Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 03:19

Thứ sáu, 03/05/2024 | 03:19

Chính sách

Cập nhật lúc 08:17 ngày 20/11/2023

'Xây dựng cơ chế đặc thù chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học'

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ xây dựng cơ chế đặc thù chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, nâng cao hiệu quả các quỹ phát triển khoa học công nghệ.
"Chính phủ sẽ đẩy mạnh thị trường, sớm hình thành sàn giao dịch công nghệ", Thủ tướng nói khi trả lời chất vấn tại Quốc hội, sáng 8/11.
Theo lãnh đạo Chính phủ, đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, là yếu tố quyết định phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Tuy nhiên, hiện cơ cấu, trình độ nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là đối với các ngành, lĩnh vực mới. Hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp chưa nhiều.
Nguyên nhân chủ yếu là một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan có nội dung chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư của doanh nghiệp cho đào tạo nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ còn dàn trải, kém hiệu quả. Cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nhất là về thuế, tín dụng, nhân lực, hạ tầng. Công tác quản lý Nhà nước còn bất cập.
Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, lao động trình độ cao cả trong và ngoài nước. Chính phủ cũng ưu tiên bố trí nguồn lực để đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, chuyển đổi năng lượng sạch, hydrogen...
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 8/11. Ảnh: Media Quốc hội
Trong Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5 hồi tháng 6, một trong những nhiệm vụ được Quốc hội đặt ra cho Chính phủ, Thủ tướng, bộ ngành là tháo gỡ rào cản trong chính sách, pháp luật về kinh tế, tài chính, đầu tư, đấu thầu với pháp luật khoa học và công nghệ theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo.
Rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần được chấp nhận theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, bảo đảm công khai, minh bạch. Chính phủ và các bộ ngành cũng phải nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cũng nhiều lần nhấn mạnh bản chất của nghiên cứu là tìm cái mới, có thể thành công, thất bại hoặc thành công sớm hay muộn. "Các đề tài đều có rủi ro, độ trễ, đôi khi không phải đề tài nào cũng có kết quả, nhất là trong công tác chuyển giao, thương mại hóa", Bộ trưởng nói.
Cần cơ chế tài chính thực sự cởi trói cho nhà khoa học
Tại phiên chất vấn các Bộ trưởng khối văn hóa - xã hội, bà Trần Kim Yến (Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP HCM) nêu thực trạng việc thanh, quyết toán các nhiệm vụ khoa học công nghệ mất nhiều thời gian, dẫn tới hồ sơ thanh toán nhiều hơn hồ sơ khoa học. Bà đề nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng này, tạo thuận lợi cho nhà khoa học.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết các nhiệm vụ khoa học công nghệ khi thanh toán phải tuân thủ quy định về kế toán, ngân sách Nhà nước và đấu thầu. Thời gian qua, nhiều quy định về khoán chi, đơn giản hóa thủ tục, kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước được đưa ra, nhưng trách nhiệm kiểm soát chi lại giao cho các đơn vị quản lý kinh phí tại bộ, ngành.
Do đó, nhà khoa học vẫn phải hoàn thiện các chứng từ thực thanh, thực chi hợp pháp, thực hiện thủ tục liên quan tới đấu thầu, mua sắm và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về sử dụng ngân sách. Điều này giải thích vì sao hồ sơ thanh quyết toán nhiều hơn hồ sơ khoa học.
"Bản chất hiệu quả hoạt động nghiên cứu là có độ trễ, chưa được chứng minh ngay, sản phẩm khoa học công nghệ còn có nhiều yếu tố vô hình khó lượng hóa rõ ràng, nhưng quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước vẫn gắn với kiểm soát chứng từ chi tiêu", ông Đạt nói.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 8/11. Ảnh: Ngọc Thành
Thực tế, Kho bạc Nhà nước không kiểm soát chi, nhưng khối lượng chứng từ chi tiêu, đấu thầu mua sắm phải lưu giữ gần như không thay đổi so với phương thức khoán chi từng phần.
Để tháo gỡ toàn diện, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho rằng cần áp dụng cơ chế đặc thù với lĩnh vực khoa học công nghệ so với dòng chi khác từ ngân sách Nhà nước, trong phân bổ, giao dự án đấu thầu, thanh quyết toán, yêu cầu về chứng từ chi tiêu thanh tra, kiểm soát chi của kho bạc Nhà nước.
"Nếu không làm được điều này, khó có được cơ chế tài chính thực sự cởi trói, đơn giản hóa cho các nhà khoa học trong thanh, quyết toán nhiệm vụ khoa học công nghệ", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Ông cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa Thông tư liên tịch 27 về khoán chi, kiến nghị Chính phủ sửa Nghị định 95 và đề xuất quan điểm giải quyết căn cốt nội dung này khi sửa Luật Khoa học công nghệ sắp tới. Ngoài ra, Bộ cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia để đảm bảo công khai, minh bạch.
Nguồn: vnexpress.net
lên đầu trang