Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 01:18

Thứ hai, 29/04/2024 | 01:18

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 08:39 ngày 26/02/2024

Nghiên cứu sản xuất paste màu phục vụ ngành công nghiệp sơn và ứng dụng trong lĩnh vực da - giầy

ThS Trần Văn Vinh và các cộng sự tại Viện Nghiên cứu Da - Giầy đã làm chủ công nghệ sản xuất paste màu đa tương hợp nhằm từng bước nội địa hóa, giảm thiểu hàng nhập ngoại trong ngành công nghiệp sơn.
Trong quá trình sản xuất các sản phẩm làm từ chất liệu da, việc sử dụng các thành phần thuộc khác nhau làm thay đổi bản chất và màu sắc của tấm da, là công đoạn quan trọng có vai trò nâng cao chất lượng và giá trị của da thành phẩm. So với các nước, công nghệ thuộc da của Việt Nam còn chậm phát triển. Đặc biệt là hạn chế về khả năng hoàn thiện, trau chuốt da thuộc. Hầu hết da nguyên liệu của Việt Nam được xuất khẩu thô và nhập khẩu da hoàn thiện để phục vụ sản xuất hàng hóa.
Có nhiều phương pháp trau chuốt khác nhau được sử dụng, một trong số đó là sơn phủ bề mặt. Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay do tính ứng dụng cao của nó: phù hợp với da thuộc, da nhân tạo hay trong hoạt động sơn đổi màu, phục hồi da thuộc đáp ứng yêu cầu tiết kiệm nguyên nhiên liệu. Sử dụng sơn phủ cho da thuộc có thể thay đổi hình thức, cảm giác, độ đầy đặn, trọng lượng và màu sắc của da; giữ cho da được mềm mại, linh hoạt và kéo dài tuổi thọ da thuộc.
Với xu hướng nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ của ngành sơn và ứng dụng sơn, Paste màu đối với các sản phẩm ngành da, để tăng tính chủ động trong các hoạt động về sản xuất và thương mại, cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm, việc nghiên cứu sản xuất paste màu là rất cần thiết. Do đó, Viện Nghiên cứu Da - Giầy đã đề xuất và được Bộ Công Thương phê duyệt thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sản xuất Paste màu (đen, trắng, đỏ, xanh và vàng) phục vụ ngành công nghiệp sơn và ứng dụng trong lĩnh vực da - giầy” nhằm mục tiêu xây dựng được quy trình công nghệ phù hợp với trang thiết bị hiện có tại Việt Nam. 
Da và các sản phẩm từ da đóng một vai trì nổi bật trong nền kinh tế thế giới (Ảnh minh hoạ)
Sau hơn 1 năm thực hiện (từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2022), đề tài đã xây dựng, thử nghiệm và làm chủ nguyên, vật liệu, máy móc công nghệ sản xuất paste màu (đen, trắng, đỏ cờ, xanh lam, xanh lục, vàng chanh và vàng nghệ) gốc dầu và gốc nước ứng dụng trong ngành da - giầy. Kết quả của đề tài mở ra khả năng nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến paste màu sơn gốc nước và gốc dầu ứng dụng trên ngành da – giầy, tạo đầu ra có chất lượng và thời trang để thúc đẩy sản xuất và chế biến các sản phẩm ngành da- giầy cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong nước. 
Quá trình pha sơn (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Đề tài cũng góp phần đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật cho ngành công nghiệp da - giầy. Đây là một nội dung có ý nghĩa quan trọng của đề tài vì hiện nay ở Việt Nam chưa có đơn vị nào tự sản xuất được paste màu sơn ứng dụng trên da. Quá trình nghiên cứu và thực hiện đề tài đã giúp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ nghiên cứu viên, làm chủ công nghệ, góp phần mở rộng và phát triển sản phẩm, thị trường. Bên cạnh đó, đề tài được thực hiện còn giúp cải thiện môi trường sản xuất hiện đại, tăng năng suất chất lượng, giúp cho các cơ sở ứng dụng công nghệ mới khi công nghiệp thuộc da, thiết kế và sản xuất sản phẩm ngành da - giầy nói chung hiện tại đang là một trong những ngành có giá trị gia tăng rất thấp, không đáp ứng được chất lượng cũng như số lượng. 
