựa trên nền tảng của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Nền tảng thúc đẩy sự phát triển ngành trong ngắn hạn và dài hạn
Kỷ niệm 10 năm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2013 - 18/5/2023) và tôn vinh những đóng góp của đội ngũ các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, chiều 18/5, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Phát huy sức mạnh và đóng góp của đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu tại các viện nghiên cứu, trường đại học trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Công Thương”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã trở thành chủ trương lớn, nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối chiến lược của Đảng, với chặng đường 72 năm hình thành và phát triển, ngành Công Thương luôn xác định công tác phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là yêu cầu và đòi hỏi tiên quyết, tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của ngành cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Đội ngũ làm công tác khoa học và công nghệ trong toàn ngành đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; làm tốt công tác nghiên cứu, tư vấn chính sách, tích cực tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn - quy chuẩn - định mức kinh tế kỹ thuật trong ngành.
Đồng thời, đưa nhanh những kết quả nghiên cứu và thành tựu khoa học và công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng hiện đại, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của ngành cũng như góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận và đánh giá cao sự tích cực, chủ động của các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu
"Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích xuất sắc của các tổ chức, cá nhân làm công tác khoa học và công nghệ trong toàn ngành đã đạt được trong thời gian qua" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết, trong thời gian qua, Viện đã làm tốt công tác tham mưu tư vấn cơ chế chính sách cho Chính phủ để đưa ra được cơ chế chính sách cụ thể cho từng lĩnh vực công nghiệp như: Cơ chế nội địa hóa các thiết bị nhiệt điện; thiết bị toàn bộ trong ngành công nghiệp...
Viện cũng đạt được thành công trong tiếp nhận chuyển giao công nghệ cho một số lĩnh vực thuộc thế mạnh của Viện như: Thiết bị cơ khí thủy công cho thủy điện; EPC một số hạng mục cho nhà máy nhiệt điện than theo Quyết định số 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; EPCM cho dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ; tự động hóa quá trình sản xuất cho nhà máy sản xuất bột giặt và phân bón; EPC một số hạng mục quan trọng trong nhà nhà máy xi măng lò quay; sản xuất phao nổi và neo cho nhà máy điện mặt trời...
"Có thể nói, những thành công ban đầu của Viện là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Công Thương trong công tác nghiên cứu khoa học và làm chủ công nghệ của Viện cũng như những giúp đỡ cụ thể từ ngân sách thông qua các đề tài cấp Bộ, dự án cấp quốc gia" - Tiến sĩ Phan Đăng Phong bày tỏ.
Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương phát biểu
Tiến sĩ Đào Duy Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim cho rằng, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, sự tận tâm, tinh thần sáng tạo và nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ nói chung, cán bộ khoa học và công nghệ ngành Công Thương nói riêng, các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.
"Khoa học và công nghệ đã thể hiện vai trò quan trọng thay đổi tư duy quản lý các cấp, quản trị doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, thiết bị, qua đó, làm tăng năng suất lao động, đạt bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,88%, cao nhất khối ASEAN và trong nhóm các quốc gia có tăng trưởng cao ở châu Á" - Tiến sĩ Đào Duy Anh cho hay.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, chính sách phòng vệ thương mại có đặc thù riêng, việc xây dựng và hoàn thiện chính sách phòng vệ thương mại tại Việt Nam vừa qua phải dựa toàn bộ nguồn nội lực, trong đó kết quả công tác nghiên cứu khoa học từ các chuyên gia nhà khoa học trong nước góp phần quan trọng.
Cần tập trung 5 nhiệm vụ trọng tâm 
Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chủ đạo và phát triển mạnh mẽ, mang lại những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen.
Ngành Công Thương đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành dựa trên nền tảng của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm tập trung xây dựng và nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất và thị trường, hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới, có tính độc lập, thích ứng và chống chịu cao trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài, bảo đảm tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập Phụ trách Báo Công Thương phát biểu
Để làm được điều đó, đòi hỏi công tác khoa học và công nghệ của ngành Công Thương phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và phương thức thực hiện, nâng cao hiệu quả, chất lượng các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao công nghệ và tham mưu xây dựng chính sách phát triển ngành trong tình hình mới.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị, công tác khoa học và công nghệ trong thời gian tới cần tập trung và làm tốt những nội dung sau: Thứ nhất, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải gắn bó mật thiết và phục vụ trực tiếp quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương, thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đã được Đảng và Chính phủ giao
Thứ hai, chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng định hướng, chính sách phát triển ngành Công Thương trong tình hình mới; cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực thi, khai thác có hiệu quả cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.
Thứ ba, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và triển khai tại doanh nghiệp – phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm và là chủ thể sống động của đổi mới sáng tạo. Cơ quan quản lý sẽ đóng vai trò kết nối, hướng dẫn, hỗ trợ, thiết lập các yếu tố nền tảng cho quá trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Thứ tư, các viện nghiên cứu, trường đại học tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng các hoạt động nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệ, đồng thời kết nối các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đơn vị nghiên cứu, tư vấn trong nước và nước ngoài có thế mạnh, dẫn đầu về lĩnh vực khoa học và công nghệ để hình thành một hệ sinh thái đa dạng, linh hoạt thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học và công nghệ trong các doanh nghiệp ngành Công Thương.
Thứ năm, cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương theo hướng hiện đại. Nâng cao năng lực, hiệu quả, phát huy vai trò của quản lý nhà nước thực sự là "người cầm lái", định hướng, dẫn dắt quá trình đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học, công nghệ.
Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí chia sẻ tại hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân tin tưởng, với những kinh nghiệm, thành tích đã đạt, cùng sự quyết tâm, nhiệt huyết và trách nhiệm, lực lượng khoa học và công nghệ trong toàn ngành sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, chủ động, sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đón đầu các xu hướng mới để giải quyết tốt các vấn đề mới đặt ra trong thực tiễn phát triển của ngành và đất nước, góp phần cùng toàn ngành Công Thương hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin và sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập Phụ trách Báo Công Thương chia sẻ, qua tiếp cận và đi thực tế tại các đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ và trực tiếp chứng kiến những chỉ đạo về quản lý và phát triển khoa học và công nghệ của lãnh đạo Bộ, tôi hết sức bất ngờ về những đóng góp, thành tựu rất lớn, có sức lan tỏa và ý nghĩa thực tiễn của hoạt động khoa học và công nghệ của ngành Công Thương.
Dẫn ví dụ về Viện Nghiên cứu Cơ khí, ông Nguyễn Văn Minh nêu, từ chỗ hợp tác với các đối tác quốc tế, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã vươn lên làm chủ công nghệ, qua đó, tiết kiệm ngân sách cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
"Trong thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh hơn công tác truyền thông để quảng bá, đưa khoa học vào sản xuất, qua đó, chứng minh khoa học và công nghệ ngành Công Thương luôn là lực lượng sản xuất trực tiếp và đi đầu, dẫn dắt giúp cho nền kinh tế phát triển" - ông Nguyễn Văn Minh đề xuất.
Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng thí Thứ trưởng, đồng thời khẳng định quyết tâm sẽ cùng hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ ngành Công Thương phát huy hơn nữa những thành tựu đã đạt được, đồng thời, không ngừng nâng cao hiệu quả, làm tốt vai trò định hướng, dẫn dắt của Bộ trong công tác phát triển khoa học và công nghệ, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao đối với ngành Công Thương.
Theo congthuong.vn/

lên đầu trang