Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 18:46

Chủ nhật, 28/04/2024 | 18:46

Chính sách

Cập nhật lúc 11:02 ngày 29/02/2024

Một số vấn đề về ứng dụng khoa học vào chính sách

Thực tế cho thấy, giữa khoa học và chính sách còn khoảng cách quá lớn, đặc biệt là thua kém đáng kể so với quan hệ giữa khoa học và sản suất. Bài viết này sẽ tìm hiểu những khó khăn trong gắn kết khoa học với chính sách và đề cập tới các thái độ phù hợp khi đòi hỏi khoa học tác động vào chính sách.
Ứng dụng khoa học vào chính sách
Sự tương đồng và điểm khác biệt
Khả năng gắn kết giữa khoa học và chính sách trước hết phụ thuộc vào các điểm tương đồng vốn có giữa hai đối tượng. So sánh các đặc điểm của khoa học và chính sách, có thể thấy một số điểm tương đồng đáng chú ý như: đều hướng tới mục tiêu chung là nâng cao chất lượng chính sách (tầm cơ bản, tổng thể và dài hạn); chính sách dựa trên khoa học để lý giải, giải quyết vấn đề nan giải và mang tính cơ bản; chính sách dựa vào khoa học để tăng tính thuyết phục; thông qua ứng dụng chính sách, khoa học được khẳng định về tính hữu ích và đúng đắn trên thực tế.
Bên cạnh tương đồng, giữa khoa học và chính sách cũng có các điểm khác biệt đáng chú ý như: tính chất hoạt động; lợi ích nhằm tới; tầm nhìn hướng tới; chuyên môn. Trong khi các điểm tương đồng giúp gắn kết khoa học và chính sách thì các điểm khác biệt lại tạo ra những khoảng cách nhất định. Khả năng gắn kết khoa học và chính sách phụ thuộc vào mối quan hệ giữa tương đồng và khác biệt. Nói cách khác, gắn kết khoa học và chính sách hình thành trên cơ sở phát huy của các điểm tương đồng để lấn át các điểm khác biệt.
Bảng 1. Quan hệ kết nối giữa điểm tương đồng và khác biệt trong quan hệ khoa học và chính sách.
Có nhiều điểm tương đồng và nhiều điểm khác biệt, nhưng chỉ có một số kết nối được với nhau như thể hiện ở bảng 1. Đó cũng là những khả năng gắn kết khoa học và chính sách. Qua đó có thể thấy, phạm vi gắn kết khoa học và chính sách là khá khiêm tốn và không thực sự rõ ràng. Khả năng gắn kết khoa học và chính sách cũng không ổn định, bởi phụ thuộc vào trạng thái tranh chấp trong các cặp quan hệ giữa tương đồng và khác biệt của khoa học và chính sách.
Cơ chế kết nối giữa khoa học và chính sách 
Trao đổi dựa trên quan hệ kinh tế gắn với thị trường vốn là kết nối có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, đối với khoa học và chính sách, việc áp dụng kết nối dựa trên quan hệ kinh tế gắn với cơ chế thị trường gặp phải những trở ngại cơ bản sau:
Thứ nhất, kết quả của ứng dụng khoa học vào chính sách không thể hiện các giá trị kinh tế một cách cụ thể, trực tiếp và nhanh chóng nên thiếu cơ sở để phân chia lợi ích cho các bên tham gia.
Thứ hai, kết quả của ứng dụng khoa học vào chính sách không thể hiện các giá trị kinh tế một cách cụ thể và rõ rệt nên thiếu cơ sở xác định trách nhiệm, nghĩa vụ kinh tế của các bên tham gia.
Thứ ba, không thể xác định giá trị sản phẩm khoa học trên cơ sở cạnh tranh giữa các nhu cầu ứng dụng khoa học vào chính sách bởi trong hệ thống cơ quan làm chính sách không tồn tại các đơn vị độc lập, cạnh tranh với nhau về thu hút kết quả nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào tạo ra chính sách.
Những điều trên làm cho gắn kết khoa học với chính sách khó hơn gắn kết khoa học với sản xuất. Có thể ứng dụng cơ chế thị trường trong quan hệ khoa học và sản xuất là bởi bản thân hoạt động sản xuất vốn vận hành theo cơ chế thị trường; trái lại chính sách không vận hành theo cơ chế thị trường mà theo nguyên tắc hành chính nên quan hệ khoa học và chính sách mang nặng tính hành chính.
