Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 00:10

Chủ nhật, 28/04/2024 | 00:10

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 10:40 ngày 10/01/2024

Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu chế tạo hệ thiết bị chiết tách tinh dầu Tràm Trà

Với mục tiêu cung cấp quy trình công nghệ và những thiết bị tách chiết tinh dầu quy mô vừa và nhỏ, dễ dàng lắp đặt và sử dụng để có thể khai thác được vùng nguyên liệu rải rác tại nước ta, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã thực hiện nhiệm vụ KHCN: “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thiết bị chiết tách tinh dầu Tràm Trà (Melaleuca alternifolia)”. 
Tràm Trà là thảo dược có nhiều công dụng hữu ích trong cuộc sống. Đặc biệt, tinh dầu Tràm Trà được ứng dụng nhiều trong chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe. Với xu hướng sử dụng tinh dầu thiên nhiên, đặc biệt là Tràm Trà ngày càng nhiều như hiện nay, việc cung cấp quy trình công nghệ và những thiết bị tách chiết tinh dầu quy mô vừa và nhỏ, dễ dàng lắp đặt và sử dụng để có thể khai thác được vùng nguyên liệu rải rác như ở nước ta là rất cần thiết.
Với mong muốn có được một hệ thống thiết bị chưng cất tinh dầu đồng bộ, đầy đủ với quy mô pilot như vậy để thực hiện các Dự án sản xuất thử nghiệm tinh dầu khác trong tương lai, hoặc làm mô hình trình diễn, giới thiệu các công nghệ nghiên cứu cho các đơn vị có nhu cầu chuyển giao hoặc liên doanh liên kết, ThS. Bùi Thanh Bình cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã thực hiện nhiệm vụ NCKH cấp Bộ Công Thương: “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thiết bị chiết tách tinh dầu Tràm Trà (Melaleuca alternifolia)”. 
“Mục tiêu chính của đề tài là làm chủ công nghệ và thiết bị để sản xuất tinh dầu Tràm Trà, từ đó làm nền tảng để có thể mở rộng sản xuất các loại tinh dầu khác bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước.” - ThS. Bùi Thanh Bình cho hay. 
Tinh dầu Tràm Trà được ứng dụng nhiều trong chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe. (Nguồn ảnh: freshhomelab.com/)
Thiết kế và chế tạo thành công thiết bị chưng cất tinh dầu Tràm Trà sau 2 năm thực hiện
Dựa trên kết quả nghiên cứu hoàn thiện các thông số công nghệ của quá trình chưng cất lôi cuốn hơi nước tinh dầu Tràm Trà, nhóm nghiên cứu đã lên phương án thiết kế các thiết bị của hệ thống như: tính toán công suất thiết bị chính và các thiết bị đi kèm (thể tích bồn chứa, kích thước bộ phận làm lạnh, bộ phận ngưng tụ, phân tách); Lựa chọn vật liệu chế tạo; Thiết kế bản vẽ kỹ thuật và sơ đồ lắp đặt các thiết bị của hệ thống theo các thông số đã tính toán; Lựa chọn đơn vị để gia công, chế tạo hệ thiết bị. 
Kết quả, đề tài đã thiết kế được hệ thống thiết bị chưng cất tinh dầu Tràm Trà quy mô 1.000kg NL/mẻ bao gồm 01 nồi hơi, 02 nồi cất riêng biệt mỗi hệ có quy mô từ 250 – 500kg nguyên liệu và 02 hệ thống ngưng tụ, phân ly. 
Hệ thiết bị chưng cất tinh dầu Tràm Trà có nồi hơi riêng, công suất 500kg/mẻ (Nguồn ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Hệ thiết bị chưng cất tinh dầu Tràm Trà dùng điện trở, công suất 500kg/mẻ (Nguồn ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Sau khi lắp đặt và vận hành thử thiết bị, đồng thời điều chỉnh một số thông số công nghệ, nhóm nghiên cứu đã biên soạn một bộ hồ sơ về “Hướng dẫn vận hành, sửa chữa và bảo trì thiết bị chưng cất tinh dầu”.
Theo ThS. Bùi Thanh Bình - chủ nhiệm đề tài, hệ thiết bị được lắp đặt tại Trung tâm Sản xuất Giống Trảng Bàng, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu và được vận hành thử nghiệm để hiệu chỉnh thông số công nghệ của hệ thiết bị. Sau thời gian thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã sản xuất thử được 103,7 lít tinh dầu Tràm Trà. 
Ngoài ra, với mô hình công nghệ và thiết bị sản xuất tinh dầu hiện đại, sử dụng nồi hơi chạy điện, quy mô 1.000kg NL/mẻ, hoạt động liên tục nhờ có hai nồi cất, phù hợp cho hộ kinh doanh sản xuất nhỏ lẻ hoặc các đơn vị sản xuất tinh dầu quy mô vừa, nhóm thực hiện đã ước tính giá thành sơ bộ và chi phí sản xuất cùng hiệu quả kinh tế cho sản phẩm tinh dầu Tràm Trà của đề tài, theo đó lợi nhuận thu được có thể đạt 25% so với doanh thu.
Sản phẩm tinh dầu Tràm Trà của đề tài được tạo ra trong quá trình nghiên cứu đã được đem phân tích đánh giá chất lượng nhiều lần tại Trung tâm Phân tích và Kiểm định IOOP cũng như tại Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (Quatest 3), kết quả cho thấy đều đạt theo Tiêu chuẩn Quốc tế  ISO 4730:2017 và Tiêu chuẩn cơ sở tự công bố của Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu. Đây là  cơ sở để sản phẩm có thể hướng tới thương mại hóa nếu được đầu tư nghiên cứu thêm về bao bì, nhãn mác hoặc dùng làm nguyên liệu cho các nghiên cứu thử nghiệm một số sản phẩm hóa mỹ phẩm, dược phẩm từ tinh dầu Tràm trà.
Phương Loan
lên đầu trang