Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 15:29

Thứ bảy, 27/04/2024 | 15:29

Tin KHCN

Cập nhật lúc 16:45 ngày 02/08/2023

Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc về hoạt động KH, CN, ĐMST

Ngày 1/8/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đã có buổi làm việc trao đổi về hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH, CN, ĐMST) năm 2023, xây dựng kế hoạch KH, CN, ĐMST năm 2024 để triển khai thực hiện Công văn số 938/BKHCN-KHTC ngày 06 tháng 4 năm 2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Buổi làm việc có sự tham gia của đông đảo đại diện các đơn vị thuộc hai Bộ
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu, ước đạt 144,82 tỷ USD, chiếm 88,1% và nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 1,3%.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu khai mạc buổi làm việc
Để đạt những thành tích đáng ghi nhận trong bối cảnh khó khăn như vậy, thì thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình hành động, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị để tập trung chỉ đạo việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế mà trọng tâm là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. 
Thời gian qua, Bộ KH&CN đã phối hợp tốt với Bộ Công Thương trong các nội dung, nhiệm vụ có liên quan, gần đây nhất là triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030…”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh.
Còn nhiều vướng mắc, bất cập trong chính sách
Tại buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) Trần Minh đã báo cáo tổng quát về về tình hình hoạt động KH, CN, ĐMST năm 2023. Theo đó, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tiếp tục ghi nhận nhiều chuyển biến và cải tiến tích cực trong công tác quản lý và thực thi các nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, cấp quốc gia thuộc lĩnh vực khác nhau của ngành Công Thương. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản năm 2025.
Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) Trần Minh đã báo cáo tổng quát về tình hình hoạt động KH, CN, ĐMST năm 2023
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Kế hoạch KH&CN năm 2023, xây dựng Kế hoạch KH, CN & ĐMST và dự toán ngân sách năm 2024 của Bộ Công Thương cũng gặp một số khó khăn vướng mắc, tập trung vào một số vấn đề như: cơ chế chính sách KH&CN còn nhiều điểm vướng mắc,bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn; Điều khoản chuyển tiếp tại Thông tư số 03/2023/TT-BTC và Thông tư số 02/2023/TT-BKHCN chưa rõ ràng, dẫn đến việc phê duyệt nội dung, kinh phí nhiệm vụ KH&CN chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Đồng thời, khó khăn cũng đến từ mức độ đảm bảo kinh phí cho hoạt động KH&CN của Bộ Công Thương hạn chế, cũng như nguồn lực thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chậm hoặc thậm chí không được bố trí. Cụ thể, về kinh phí KH&CN của Bộ Công thương, giai đoạn 2021-2023 chỉ chiếm khoảng 2,0% so với tổng chi sự nghiệp KH&CN của cả nước và 2,78% so với tổng ngân sách KH&CN dành cho khối Cơ quan TW.
Do đó, để công tác xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch KH&CN năm 2024 của Bộ Công Thương đạt được các yêu cầu về tiến độ, chất lượng và mục tiêu đã đề ra, Bộ Công Thương cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị đối với Bộ KH&CN và Bộ Tài chính nhằm phối hợp tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo thuận lợi tốt nhất để phát triển KH, CN, ĐMST.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đã trao đổi những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương trong thời gian tới. Trong đó, tập trung tạo lập môi trường thực thi chính sách mang tính hỗ trợ cao để khuyến khích các doanh nghiệp ngành Công Thương đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo; tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, nâng cấp công nghệ cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã trao đổi những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương trong thời gian tới. 
Đồng thời, tạo nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; từng bước dịch chuyển nền sản xuất trong nước sang các ngành, lĩnh vực có trình độ công nghệ phức tạp, giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu; từ đó tận dụng tốt các cơ hội tiếp cận thị trường từ các hiệp định thương mại, khẳng định vị thế của một trung tâm sản xuất mới của thế giới. 
Những nhiệm vụ trên là những yếu tố nền tảng, giải pháp mang tính căn cơ để ngành Công Thương thực hiện tái cơ cấu một cách triệt để trong giai đoạn 2021 - 2030, khai thác tối đa, tận dụng tốt nhất cơ hội đến từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, góp phần thực hiện mục tiêu được Đảng và Nhà nước đã đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết.
Buổi làm việc cũng dành nhiều thời gian để đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và Bộ KH&CN trao đổi thảo luận các nội dung hướng dẫn xây dựng kế hoạch KH, CN và ĐMST năm 2024:
Ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN
Bà Trần Bích Ngọc, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ KH&CN
Ông Đào Trọng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Công Thương
TS. Đào Duy Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - Luyện kim (VIMLUKI)
Kế hoạch KH, CN và ĐMST của Bộ Công Thương năm 2024:
- Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ KH&CN các cấp
- Hỗ trợ các tổ chức KH&CN trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh
- Duy tu, bảo dưỡng, chống xuống cấp các phòng thí nghiệm trọng điểm
- Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo
- Triển khai kế hoạch hành động về sở hữu trí tuệ ngành Công Thương
- Hợp tác và Hội nhập quốc tế về KH, CN, ĐMST
- Phát triển thị trường KHCN
- Phát triển hệ thống ĐMST, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo
- Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập, triển khai cơ chế tự chủ, trọng dụng, đào tạo nhân lực KH&CN
Minh Khuê
lên đầu trang