Tác động của khoa học phải gắn với yêu cầu của chính sách và thông qua người làm chính sách
Các yếu tố của chính sách đòi hỏi khoa học có nội dung nghiên cứu và chất lượng nghiên cứu phù hợp với vấn đề đặt ra và yêu cầu giải quyết trong những bối cảnh cụ thể của chính sách. Những lý luận khoa học và bài học kinh nghiệm trên thế giới được nghiên cứu bài bản, công phu và logic chặt chẽ nhưng vẫn có thể không sát với vấn đề chính sách trong điều kiện không gian và thời gian nhất định. 
Các kết quả nghiên cứu khoa học phải thuyết phục được người làm chính sách để họ trở thành những chủ thể chủ động, tự giác thúc đẩy việc triển khai áp dụng. Có những khó khăn trong chuyển hóa kết quả nghiên cứu khoa học thành các kiến thức đại chúng phù hợp với nhận thức của người làm chính sách như:
Một là, chuyển hóa tri thức khoa học thành kiến thức phục vụ xây dựng chính sách không chỉ là điều chỉnh ngôn từ, cách diễn đạt các nội dung khoa học đã có mà còn phải bổ sung thêm một số nội dung mới gần với chính sách.
Hai là, phương pháp tạo ra kết quả nghiên cứu khoa học cũng được người làm chính sách quan tâm; tuy nhiên, có nhiều kết quả nghiên cứu ra đời bằng các phương pháp khá mới lạ ngay cả đối với giới khoa học và rất khó để người làm chính sách hiểu được.
Ba là, bên cạnh những thay đổi đủ lớn về nội dung và hình thức trong chuyển hóa khoa học gần với chính sách, cũng cần có thời gian đủ dài để thuyết phục người làm chính sách chấp nhận ứng dụng khoa học.
Thái độ phù hợp trong ứng dụng khoa học vào chính sách
Ứng dụng khoa học vào chính sách được thực hiện thông qua các giao tiếp cụ thể. Các quan hệ giao tiếp lại chịu sự chi phối từ thái độ của các chủ thể liên quan. Bởi vậy, xác lập thái độ phù hợp có vai trò quan trọng trong thúc đẩy ứng dụng khoa học vào chính sách. Các khó khăn trong gắn kết khoa học và chính sách được xem xét trên nhiều mặt như nêu ở phần trên là tiền đề cho phân tích thái độ phù hợp này.
Chấp nhận giới hạn lại và loại trừ một số phạm vi nằm ngoài khả năng gắn kết khoa học và chính sách
So với những gì thường được kỳ vọng, phạm vi gắn kết khoa học và chính sách là rất nhỏ hẹp. Cần phải chấp nhận loại bỏ nhiều quan hệ thường được kỳ vọng trong thực hiện gắn kết khoa học và chính sách như: (i) Các điểm tương đồng không thể kết nối với điểm khác biệt giữa khoa học và chính sách (bảng 1); (ii) Các kết nối theo cơ chế thị trường trong quan hệ khoa học và chính sách; (iii) Những kết quả nghiên cứu khoa học hoàn toàn phù hợp với người làm chính sách (về trình độ, lợi ích, văn hóa…) và người làm chính sách hoàn toàn phù hợp với các kết quả nghiên cứu khoa học; (iv) Có thể tạo sẵn các kết quả nghiên cứu khoa học để giải quyết nhiều vấn đề phức tạp của chính sách.
Loại bỏ bớt các phạm vi nêu trên cũng có nghĩa là loại bỏ những mong muốn không thực tế, những yêu cầu bất hợp lý và giảm thiểu lãng phí về công sức và thời gian. Mặt khác, sẽ tạo tiền để cho việc tập trung vào khai thác các phạm vi gắn kết khoa học và chính sách có tính khả thi nhưng lại bị coi nhẹ bởi kém hấp dẫn…
Chấp nhận các mối quan hệ còn hạn chế nhưng phù hợp với đặc thù của khoa học và chính sách 
