Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 03:49

Chủ nhật, 28/04/2024 | 03:49

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 08:28 ngày 25/07/2023

Làm chủ công nghệ sản xuất da chống thấm nước (waterproof)

Viện Nghiên cứu Da - Giầy đã xây dựng được một quy trình công nghệ sản xuất da chống thấm nước tạo nên sản phẩm da thuộc có chất lượng đạt yêu cầu với chi phí sản xuất cao hơn không nhiều so với các loại da thuộc thông thường.
Trong nhiều năm trở lại đây, ngành giày da của thế giới đang tiếp tục chuyển đổi việc sản xuất sang các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước có điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư, nền chính trị ổn định, hòa bình. Khi Việt Nam gia nhập WTO, thuế quan bị bãi bỏ, cùng với những chính sách khuyến khích xuất khẩu, sản xuất, Việt Nam trở thành điểm đến cho việc đầu tư của các nhà sản xuất giầy da.
Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển nhưng ngành da giầy Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn (Ảnh minh hoạ - VNeconomy)
Do đó, ngành công nghiệp da giầy Việt Nam đã phát triển rất nhanh và được xem là một trong những ngành công nghiệp chính đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển. Da giầy là một trong 3 ngành đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất hiện nay sau dầu thô và dệt may, chiếm trên 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ở thời điểm này, ngành da giầy Việt Nam đã "ghi tên” mình vào trong top 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về da giày. Riêng xuất khẩu vào thị trường Châu  Âu, da giầy Việt Nam chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc.
Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển nhưng ngành da giầy Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Thứ nhất là về quy mô sản xuất bởi tại Việt Nam tỷ lệ sản xuất gia công chiếm tới 70% khiến lợi nhuận thấp và hạn chế sự năng động của các doanh nghiệp; giá trị xuất khẩu lại tập trung hầu hết trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 
Mặt khác, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm về da, nhất là các sản phẩm có chất lượng cao ngày càng lớn trong khi khả năng cung ứng của các cơ sở thuộc da trong nước và chất lượng da thuộc còn rất hạn chế. Nhu cầu sử dụng những sản phẩm da chất lượng cao, có khả năng chống nước tốt đòi hỏi ngành da giầy cần có những nghiên cứu sâu hơn về công nghệ để tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh hơn với chi phí hợp lý.
Từ yêu cầu thực tế đó, nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Da - Giầy đã tiến hành thực hiện đề tài: Nghiên cứu công nghệ sản xuất da chống thấm nước (waterproof) đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đây là đề tài cấp Bộ Công Thương do ThS. Phạm Phú Dũng làm chủ nhiệm.
Đề tài tập trung nghiên cứu các nội dung nhằm nâng cao giá trị, mở rộng phạm vi ứng dụng của loại da thuộc chống thấm nước trong nhiều sản phẩm khác nhau, xây dựng quy trình công nghệ sản xuất da chống thấm nước khả thi từ nguyên liệu da bò phù hợp với điều kiện thực tế trong nước và thử nghiệm sản xuất da chống thấm nước quy mô nhỏ và ứng dụng trong chế biến mặt hàng giầy bảo hộ lao động chất lượng cao.
Trong quá trình thực hiện đề tài (từ 01/2019-12/2020), nhóm nghiên cứu đã có những đánh giá tổng quan về sản phẩm da chống thấm nước bao gồm: công nghệ sản xuất da chống thấm nước hiện có, thực trạng nguyên liệu, hoá chất sử dụng. Trên cơ sở đó, tiến hành nghiên cứu lựa chọn được công nghệ và xác định các yếu tố ảnh hưởng tới quy trình thuộc da chống thấm nước theo tài liệu nghiên cứu, từ đó xây dựng quy trình công nghệ sản xuất da chống thấm nước phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Đề tài đã xây dựng được một quy trình công nghệ thuộc và hoàn thiện da chống thấm nước khá khả thi. Kết quả cho thấy, quy trình công nghệ sản xuất da chống thấm nước tạo nên sản phẩm da thuộc có chất lượng đạt yêu cầu (tính chất cơ lý hóa và tiêu chí chống thấm nước) với chi phí sản xuất cao hơn không nhiều so với các loại da thuộc thông thường. 
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy da thuộc chống thấm nước rất thích hợp để sản xuất chế biến các mặt hàng giầy bảo hộ lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Kết quả nghiên cứu bước đầu của đề tài có thể mở ra khả năng ứng dụng nghiên cứu sâu rộng và triển khai mở rộng kết quả nghiên cứu trong thực tế sản xuất và chế biến nhằm tạo ra sản phẩm da thuộc chất lượng, có phạm vi ứng dụng rộng rãi; đáp ứng yêu cầu trong việc sản xuất đa dạng các mặt hàng da giầy khác nhau, đặc biệt là mặt hàng giầy đặc chủng: giầy bảo hộ lao động, giầy quân đội, v.v...
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành da giầy, Bộ Công Thương đã ban hành Đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp da giầy Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với 3 kịch bản phát triển: Kịch bản cao, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2025 đạt 43,97 tỷ USD, năm 2035 đạt 74,19 tỷ USD; Kịch bản cơ sở, xuất khẩu đạt 37,23 tỷ USD và 57,6 tỷ USD; Kịch bản thấp dự kiến đạt 31,4 tỷ USD và 44,6 tỷ USD… 
Để thực hiện các mục tiêu đưa ra, một trong những giải pháp quan trọng là cần đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại hóa và mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Để có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập, doanh nghiệp sản xuất da giầy trong nước cần hình thành chuỗi liên kết bằng việc mua nguyên liệu từ các nhà cung ứng trong nước để hạ giá thành, ổn định sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguyên, phụ liệu nhập khẩu.
Tố Uyên

lên đầu trang