Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 21:00

Chủ nhật, 28/04/2024 | 21:00

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 11:21 ngày 08/11/2023

Lưu giữ và bảo tồn nguồn gen cây nguyên liệu giấy

Bảo tồn nguồn gen thực vật nói chung, nguồn gen cây nguyên liệu giấy nói riêng là phương thức lưu giữ các nguồn gen cây rừng phong phú và đa dạng hiện có, làm nền tảng cho công tác giống cây rừng ở nước ta. 
Với thế mạnh là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới, Việt Nam hiện sở hữu khoảng 20.000 loài thực vật cả trên cạn và dưới nước. Trong đó, có 10% là các loài thực vật là cây bản địa, đặc hữu, quý hiếm; nhiều loài có giá trị sử dụng cao dùng làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn gia súc, lấy gỗ, làm nguyên liệu giấy và nhiều loài cây trồng khác. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố như chiến tranh, thiên tai, sự gia tăng dân số và biến đổi khí hậu,...đã gây nên những tác động tiêu cực lớn đến tài nguyên di truyền thực vật. 
Lưu giữ và bảo tồn nguồn gen cây nguyên liệu giấy là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết (Ảnh minh hoạ - Sở KHCN Trà Vinh)
Nhằm duy trì tính đa dạng di truyền cần thiết, tạo lập một nền tảng di truyền đủ lớn phục vụ cho công tác giống trước mắt và lâu dài, góp phần tăng năng suất theo mục tiêu kinh tế và tăng tính chống chịu của chúng với các điều kiện bất lợi là hết sức cần thiết, Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy, Tổng Công ty giấy Việt Nam đã được Bộ Công Thương giao thực hiện nhiều đề tài liên quan đến việc lưu trữ và bảo tồn các nguồn gen quý, trong đó có nhiệm vụ “Lưu giữ và bảo tồn nguồn gen cây nguyên liệu giấy”. Đề tài do KS. Triệu Hoàng Sơn làm chủ nhiệm.
Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu nhận thấy việc bảo tồn nguồn gen quý có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, nhưng việc ứng dụng công nghệ sinh học - nuôi cấy mô tế bào thực vật trong lưu giữ và bảo tồn nguồn gen là việc làm mang lại nhiều lợi ích so với các phương pháp khác ở nhiều nước trên thế giới đã áp dụng rộng rãi phương pháp này và đã mang lại hiệu quả cao.
Sau một thời gian triển khai, nhóm đề tài đã hoàn thành việc lưu giữ và bảo tồn an toàn 226 mẫu giống cây nguyên liệu giấy dưới hình thức bảo tồn field genbank. Đồng thời, chăm sóc, quản lý và bảo vệ an toàn 8 ha rừng bảo tồn đã trồng tại các địa điểm bảo tồn và lưu giữ nguồn gen. Chăm sóc, quản lý, bảo vệ tốt 5000m2 vườn trồng cây mẹ của các nguồn gen cây nguyên liệu giấy.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đánh giá tỷ lệ sống, sinh trưởng và phát triển các nguồn gen trồng ở các địa điểm. Từ kết quả đánh giá, các nguồn gen khẳng định được tính ưu việt về sinh trưởng chủ yếu là Bạch đàn, gồm có: CT4, CTIV, PN10, PN47, CT3 Eu16, GR3, PN7, PN3d, PN46A, E13, các nguồn gen mới TTKT7, F107, F104, NC3 và QY23.
Một số kết quả khác cũng đã được nhóm thực hiện bao gồm: Lưu giữ và bảo tồn an toàn 37 giống bạch đàn và keo dưới hình thức bảo tồn In–vitro. Duy trì, phục tráng 37 mẫu giống trong môi trường nuôi cấy mô, mỗi mẫu có từ 05-22 bình, cây giống của các mẫu sinh trưởng tốt và không bị nấm bệnh; Lưu giữ và bảo tồn an toàn 15 mẫu hạt giống của 09 cây trội Keo tai tượng xuất xứ từ rừng giống Hà Giang. Các mẫu hạt giống được bảo quản an toàn và đảm bảo theo tiêu chuẩn cơ sở.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã tiến hành trồng bổ sung 1 ha rừng bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây nguyên liệu giấy tại 02 địa điểm, mỗi địa điểm 0,5ha cho 25 nguồn gen (Bạch đàn 21 dòng, Keo lai 4 dòng, trong đó có 11 nguồn gen bạch đàn mới lựa chọn. Các nguồn gen mới trồng tương đối phù hợp với nơi trồng, có tỷ lệ sống cao, sinh trưởng tốt và không bị sâu bệnh hại.
Có thể thấy, bảo tồn nguồn gen cây rừng nói chung, cây nguyên liệu giấy nói riêng là phương thức lưu giữ các nguồn gen cây rừng phong phú và đa dạng hiện có, làm nền tảng cho công tác giống cây rừng ở nước ta. Việc bảo tồn nguồn gen không chỉ phục vụ cho công tác chọn giống mà còn gắn liền với việc cung cấp giống trước mắt và lâu dài, đồng thời thiết thực phục vụ các chương trình trồng rừng trong nước và trao đổi giống Quốc tế. 
Sau thành công của đề tài, Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy mong muốn Bộ Công Thương tiếp tục tạo điều kiện cho Viện được thực hiện nhiệm vụ thường xuyên Lưu giữ và bảo tồn nguồn gen cây nguyên liệu giấy nhằm cải thiện giống và cung cấp giống llàm phong phú thêm hoạt động bảo tồn nguồn gen cây rừng ở nước ta.
Việt Nam cũng là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới, được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về sự đa dạng tài nguyên sinh vật, tài nguyên di truyền, là nơi có nguồn gen cây trồng và vật nuôi địa phương đa dạng của thế giới. 
Tố Uyên

lên đầu trang