Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 16:20

Thứ sáu, 19/04/2024 | 16:20

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:36 ngày 13/04/2023

VIMLUKI tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN xxxx:2023 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật”

Sáng ngày 11/4/2023, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Góp ý dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN xxxx:2023 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật”. 
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp Bộ Công Thương “Nghiên cứu soát xét Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2726:1987 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật". Đề tài do ThS. Phạm Đức Phong, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim làm chủ nhiệm, được thực hiện từ tháng 8/2022 đến 6/2023.
Hội thảo có sự tham dự của TS. Đào Duy Anh - Viện trưởng VIMLUKI; TS. Đỗ Hồng Nga – Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương); ông Lê Trường Giang – Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương); ông Nông Quang Huy - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; cùng các chuyên gia trong ngành.  
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu mở đầu hội thảo, TS. Đào Duy Anh - Viện trưởng VIMLUKI cho biết, năm 1987, Việt Nam đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2726:1987 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, cũng như áp dụng trong sản xuất. Tuy nhiên từ năm 1987 đến nay, thời gian rất dài. Với tình hình đặc điểm tài nguyên khan hiếm, cũng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các ngành sử dụng quặng tinh cromit. Chính vì vậy, đứng trước yêu cầu về thực tế, Bộ Công Thương đã giao cho VIMLUKI thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu soát xét Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2726:1987 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật”. 
“Thông qua buổi hội thảo ngày hôm nay, chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến, đóng góp xác thực của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu, triển khai khoa học công nghệ cũng như những đơn vị quản lý, doanh nghiệp. Những ý kiến này sẽ góp phần đóng góp cho một tiêu chuẩn quốc gia sau khi ban hành, sẽ là công cụ quản lý nhà nước cũng như quản lý sản xuất kinh doanh, phục vụ thương mại của sản phẩm này.” - TS. Đào Duy Anh - Viện trưởng VIMLUKI cho hay. 
​​
TS. Đào Duy Anh - Viện trưởng VIMLUKI phát biểu mở đầu Hội thảo 
Tiếp đó, ThS. Phạm Đức Phong – Chủ nhiệm đề tài đã có báo cáo Thuyết minh xây dựng Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi TCVN xxxx:2023 Quặng tinh cromit - Yêu cầu kỹ thuật (Dự thảo). Theo ThS. Phạm Đức Phong, quặng tinh cromit được sử dụng chủ yếu trong ngành luyện kim, là nguyên liệu chính để sản xuất ferocrom (FeCr). Ngoài ra, quặng tinh cromit còn là nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm gạch chịu lửa bao gồm: Gạch crom, gạch magie - crom, cát đúc crom. Trong công nghiệp hoá học, các hợp chất crom được sử dụng để sản xuất pigment làm chất tạo màu cho sơn, thuỷ tinh và đá quý nhân tạo. Muối crom dùng trong công nghệ mạ kim loại và các bề mặt vật liệu nhân tạo. Ngoài ra các hợp chất crom còn dùng trong lĩnh vực thuộc da, nhuộm, tẩy, khoan, mài, làm chất chống ăn mòn...
Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ và nhu cầu sử dụng, chất lượng sản phẩm quặng tinh cromit phải phù hợp yêu cầu nguyên liệu cho khâu chế biến sâu cũng như đáp ứng thị trường tiêu thụ. Do đó, công tác xây dựng, soát xét tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu chất lượng quặng tinh cromit nhằm phục vụ công tác quản lý về chế biến khoáng sản, xây dựng được quy định về đặc tính kỹ thuật để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất. 
Đồng thời là cơ sở để các doanh nghiệp khai thác, chế biến cromit sản xuất các dòng sản phẩm quặng tinh cromit phù hợp với mục đích sử dụng của thị trường tiêu thụ trong nước và trên thế giới, từ đó định hướng công nghệ, đổi mới trang thiết bị sản xuất hướng tới mục tiêu tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên khoáng sản cromit tại Việt Nam.
ThS. Phạm Đức Phong – Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tại hội thảo
Theo ThS. Phạm Đức Phong – Chủ nhiệm đề tài, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2726:1987 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật, được ban hành năm 1987, so với nền khoa học công nghệ và thực trạng nguồn nguyên liệu hiện nay, một số yêu cầu kỹ thuật chưa phù hợp cần được soát xét, chỉnh sửa và bổ sung. 
“Dưới những sự thay đổi đó, đề tài “Nghiên cứu soát xét tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2726:1987 Quặng tinh cromit - Yêu cầu kỹ thuật” được thực hiện nhằm mục tiêu rà soát, sửa đổi và bổ sung các yêu cầu kỹ thuật quặng tinh cromit để đảm bảo phù hợp với trình độ khoa học công nghệ, thực trạng nguồn nguyên liệu hiện tại và thống nhất, đồng bộ với hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành”ThS. Phạm Đức Phong cho hay. 