Có những quan hệ bộc lộ hạn chế nhưng đóng vai trò không thể thay thế trong gắn kết khoa học và chính sách nên cần được chấp nhận như: Các kết nối điểm tương đồng và khác biệt giữa khoa học và chính sách còn chưa thể hiện tính toàn diện và hệ thống (bảng 1); một số phương thức quan hệ khoa học và chính sách mang tính hành chính thay vì cơ chế thị trường (ví dụ: phương thức chủ yếu là thông qua đặt hàng để tạo ra sản phẩm khoa học phục vụ chính sách, độc quyền từ phía chính sách trong khi vẫn có cạnh tranh ở phía khoa học, cách xác định lợi ích được hưởng và trách nhiệm phải chịu chỉ mang tính tương đối và quy ước...); những mối quan hệ chưa hoàn toàn đồng nhất giữa khoa học và chính sách. Đó là những quan hệ thống nhất tương đối và còn những khác biệt nhất định nhưng có thể chấp nhận trong gắn kết khoa học và chính sách.
Cần thiết nhấn mạnh chủ động chấp nhận các mối quan hệ còn hạn chế bởi đó chính là tận dụng các cơ hội để thúc đẩy gắn kết khoa học và chính sách. Bỏ qua bất cứ một quan hệ nào đều sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực mở rộng tối đa gắn kết khoa học và chính sách. Đề cao chủ động chấp nhận các quan hệ còn hạn chế cũng là cần thiết để tạo lập quyết tâm vượt qua các khó khăn và thực hiện những giải pháp thúc đẩy gắn kết khoa học và chính sách.
Chủ động mở rộng quan hệ gắn kết khoa học và chính sách
Chú ý đến các khó khăn trở ngại trong quan hệ giữa khoa học và chính sách không chỉ để loại bỏ những phạm vi không thể thực hiện trong điều kiện hiện tại, mà còn cho phép chủ động mở rộng quan hệ gắn kết tùy theo bối cảnh mới xuất hiện. Việc chủ động, sẵn sàng mở rộng quan hệ gắn kết khoa học và chính sách được xác định ở một số nội dung cụ thể:
Thứ nhất, tập trung vào giải quyết các khó khăn đã được nhận biết (như đã trình bày ở phần trên). Coi các khó khăn trong quan hệ khoa học và chính sách chính là đối tượng chinh phục để mở rộng quan hệ này.
Thứ hai, tranh thủ các điều kiện mới, có khả năng giải quyết các khó khăn còn tồn tại. Coi nhận biết bối cảnh mới, khả năng khai thác bối cảnh mới để tác động vào các khó khăn là điều kiện để mở rộng quan hệ gắn kết khoa học và chính sách.
Thứ ba, phạm vi và khía cạnh mở rộng gắn kết khoa học và chính sách được định hình bởi các tương tác khác nhau giữa các loại khó khăn đang tồn tại với các loại bối cảnh mới xuất hiện. Coi sự phong phú, đa dạng của các loại khó khăn và các loại bối cảnh mới là cơ hội mở rộng phạm vi, khía cạnh của quan hệ gắn kết khoa học chính sách. 
Như vậy, thái độ phù hợp về gắn kết khoa học và chính sách không phải chỉ là việc chấp nhận các giới hạn khuôn chặt trong những phạm vi nhất định ứng với các điều kiện đã hình thành ổn định, mà còn có thể mở rộng linh hoạt theo thay đổi của các bối cảnh có ảnh hưởng tích cực.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Oversea Development Institute (2018), Chính sách dựa trên Bằng chứng - Tầm quan trọng và những vấn đề mấu chốt, https://cdn.odi.org/media/documents/2.pdf, truy cập 29/9/2023.
2. Lê Ngọc Hùng (2016), “Đặc điểm của khoa học chính sách xã hội”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, 10, tr.36-45.
3. Nguyễn Trọng Bình (2016), “Phát huy vai trò tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực chính sách công”, Tạp chí Lý luận chính trị, 4, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/1794-phat-huy-vai-tro-cua-to-chuc-nghien-cuu-tu-van-chinh-sach-trong-linh-vuc-chinh-sach-cong.html, truy cập 24/2/2023.
4. J. Spaapen, T. Arimoto (2015), “Scientific advice for policy making: The role and responsibility of experts bodies and individual scientist”, OECD Science, Technology and Industry Policy, DOI: 10.1787/5js33l1jcpwb-en.
Hoàng Xuân Long, Hoàng Lan Chi (Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ)
Nguồn: vjst.vn

lên đầu trang