Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 19:05

Thứ bảy, 27/04/2024 | 19:05

Tin KHCN

Cập nhật lúc 14:25 ngày 28/02/2024

Khai thác và chế biến khoáng sản: Chú trọng nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ

Trong khai thác và chế biến khoáng sản, hoạt động khoa học và công nghệ đã góp phần đẩy mạnh đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành...
Ứng dụng nhiều công nghệ mới
Theo Quyết định số 55/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì ngành than tiếp tục phát huy tối đa nội lực kết hợp mở rộng hợp tác quốc tế để nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới hiện đại, đặc biệt là các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong quản lý thăm dò, khai thác, sàng tuyển - chế biến, vận chuyển và sử dụng than.
Ngành than đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất
Bên cạnh đó nâng cao công tác bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái, thúc đẩy sản xuất sạch hơn và hướng tới kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và phù hợp cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Trong thời gian qua các nhà máy, mỏ than đã liên tục đẩy mạnh đầu tư, đổi mới ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ cao vào hoạt động khai thác, chế biến than thành phẩm. Cùng với đó là chủ động chế tạo, nội địa hoá nhiều thiết bị linh kiện để phục vụ sản xuất, khai thác.
Ngành công nghiệp than còn chú trọng thực hiện cơ giới hoá, tự động hoá ở các khâu, coi đây nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao năng suất, sản lượng khai thác và đảm bảo an toàn lao động, hạn chế những tác động có hại đến môi trường tự nhiên.
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than toàn ngành bình quân 9,4%/năm.
Trong khai thác hầm lò, mức độ cơ giới hóa và hiện đại hóa được nâng cao thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới như: Sử dụng vì chống tiên tiến giá khung, giá xích, giàn chống tự hành; khấu than bằng máy khấu, máy bào; đào lò bằng máy khoan tự hành kết hợp với xúc bốc, máy đào lò liên hợp, các loại vì neo bê tông cốt thép, bê tông phun, neo chất dẻo, neo cáp trong đào và chống giữ đường lò.
Bên cạnh đó, công nghệ khai thác và tuyển hợp lý quặng sa khoáng Titan-Zircon trong tầng cát đỏ đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất tại một số công ty khai thác và chế biến quặng sa khoáng titan vùng Bình Thuận; công nghệ tuyển và chế biến sâu quặng graphite mỏ Bảo Hà, Lào Cai đã tạo ra nguồn nguyên liệu mới có khả năng thay thế hàng nhập ngoại, góp phần chủ động nguồn nguyên liệu và giảm giá thành sản phẩm cho sản xuất của một số ngành công nghiệp trong nước.
Hay, công nghệ sản xuất thiếc 99,99% bằng phương pháp điện phân tinh luyện có màng ngăn đã được áp dụng thành công tại Công ty TNHH MTV Mỏ Luyện kim Thái Nguyên; công nghệ chế biến khoáng chất tan vùng Phú Thọ làm nguyên liệu cho ngành sản xuất ceramic, sơn, dược phẩm và hoá mỹ phẩm; công nghệ tuyển và biến tính quặng sericit làm nguyên liệu cho ngành sơn và polyme áp dụng cho mỏ vùng Hương Sơn- Hà Tĩnh.
Công nghệ tuyển tận thu các nguyên tố có ích trong quá trình tuyển và luyện quặng đồng Sin Quyền áp dụng tại Nhà máy tuyển nổi đồng Sin Quyền - Lào Cai và nhà máy luyện đồng Tằng Loỏng - Lào Cai; công nghệ tuyển, chế biến quặng apatit giúp đảm bảo và ổn định chất lượng quặng tinh apatit loại III đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên liệu có chất lượng ổn định cho nhà máy sản xuất DAP áp dụng tại Nhà máy tuyển quặng apatit của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, hoạt động khoa học và công nghệ đã góp phần đẩy mạnh đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới thay thế nhập khẩu trong các ngành kinh tế mũi nhọn. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khai thác hầm lò đã tăng vượt bậc từ 10% lên 80% trong những năm qua.
Đến năm 2030, Chính phủ yêu cầu ngành khai thác, chế biến khoáng sản phải sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến
Tiêu biểu như chế tạo thành công thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng ứng dụng cho mỏ than hầm lò Núi Béo. Đây là kết quả thực hiện Dự án khoa học và công nghệ do Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) chủ trì, đã góp phần nâng cao năng lực kỹ thuật cho đội ngũ các cán bộ nghiên cứu, kỹ sư, công nhân trong việc làm chủ các vấn đề từ khâu thiết kế, lập quy trình công nghệ, chế tạo thiết bị và thi công các công trình khai thác mỏ sâu; nâng cao năng lực chế tạo trong nước các thiết bị hệ thống trục tải giếng đứng.
Đồng thời, góp phần từng bước thay thế hàng nhập ngoại, phát triển nền sản xuất cơ khí trong nước, tiết kiệm ngoại tệ, tạo sự chủ động và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, cho phép giảm giá thành sản phẩm, giảm giá thành sản xuất than, góp phần phát triển bền vững ngành than.
Từ những kết quả đạt được đang được ứng dụng tại mỏ than Núi Béo, các đơn vị trong TKV đang tiếp tục thực hiện thiết kế Dự án khai thác mỏ hầm lò Khe Chàm II-IV, thẩm tra thiết kế Dự án khai thác dưới mức -150m mỏ than Mạo Khê là hai mỏ đều được khai thông bằng giếng đứng.
Tương tự, kết quả chế tạo một số thiết bị chính cho nhà máy sàng tuyển than Vàng Danh 2 công suất 2 triệu tấn/năm được ứng dụng và mang lại hiệu quả cao. Đây là lần đầu tiên Việt Nam làm chủ về công nghệ tuyển than, thiết kế, chế tạo, lắp đặt hiệu chỉnh hoàn thiện dây chuyền tuyển than công suất lớn, giá thành rẻ hơn so với yêu cầu của nước ngoài.
Dự án khoa học và công nghệ này do Viện Cơ khí năng lượng và Mỏ - Vinacomin chủ trì thực hiện. Dây chuyền tuyển than Vàng Danh 2 qua chạy thử cho thấy đã tiết kiệm được hơn 40% lượng điện tiêu thụ và giảm gần 2/3 số nhân công vận hành dây chuyền so với dây chuyền tuyển than Vàng Danh 1 (công suất dây chuyền tuyển than Vàng Danh 1 công suất dưới 1 triệu tấn/năm). Với việc ứng dụng công nghệ giám sát, điều khiển và tự động cao, chất lượng than sâu tuyển được nâng cao so với nhà máy tuyển than Vàng Danh 1, tăng hệ số thu hồi, giảm tổn thất than và giảm ô nhiễm môi trường.
Cùng với việc tăng sản lượng khai thác, bảo đảm an toàn cho người lao động, giảm thất thoát tài nguyên đang là mục tiêu hàng đầu của ngành than. Vì vậy, việc đầu tư, đổi mới, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ được xác định là yếu tố then chốt trong thời gian tới.
Nguồn: Báo Công Thương

lên đầu trang