Để thực hiện các mục tiêu trên, nhóm đã nghiên cứu tổng quan tiêu chuẩn của các nước trên thế giới về yêu cầu kỹ thuật đối với quặng tinh crômit. Đồng thời, nhóm đã tiến hành đánh giá thực trạng các dây chuyền công nghệ tuyển, chất lượng sản phẩm và nhu cầu sử dụng quặng tinh cromit trong nước và trên thế giới hiện nay. Cùng với đó, tiến hành rà soát, soát xét và đánh giá những bất cập tồn tại của TCVN 2726:1987 quặng tinh cromit - Yêu cầu kỹ thuật và nghiên cứu sửa đổi bổ sung các yêu cầu kỹ thuật của quặng tinh cromit để đảm bảo với trình độ khoa học công nghệ hiện tại. 
Đến nay, đề tài đang dần đi đến thời gian hoàn thành, nhóm nghiên cứu đã đưa ra bản Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi TCVN xxxx : 2023 Quặng tinh cromit - Yêu cầu kỹ thuật. 
TS. Đỗ Hồng Nga - Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, trong phần thuyết minh, nhóm nghiên cứu nên đưa thêm các yêu cầu về thành phần độ hạt.
Đánh giá về Dự thảo, phía các đại biểu tham dự đã có một số góp ý quan trọng. TS. Đỗ Hồng Nga - Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng, nhóm nghiên cứu nên lưu ý thời gian để kịp tiến độ đề tài. Thứ hai là xét về nội dung, nhóm nghiên cứu cần rà soát lại những quy định trình bày theo TCVN. Đối với thuyết minh dự thảo, tổ soạn thảo cần bổ sung và làm rõ sự cần thiết phải soát xét Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2726 : 1987, những nội dung đã soát xét, những nội dung đã bổ sung,…
Trong khi đó, TS. Nguyễn Thuý Lan - Trung tâm Môi trường Công nghiệp – Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Luyện kim đề nghị nhóm nghiên cứu làm rõ thị trường tiêu thụ tinh quặng Cromit chính của Việt Nam, là cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn về đặc tính kỹ thuật hiện nay. 
Ngoài ra, TS. Nguyễn Thuý Lan cũng góp ý rằng nhóm nghiên cứu cần xem xét kỹ về việc sử dụng tài liệu viện dẫn (phương pháp phân tích hoá học, phương pháp phân xác định độ ẩm, phương pháp xác định hàm lượng các thành phần như crom (III) oxit, tổng hàm lượng sắt; silic đioxit, canxi oxit) là các TCVN xây dựng từ những năm 1987 để xây dựng TCVN năm 2023 liệu có còn phù hợp không. Hay đối với quy định về Bao gói, đề nghị nêu quy định cụ thể hơn về quy cách kỹ thuật và vật liệu sử dụng để bao gói hoặc thùng chứa tinh quặng cromit. Ví dụ tham khảo hướng dẫn kỹ thuật tại Luật BVMT 2020 đối với các kho bãi chứa để đảm bảo an toàn môi trường.
Lắng nghe những ý kiến, đóng góp từ phía các chuyên gia, nhóm nghiên cứu đã trao đổi, phân tích và ghi nhận những ý kiến đóng góp. Chủ nhiệm đề tài cho biết, nhóm sẽ tiếp tục hoàn chỉnh số liệu, dữ liệu và thuyết minh báo cáo trong thời gian sớm nhất để đề tài được hoàn thành đúng tiến độ. 
​​
Các chuyên gia đưa ra ý kiến góp phần hoàn thiện Dự thảo
Phát biểu bế mạc hội thảo, TS. Đào Duy Anh đã tổng kết lại những ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Viện trưởng VIMLUKI đánh giá nhóm nghiên cứu đã bám sát nhiệm vụ được giao, trên cơ sở đó đã có tổng quan tiêu chuẩn của các nước trên thế giới về yêu cầu kỹ thuật đối với quặng tinh crômit; đưa ra các đánh giá thực trạng dây chuyền công nghệ tuyển, chất lượng sản phẩm và nhu cầu sử dụng quặng tinh cromit trong nước và trên thế giới hiện nay, đồng thời đề ra được những tiêu chuẩn cho Dự thảo. 
Tuy nhiên, TS. Đào Duy Anh đề nghị dựa trên những ý kiến đóng góp, nhóm nghiên cứu cần tuân thủ quy cách của một TCVN, viết đúng quy cách, các số liệu, từ ngữ đã đưa vào tiêu chuẩn phải đúng, sử dụng từ ngữ đúng chuyên ngành, trích dẫn đầy đủ, đúng tài liệu gốc. Từ đó, nhóm nghiên cứu chỉnh sửa báo cáo tổng kết cũng như Dự thảo để có một sản phẩm tốt nhất trình Bộ Công Thương.
Để xây dựng được các yêu cầu kỹ thuật, từ tháng 8/2022, nhóm nghiên cứu đã bắt tay vào tìm hiểu và nghiên cứu các sở cứ như: Các thông tư, quy định quản lý của nhà nước đối với sản phẩm quặng tinh cromit; Tổng hợp, phân tích các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật trong nước và quốc tế, tài liệu kỹ thuật, các kết quả nghiên cứu liên quan, thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm quặng tinh cromit; Để đảm bảo tính ứng dụng và thực tiễn; Sử dụng các ý kiến của các chuyên gia tư vấn trong quá trình biên soạn, hoàn thiện Dự thảo và Thuyết minh dự thảo TCVN…
Dựa trên các nội dung nghiên cứu, nhóm đã tổng hợp rà soát TCVN 2726:1987 đối sánh với Dự thảo TCVN xxxx:2023 trên các tiêu chí như: Tên tiêu chuẩn; Bố cục nội dung; Phạm vi áp dụng; Tài liệu viện dẫn; Phân loại; Yêu cầu kỹ thuật; Phương pháp thử/ Phương pháp phân tích; Bao gói, ghi nhãn, vận chuyển và bảo quản; Bảo quản… Bảng đối sánh này là căn cứ để nhóm đưa ra các kết luận phục vụ đề tài.  
Bài/Ảnh: Phương Loan
lên đầu trang