Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 05:11

Thứ hai, 29/04/2024 | 05:11

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:18 ngày 29/11/2023

Đưa các Viện nghiên cứu ngành Công Thương trở thành nhân tố nòng cốt trong mạng lưới tổ chức KHCN

Ngày 26/11/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với các các Viện nghiên cứu trong ngành Công Thương nhằm triển khai thực hiện Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 2795/QĐ-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2023.
Tham dự buổi làm việc do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì có đại diện của các đơn vị trực thuộc Bộ, gồm các Vụ: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch – Tài chính, Tổ chức cán bộ, Dầu khí và Than; các Cục: Công nghiệp, Hoá chất, Điện lực và Năng lượng tái tạo, Điều tiết điện lực và sự tham gia của đại diện Lãnh đạo của 21 Viện nghiên cứu của ngành Công Thương cùng các đơn vị báo chí của Bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc buổi làm việc 
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định “Không thể có một chính sách tốt nếu thiếu đi những luận cứ về khoa học và thực tiễn từ nhà nghiên cứu; cũng như không thể có một nền sản xuất hiện đại, tiên tiến nếu không có sự phát triển và ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ (KH&CN). Bởi vậy, phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta; được xác định là quốc sách hàng đầu, nội dung cốt lõi trong các đột phá chiến lược để phát triển đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Phát huy sức mạnh của các Viện nghiên cứu
Theo báo cáo của đồng chí Lý Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương hiện quản lý trực tiếp 11 Viện, 02 Viện đã thực hiện cổ phần hoá; bên cạnh đó là 08 Viện thuộc các Tập đoàn, Tổng Công ty như : Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hoá chất, Tổng Công ty Thép, Tổng Công ty Giấy.v.v... Các Viện của ngành là những tổ chức KH&CN có bề dày lịch sử xây dựng và phát triển từ 35 đến 60 năm; có lĩnh vực nghiên cứu KH&CN độc lập, gắn với các ngành, phân ngành, lĩnh vực khác nhau thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Các Viện đều đã khẳng định vị thế của mình trong hệ thống các tổ chức KH&CN cả nước và khu vực, cũng như có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của Ngành. 
Ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ khoa học và công nghệ báo cáo tại buổi làm việc
Tại Hội nghị, TS Đào Duy Anh, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim cũng đã báo cáo hoạt động của Câu lạc bộ các Viện nghiên cứu ngành Công Thương – một sáng kiến đã được Lãnh đạo Bộ ủng hộ với mục tiêu tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin, hợp tác triển khai các hoạt động KH&CN giữa các Viện. Sau thời điểm thành lập vào năm 2012 đến nay, các hoạt động của Câu lạc bộ đã được tổ chức thường kỳ để phổ biến về tình hình và định hướng hoạt động KH&CN ngành Công Thương, các văn bản chỉ đạo mới của ngành, chia sẻ các kinh nghiệm, cách làm hay trong hoạt động KHCN cũng như trong công tác quản lý, điều hành.... Nhiều hoạt động, chương trình hợp tác giữa các Viện đã được hình thành từ hoạt động của Câu lạc bộ.
TS Đào Duy Anh báo cáo tình hình hoạt động của Câu lạc bộ các Viện nghiên cứu ngành Công Thương 
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, phát triển KHC&CN là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bởi lẽ, đó là động lực cho phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy định hướng hình thành, phát triển những ngành kinh tế mới; cùng với đó, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất và cơ cấu ngành nghề, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu vào, làm gia tăng các yếu tố sản xuất kinh doanh. Nhờ có KH&CN, đổi mới sáng tạo, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế, thậm chí là năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời góp phần tạo ra việc làm mới, thúc đẩy phân công lao động xã hội.
Bộ trưởng cũng đã ghi nhận về những đóng góp của các Viện trong việc nghiên cứu, tư vấn chính sách và hỗ trợ các doanh nghiệp trong Ngành thực hiện đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó chỉ ra những khó khăn, hạn chế và thách thức trong hoạt động của các Viện trong giai đoạn hiện nay.
Quyết liệt triển khai các giải pháp trọng tâm
Cùng với cả nước, ngành Công Thương đang bước vào giai đoạn phát triển mới; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu Ngành với định hướng lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp có tính đột phá. Trong bối cảnh đó, để định hướng, chỉ đạo công tác KH&CN và đổi mới sáng tạo của Ngành giai đoạn tới, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và yêu cầu tái cơ cấu ngành Công Thương; vừa qua, Bộ đã ban hành Quyết định số 2795/QĐ-BCT ngày 30/10/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương đến năm 2030; trong đó, xác định: Các Viện nghiên cứu thuộc Bộ phải trở thành nhân tố nòng cốt trong mạng lưới tổ chức KH&CN của ngành Công Thương; được nâng cao về năng lực nghiên cứu, trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh, hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm…
Các Viện nghiên cứu ngành Công Thương cần phát huy vai trò trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương 
Để hiện thực hoá các định hướng nêu trên, tạo điều kiện cho các Viện tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của Ngành trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chỉ ra các nhiệm vụ trọng tâm mà các Viện cần ưu tiên triển khai trong giai đoạn tới đây nhằm tiếp tục phát huy sức mạnh và vai trò các Viện nghiên cứu trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương, hiện thực hóa các các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương giai đoạn đến 2030, cụ thể:
