Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 16:07

Chủ nhật, 05/05/2024 | 16:07

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 10:25 ngày 21/12/2023

Ứng dụng thiết bị phân loại chất thải hữu cơ từ rác sinh hoạt thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao

Việc nghiên cứu, khảo sát máy sàng phân loại tinh nguyên liệu làm dinh dưỡng hữu cơ từ rác thải nhằm mục đích góp phần nâng cao hiệu quả cho dây chuyền xử lý rác thải thải sinh hoạt.
Rác thải sinh hoạt hiện đang là một trong những nguồn lớn gây ra ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nếu quản lý và tái sử dụng hợp lý thông qua các giải pháp công nghệ tiên tiến thì rác thải sinhh hoạt cũng là nguồn nguyên liệu đầu vào rẻ, phong phú, mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần rất lớn trong việc bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên.
Rác thải sinh hoạt là mối đe dọa tới môi trường nhưng cũng là nguồn tài nguyên quan trọng nếu có thể phân loại, xử lý đúng cách. (Ảnh: congnghiepmoitruong)
Nhận thấy nhu cầu cấp thiết cần phải có phương pháp và công nghệ đúng đắn để xử lý chất thải sinh hoạt, nhóm tác giả tại Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM) đã đề xuất và được Bộ Công Thương phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu và ứng dụng thiết bị sàng phân loại chất thải hữu cơ từ rác sinh hoạt thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp xanh ở quy mô công nghiệp”. Đề tài do do PGS. TS. Nguyễn Đình Tùng - Viện trưởng Viện RIAM làm chủ nhiệm với mục tiêu  nghiên cứu, lựa chọn, chế tạo và đưa ra thị trường dây chuyền thiết bị đồng bộ, hiện đại phù hợp với điều kiện Việt Nam để có thể ứng dụng trong thực tiễn. 
Trong quá trình triển khai thực hiện, nhóm tác giả đã đã tìm hiểu, chắt lọc, lựa chọn được công nghệ xử lý rác thải chế biến sản xuất thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp xanh. Hệ thống bao gồm: Thiết bị phễu cấp liệu (rác đầu vào) có kết cấu “đặc thù” cho phù hợp với rác thải của Việt Nam; Thiết bị xé túi và sàng phân loại sơ chế và sàng phân loại tinh chế kiểu rôto/lồng quay; Thiết bị thiết bị tuyển từ (tách, lọc sắt); Hệ thống trộn có kết cấu đặc thù. Các thông số kỹ thuật của thiết bị được kiểm tra, đánh giá bằng phần mềm máy tính.
Hệ thống sau khi được thực nghiệm tại Công ty Cổ phần Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai đã cho thấy kết quả khả quan. Theo đó, chất lượng của dây chuyền thiết bị đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra, dây chuyền hoạt động ổn định, chất lượng sản phẩm sau xử lý đạt kết quả tốt. Đồng thời, tiết kiệm chi phí đầu tư, nhân lực và năng lượng so với các dây chuyền tương đương trong và ngoài nước, điều đó góp phần vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.
Hệ thống dây chuyền thiết bị ứng dụng vào sản xuất tại Công ty Cổ phần Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai. (Ảnh: moitruongvadothi)
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Tùng, hệ thống dây chuyền thiết bị của đề tài trong giải pháp này có nhiều ưu điểm nổi trội, nhiều tính mới, khoa học hơn so với mẫu máy trong nước cũng như trên thế giới. Bởi nhiều máy móc, thiết bị chính trong hệ thống dây chuyền đồng bộ này được tích hợp ưu điểm từ nhiều máy của các nước có công nghệ hiện đại phát triển trên thế giới (Đức, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Hàn Quốc…), nhưng rất phù hợp với điều kiện ứng dụng ở Việt Nam.
"Hệ thống dây chuyền thiết bị trong giải pháp này được nghiên cứu và chế tạo trong nước tại Viện RIAM 100% không cần nhập khẩu thiết bị (nội địa hóa 100%), góp phần nâng cao khả năng chế tạo trong nước", PGS.TS Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng thành công đề tài còn góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện điều kiện sống đối với doanh nghiệp và bà con nông dân, đặc biệt là các bà con dân tộc thiểu số tại Lào Cai; cải thiện điều kiện làm việc, an toàn lao động cho người lao động. Bởi trước đây thường doanh nghiệp chưa sử dụng thiết bị xử lý mà thường chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường của người lao động.
Mặt khác, khi sử dụng thiết bị xử lý đồng bộ, liên hoàn trong giải pháp này còn góp phần bảo vệ môi trường do có thể sử dụng nguồn hữu cơ từ rác thải sinh hoạt sau khi phân ly, tách ra được để sản xuất thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng trong xử lý, chế biến dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao cho cây trồng.
Việc đưa dây chuyền công nghệ vào thực tiễn đã góp phần tác động, thúc đẩy các ngành công nghiệp khác trong nước cùng phát triển như ngành môi trường, phân bón, cơ khí chế tạo máy, ngành vật liệu,.... Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do sử dụng rác thải sinh hoạt thành các nguyên liệu hữu ích. Góp phần thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp "xanh”, bền vững ngày một phát triển hơn ở Việt Nam trong tương lai.
Với những giá trị khoa học và thực tiễn kể trên, đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị cho nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp xanh” do Viện Nghiên cứu Thiết kế chế tạo máy nông nghiệp, Bộ Công thương thực hiện đã được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2021.
Minh Khuê

lên đầu trang