Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 08:15

Thứ hai, 29/04/2024 | 08:15

Chính sách

Cập nhật lúc 09:16 ngày 15/06/2023

Dựa trên nền tảng khoa học công nghệ để xây dựng Luật phát triển công nghiệp

Luật về phát triển công nghiệp sẽ hướng tới mục tiêu: Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường dựa trên nền tảng khoa học công nghệ...
Chiều 14/6, tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2023 Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có bài tham luận về những định hướng, mục tiêu hướng tới trong xây dựng Luật về phát triển công nghiệp.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Nghị quyết số 29-NQ/TW (Nghị quyết số 29) ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về “tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho việc xây dựng những cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có bài tham luận tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2023
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở thực hiện Kế hoạch số 13 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ xin phép được xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật về phát triển công nghiệp để trình các cấp có thẩm quyền.
“Trên cơ sở chủ trương, định hướng, các giải pháp đề ra tại Nghị quyết 29, đặc biệt là khắc phục các điểm nghẽn về công nghiệp hiện tại của Việt Nam, Bộ Công Thương dự kiến, Luật về phát triển công nghiệp sẽ hướng tới mục tiêu: Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; với trọng tâm là nắm bắt ứng dụng và làm chủ thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội nhiều nội dung chính sách, trong đó, nổi bật là hướng tới 3 chính sách:
Thứ nhất, thúc đẩy triển khai, giám sát thực thi các chương trình cấp Quốc gia và địa phương về phát triển công nghiệp với nội dung xác định quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng hiệu quả các thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0 trên toàn quốc, trong từng thời kỳ và tổ chức sử dụng hiệu quả các nguồn lực của cả nước cũng như từng địa phương.
Luật về phát triển công nghiệp sẽ hướng tới mục tiêu: Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường dựa trên nền tảng khoa học công nghệ...
Thứ hai, thúc đẩy phát triển bền vững sản xuất xanh trong công nghiệp, để doanh nghiệp chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất từ mô hình truyền thống, sang mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và các xu thế sản xuất hiện đại trên thế giới, nhằm mở rộng khả năng vươn ra chuỗi giá trị toàn cầu và thị trường quốc tế.
Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp nội địa, với mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp mở rộng quy mô, ứng dụng các thành viên công nghệ mới để phát triển các mô hình sản xuất thông minh, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng, áp dụng tri thức trong sản phẩm công nghiệp.
Thông qua một số giải pháp như khuyến khích hình thành và phát triển các doanh nghiệp dẫn đầu, có tiềm năng công nghệ và có năng lực cạnh tranh cao, có mô hình sản xuất thông minh, tiên tiến, với khả năng vươn ra thị trường khu vực và quốc tế để dẫn dắt ngành công nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển thị trường cho ngành và sản phẩm công nghiệp bao gồm cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Hình thành các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp như: phát triển các ngành dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi giá trị trong sản xuất công nghiệp.
“Luật sẽ hướng tới các giải pháp để hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp như: phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển hỗ trợ đổi mới quá trình sản xuất, cải tiến doanh nghiệp công nghiệp, ứng dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhà máy thông minh và công nghệ số trong sản xuất công nghiệp” - Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
Theo congthuong.vn/

lên đầu trang