Một là, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; tổ chức quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến ngành Công Thương cho cán bộ, viên chức của các Viện. Bởi lẽ đây là lực lượng nòng cốt tiên phong về KHCN, đổi mới sáng tạo của ngành Công Thương, lực lượng này dứt khoát phải được trau dồi về quan điểm và phải được rèn luyện về bản lĩnh để trong mọi tình huống phải tuân thủ và thực hiện những mục tiêu cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đặt ra.
Quan tâm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế (như cấp ủy, tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội); đề cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu; giữ gìn đoàn kết, thống nhất và phát huy tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, góp phần cùng toàn Ngành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao.
Hai là, khẩn trương rà soát, xây dựng định hướng, mục tiêu phát triển của đơn vị trong giai đoạn đến 2030 theo Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương mới được phê duyệt, trong đó cần cụ thể hóa kế hoạch triển khai trong từng năm, từng giai đoạn, bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển và yêu cầu tái cơ cấu Ngành, cũng như phù hợp với xu hướng phát triển KHCN trên thế giới, đặc biệt là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tập trung thực hiện tái cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động của các Viện, bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hệ thống quản trị hiện đại để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; trong đó, cần tập trung vào những giá trị cốt lõi, phát huy thế mạnh đặc thù của từng đơn vị. Phấn đấu xây dựng, phát triển các Viện thuộc Bộ trở thành các Trung tâm nghiên cứu, triển khai hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực chuyên ngành, có uy tín trên thị trường khu vực và quốc tế. Các Viện nghiên cứu của các Tập đoàn, Tổng công ty phải trở thành lực lượng chủ công trong việc tiếp thu KHCN để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình.
Ba là, chú trọng xây dựng và phát triển năng lực KH&CN, bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn để hình thành một hệ sinh thái đa dạng, linh hoạt, đóng góp những sản phẩm KH&CN mang tầm quốc gia, khu vực. Đồng thời, tiếp tục làm tốt vai trò tư vấn, tham mưu chính sách, cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn giúp Bộ các đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thực thi được những chiến lược của mình vạch ra.
Bốn là, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng gắn kết với các Tập đoàn, Tổng công ty, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Hay nói cách khác là lấy doanh nghiệp làm địa bàn để thực hiện, lấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, làm thước đo cho việc nghiên cứu ứng dụng của mình. Mọi hoạt động KH&CN phải gắn với sản xuất, bắt nguồn trước hết từ yêu cầu của thực tiễn để có những sản phẩm KH&CN thiết thực, có sức lan tỏa mạnh trong Ngành và được ứng dụng nhanh chóng, hiệu quả vào thực tiễn.
Hay nói cách khác, các Viện nghiên cứu cần phải tạo ra sản phẩm, công nghệ mà thị trường cần chứ không phải những thứ các Viện có thể làm.
Năm là, tăng cường hợp tác với các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu, đào tạo có uy tín ở trong và ngoài nước nhằm trao đổi, chia sẻ, hợp tác nghiên cứu, tiếp thu trình độ chuyên môn và kỹ năng quản lý tiên tiến của khu vực và quốc tế, phù hợp xu thế hội nhập và sự phát triển công nghiệp 4.0. Đồng thời, tiếp tục mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo sau đại học và đào tạo cán bộ kỹ thuật tại doanh nghiệp, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Viện, của Ngành và của đất nước.
Với năng lực, kinh nghiệm sẵn có và những thành tích xuất sắc đạt được trong những năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng rằng các Viện nghiên cứu trong Ngành sẽ tiếp tục đạt được những thành công hơn nữa trong thời gian tới, đóng góp tích cực cho sự phát triển của Ngành và sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. 
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị đã chứng kiến lễ bàn giao Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Viện Nghiên cứu ngành Công Thương từ TS Đào Duy Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ -Luyện kim cho TS. Phan Đăng Phong- Viện trưởng Viện nghiên cứu Cơ khí.
Trước nhu cầu thực tiễn, năm 2012, được sự đồng ý về chủ trương của Lãnh đạo Bộ Công Thương (MOIT), sự nhất trí và ủng hộ nhiệt tình của Vụ KHCN-MOIT, các Viện do MOIT quản lý trực tiếp và các Viện thuộc các Tập đoàn, Tổng Công ty trực thuộc MOIT đã nhất trí thành lập Câu lạc bộ các Viện thuộc MOIT (20 Viện). CLB hoạt động dựa trên các tổn chỉ và mục đích chính nhu sau:
- Là diễn đàn để truyền tải các thông tin về hoạt động KHCN ngành Công Thương, các Văn bản chỉ đạo điều hành mới về KHCN của Lãnh đạo (LĐ) Bộ và Vụ KHCN, triển khai nhanh một số chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và Vụ KHCN;
- Là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa các Viện để giới thiệu, tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ các kinh nghiệm hay trong hoạt động KHCN và tìm kiếm khả năng hợp tác trong nghiên cứu và phát triển (R&D) giữa các Viện; 
- Là tổ chức tập hợp sự đoàn kết, chia sẻ thông tin để tri ân các thế hệ LĐ Bộ, LĐ Vụ KHCN, LĐ các Viện khi thay đổi vị trí công tác, nghỉ chế độ... thăm hỏi, động viên cán bộ viên chức trong các thành viên CLB và các tổ chức có liên quan.  
Minh Khuê
lên đầu trang