Công nghệ mới sau khi được thiết lập và ứng dụng vào thực tiễn sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng yêu cầu về xuất xứ nguyên vật liệu trong sản phẩm da - giầy xuất khẩu theo các Hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết với các nước. Đề tài đã tạo ra được hướng đi mới với nhiều ưu điểm, mang tính tiên tiến và hiện đại, có khả năng áp dụng tốt vào thực tiễn; đồng thời góp phần nâng cao trình độ khoa học, công nghệ sơn phủ trong nước.” ThS Trần Văn Vinh, chủ nhiệm đề tài cho biết.
Hình ảnh sản phẩm (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Thành công của đề tài cũng tạo cho công nghiệp hỗ trợ, sơn phủ, chế biến bề mặt da trong nước phát triển để từng bước tự cung ứng nguyên vật liệu tiến tới thay thế nhập khẩu. Kết quả của đề tài giúp thúc đẩy liên kết giữa các ngành da giầy- sơn phủ trong sản xuất nguyên vật liệu và sản xuất sản phẩm da, đúng với chủ trương của Nhà nước về việc phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành công nghiệp; đồng thời nâng cao hiệu quả đầu ra của ngành sản xuất sơn trong nước, giúp cho ngành có khả năng phát triển bền vững và tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác như ngành nông nghiệp và dịch vụ trong nước phát triển. 
Trên cơ sở hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm paste màu sơn thành phẩm đã thực hiện của đề tài, nhóm tác giả mong muốn tiếp tục được nghiên cứu chuyên sâu, đồng thời triển khai sản xuất quy mô lớn tại Viện Nghiên cứu Da - Giầy trên cơ sở kết hợp với công ty và doanh nghiệp thuộc da, sơn nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu trong sản xuất tại các cơ sở và doanh nghiệp thuộc da và yêu cầu thực tế của thị trường
Ngành công nghiệp thuộc da có lịch sử lâu đời hàng trăm năm, sản xuất da thuộc và hàng hóa trên toàn thế giới. Da sống phổ biến nhất là từ bò, cừu, dê và lợn. Các sản phẩm phổ biến nhất là giày dép, quần áo và vải bọc. Khoảng 65% nguyên liệu được sử dụng có nguồn gốc từ da bò. Theo báo cáo từ Grand View Research, quy mô thị trường hàng da toàn cầu được định giá 414,0 tỷ USD vào năm 2017, dự kiến sẽ đạt 629,65 tỷ USD vào năm 2025, thể hiện tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) mạnh hơn 5,4% trong giai đoạn dự báo. Ngành công nghiệp da toàn cầu đang bùng nổ do nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm thời trang xa xỉ như túi xách, ví và các phụ kiện thời trang khác. Nhìn chung vị trí của da vẫn ổn định bất chấp những thay đổi trong kinh tế thế giới, nông nghiệp, và công nghệ.
Tại Việt Nam, da giầy là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực chiếm 7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Việt Nam hiện có sản lượng giầy dép xuất khẩu chiếm 10% trên Thế giới. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 1,2 tỷ đôi giày và đứng thứ hai về xuất khẩu giày dép. Theo số liệu trích dẫn từ trang web ngành giày dép Đức Schoez.biz, thị phần xuất khẩu giày dép toàn cầu của Trung Quốc đã giảm 12% trong thập kỷ qua từ 73,1% năm 2011 xuống 61,1% năm 2020, trong khi đó Việt Nam đã tăng lên 10,2% từ mức khoảng 2% trong giai đoạn này. Đáng chú ý, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu giày vải lớn nhất (về giá trị), vượt xa Trung Quốc.
Minh Khuê
lên đầu trang