Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 10:35

Thứ hai, 29/04/2024 | 10:35

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 08:17 ngày 25/09/2023

Nâng cao năng suất chất lượng nhờ công nghệ in lưới và thiết bị in 06 màu tự động

Đề tài “Nghiên cứu công nghệ in lưới và chế tạo thiết bị in 06 màu tự động phục vụ ngành công nghiệp may” của trường Đại học Sao Đỏ không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mà còn phục vụ tốt việc sản xuất cho ngành may thời trang thay thế các thiết bị ngoại nhập.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng khiến ngành dệt, may trở thành lĩnh vực thu hút vốn đầu tư rất lớn. Sự phát triển của ngành dệt, may là nền tảng quan trọng để thúc đẩy lĩnh vực in lưới và sấy phát triển. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các thiết bị in lưới chủ yếu được cung cấp bởi một số hãng sản xuất trên thế giới, còn thiết bị in lưới tại các doanh nghiệp trong nước vẫn hạn chế về kiểu dáng và khả năng tự động hóa, năng suất thấp, chất lượng in các sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề người công nhân và đặc biệt khả năng mở rộng quy mô còn hạn chế. 
Ðể nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, số lượng màu in, đồng thời ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào đào tạo và sản xuất dịch vụ, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sao Đỏ đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu công nghệ in lưới và chế tạo thiết bị in 06 màu tự động phục vụ ngành công nghiệp may”. Đây là đề tài cấp Bộ Công Thương do TS. Vũ Văn Tản làm chủ nhiệm.
Thiết bị in lưới 6 màu tự động của Trường Đại học Sao Đỏ (Ảnh: Tạp chí Công Thương)
Tiến hành nghiên cứu, nhóm tác giả tập trung đánh giá tổng thể về công nghệ in lưới, nghiên cứu công nghệ in lưới và các thiết bị in lưới đang được sử dụng tại các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Theo đánh giá, các thiết bị in lưới tại Việt Nam chủ yếu là các thiết bị nhập ngoại với 2 dạng là tự động và bán tự động, các thiết bị này làm việc dạng dây chuyền và dạng quay theo chu kỳ, số lượng màu in tối đa là 06 màu, số lượng sản phẩm trên một lần in là 01 sản phẩm. Giá thành sản phẩm của thiết bị in lưới ngoại nhập đắt, bộ điều khiển kín, khó can thiệp. Các tài liệu khoa học sử dụng cho nghiên cứu và thông tin về thiết bị in lưới còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, TS Vũ Văn Tản và các cộng sự cũng nghiên cứu ưu nhược điểm của phương pháp in lưới, nhu cầu tự động hóa trong công đoạn in các họa tiết trên các sản phẩm may tại các doanh nghiệp. Phân tích sơ đồ nguyên lý cấu tạo, nguyên lý làm việc của thiết bị in lưới 06 màu tự động và tiến hành lựa chọn phương án thiết kế. Trên cơ sở nghiên cứu thu thập được, nhóm tác giả đã thiết kế được kết cấu khung máy in, hệ thống nâng hạ khung in, hệ thống kết cấu chổi quét và bộ phận truyền động. 
Đồng thời, phân tích, lựa chọn phương án chế tạo và lắp ráp các chi tiết, cụm chi tiết kết cấu của thiết bị in lưới 06 màu tự động, phân tích lựa chọn phương án gá đặt và hàn ghép kết cấu khung máy. Lựa chọn phương án gia công và công các chi tiết, cụm chi tiết kết cấu của thiết bị. Tiến hành lắp đặt hệ thống điện và vận hành thiết bị để kiểm tra các kết cấu sau khi lắp đặt.
Sau khi thực nghiệm in trên các loại vải có màu và chất liệu khác nhau, thiết bị đã cho thấy ảnh hưởng tích cực của một số thông số như tốc độ quay của động cơ, chất liệu in, màu sắc in đến chất lượng sản phẩm in, năng suất in của thiết bị…Sản phẩm in đảm bảo đúng hình dạng và kích thước. Chất lượng sản phẩm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, bảo tính thẩm mỹ.
Đặc biệt, do chủ động về công nghệ và giải pháp, chế tạo tại chỗ nên sản phẩm của đề tài có giá thành thấp hơn so với các sản phẩm ngoại nhập, có khả năng cạnh tranh tốt về giá cả, về quá trình bảo trì, bảo dưỡng cũng như đảm bảo giám sát tốt chất lượng sản phẩm trong khi chế tạo và vận hành. Sản phẩm có khả năng ứng dụng, hỗ trợ công nhân tại các cơ sở đào tạo nghề may, thiết kế thời trang, trang trí nghệ thuật để in lên các loại chất liệu vải, da, phục vụ tốt trong công tác đào tạo kết hợp với sản xuất dịch vụ tại Trường Đại học Sao Đỏ.
Hiện tại, những kết quả của đề tài nghiên cứu đã được triển khai ứng dụng vào thực tế sản xuất tại khoa Công nghệ may & Thời trang - Trường Đại học Sao Đỏ và sẵn sàng chuyển giao cho doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng.
In lưới là phương pháp in phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp may hiện nay. Phương pháp này dựa vào mực để tạo ra các hiệu ứng nổi bật cho hình in mà nhiều phương pháp khác không làm được như phản quang, cảm nhiệt, dạ quang, nhung, nổi,…. 
Kỹ thuật in lưới có nguyên lý thấm mực qua khung lưới rồi in lên vật liệu. Trong đó, khung lưới được làm bằng gỗ hoặc nhôm có bọc một mặt bằng lưới có lỗ rất nhỏ. Mực in sẽ được gạt trên mặt lưới bằng dao cao su chuyên dụng. Mực sẽ được thấm qua khung lưới và in lên bề mặt vật liệu cần in. In lưới thường được áp dụng lên rất nhiều vật liệu như giấy, vải, túi nilon, gỗ, thủy tinh, gốm sứ, kim loại,…
Tố Uyên
lên đầu trang