Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 04:20

Thứ hai, 29/04/2024 | 04:20

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 17:05 ngày 02/11/2023

Nghiên cứu soát xét tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2726:1987 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật

Nghiên cứu là cơ sở để các doanh nghiệp khai thác, chế biến cromit sản xuất các dòng sản phẩm quặng tinh cromit phù hợp với mục đích sử dụng của thị trường tiêu thụ trong nước và trên thế giới, từ đó định hướng công nghệ, đổi mới trang thiết bị sản xuất hướng tới mục tiêu tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên khoáng sản cromit tại Việt Nam.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2726:1987 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật được ban hành tại Việt Nam vào năm 1987 nhằm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, cũng như áp dụng trong sản xuất. Kể từ đó đến nay cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ và nhu cầu sử dụng của thị trường, một số yêu cầu kỹ thuật của tiêu chuẩn này đã cho thấy sự thiếu phù hợp cần phải được soát xét, chỉnh sửa và bổ sung. Do đó, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) đã được Bộ Công Thương giao thực hiện Đề tài “Nghiên cứu soát xét tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2726:1987 Quặng tinh cromit - Yêu cầu kỹ thuật”. Đề tài do ThS. Phạm Đức Phong làm chủ nhiệm
 
Ảnh minh hoạ quặng tinh cromit (Ảnh: TKV)
Mục tiêu chính của đề tài là rà soát, sửa đổi và bổ sung các yêu cầu kỹ thuật của quặng tinh cromit công bố năm 1987 để đảm bảo phù hợp với trình độ khoa học công nghệ hiện tại, và thống nhất, đồng bộ với hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) hiện hành. Ngoài ra, khảo sát, đánh giá công nghệ tuyển, chế biến, yêu cầu kỹ thuật và nhu cầu sử dụng quặng tinh cromit; Rà soát, soát xét và đánh giá những bất cập tồn tại của tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2726 : 1987 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật; Nghiên cứu sửa đổi bổ sung các yêu cầu kỹ thuật của quặng tinh cromit để đảm bảo với trình độ khoa học công nghệ (KHCN) hiện tại; Trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật.
Để thực hiện mục tiêu trên, trong quá trình thực hiện đề tài từ 8/2022-6/2023, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, đánh giá công nghệ tuyển, chế biến, yêu cầu kỹ thuật và nhu cầu sử dụng quặng tinh cromit trên thế giới và ở Việt Nam, từ đó soát xét và xây dựng dự thảo sửa đổi tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2726:1987 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật phù hợp với trình độ khoa học công nghệ hiện nay và các quy định hiện hành. 
Theo khảo sát, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có tiềm năng quặng cromit. Quặng cromit Việt Nam tập trung chủ yếu ở tỉnh Thanh Hóa dưới hai dạng thành tạo gồm quặng sa khoáng tại vùng Bãi Áng và Cổ Định; quặng gốc tại vùng Núi Nưa và Làng Mun. Trữ lượng, tài nguyên dự báo quặng cromit đã được tìm kiếm, thăm dò là 24,97 triệu tấn Cr2O3. Trữ lượng cấp 121+122 đã thăm dò và xác định là 2,75 triệu tấn Cr2O3. Trong đó, mỏ Cổ Định chuyển đổi và xác định lại cấp trữ lượng cấp 121+122 là 2,65 triệu tấn. Mỏ cromit Cổ Định là mỏ duy nhất ở Việt Nam và là mỏ có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á.
Công nghệ tuyển quặng cromit nói chung và quặng cromit sa khoáng nói riêng được áp dụng phổ biến trên thế giới hiện nay là phương pháp tuyển trọng lực, sử dụng các thiết bị bao gồm: Máy lắng, bàn đãi, máy tuyển ly tâm, máy tuyển đa trọng lực. Ngoài sử dụng các thiết bị tuyển trọng lực như trên còn kết hợp quá trình đánh tơi bằng máy rửa cánh vuông, sàng quay hoặc thiết bị chà xát. Tùy thuộc vào tính chất tài nguyên có thể kết hợp đa dạng các loại thiết bị nhằm nâng cao thực thu. Sau khâu tuyển trọng lực để nâng cao hàm lượng Cr2O3 trong quặng tinh cromit có thể áp dụng cả phương pháp tuyển từ. 
Còn đối với tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2726 : 1987 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật đã được ban hành cách đây 35 năm, đến nay chưa được thay thế bởi một tiêu chuẩn nào khác. Trong khi trình độ KHCN từ đó đến nay đã có những thay đổi và tiến bộ đáng kể, đồng thời các quy định về trình bày và thể hiện nội dung tiêu chuẩn cần được cập nhật và đồng bộ theo tiêu chuẩn hiện hành. Do đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành soát xét và đánh giá những bất cập tồn tại của tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2726 : 1987 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật, từ đó chỉnh sửa, bổ sung phù hợp thực tế sản xuất, trình độ khoa học công nghệ hiện nay và các quy định hiện hành.
Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN xxxx:2023 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật” tổ chức đầu tháng 4 năm 2023. (Ảnh: VIMLUKI)
Một số nội dung được chỉnh sửa bao gồm: tên gọi tiếng anh để phù hợp với lĩnh vực sản xuất quặng tinh cromit chuyên ngành Tuyển khoáng; Bố cục nội dung xây dựng theo quy định về trình bày và thể hiện nội dung tiêu chuẩn quốc gia tiêu chuẩn quốc gia TCVN 1-2:2008; Yêu cầu kỹ thuật đối với quặng tinh cromit về quy định hàm lượng Cr2O3, tỷ số Cr/Fe, chỉnh sửa lại công thức hóa học và quy định yêu cầu kỹ thuật đối với chỉ tiêu  silic dioxit (SiO2); Quy định lại yêu cầu kỹ thuật đối với độ ẩm sản phẩm quặng tinh cromit; Bổ sung tài liệu viện dẫn và phương pháp thử cụ thể đối với từng chỉ tiêu yêu cầu kỹ thuật; Chỉnh sửa nội dung “Bao bì, ghi nhãn, vận chuyển và bảo quản” phù hợp quy định tiêu chuẩn quốc gia TCVN 1-2:2008 và thực tiễn sản xuất hiện nay.
Từ các nội dung soát xét, cũng như các căn cứ về quy định, chiến lược, chính sách của nhà nước đối với sản phẩm quặng tinh cromit; căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng sản xuất, cung cấp sản phẩm quặng tinh cromit của một số nhà máy ở Việt Nam; cùng các căn cứ về công nghệ, thiết bị, trình độ sản xuất, nhóm nghiên cứu đã xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia xxxx: 2023 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, trình độ công nghệ hiện tại và các quy định hiện hành.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét và ban hành tiêu chuẩn quốc gia TCVN xxxx:2023 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật trên cơ sở Dự thảo tiêu chuẩn của nhóm thực hiện đề tài. Trên cơ sở tiêu chuẩn được sửa đổi và ban hành sẽ được áp dụng tại các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng quặng tinh cromit. Đồng thời, định hướng các doanh nghiệp sản xuất các dòng sản phẩm quặng tinh cromit phù hợp với mục đích sử dụng của thị trường tiêu thụ trong nước và trên thế giới, từ đó đổi mới công nghệ, trang thiết bị sản xuất hướng tới mục tiêu tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên khoáng sản cromit tại Việt Nam.
Quặng tinh cromit được sử dụng chủ yếu trong ngành luyện kim, là nguyên liệu chính để sản xuất ferocrom (FeCr). Ngoài ra, quặng tinh cromit còn là nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm gạch chịu lửa bao gồm: Gạch crom, gạch magie - crom, cát đúc crom. Trong công nghiệp hoá học, các hợp chất crom được sử dụng để sản xuất pigment làm chất tạo màu cho sơn, thuỷ tinh và đá quý nhân tạo. Muối crom dùng trong công nghệ mạ kim loại và các bề mặt vật liệu nhân tạo. Ngoài ra các hợp chất crom còn dùng trong lĩnh vực thuộc da, nhuộm, tẩy, khoan, mài, làm chất chống ăn mòn...
Tố Uyên
lên đầu trang