Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 18:31

Thứ bảy, 27/04/2024 | 18:31

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:20 ngày 01/03/2024

Bài 2: “Trái ngọt” trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao

Việc đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao đã gặt hái được những “trái ngọt”, từ lĩnh vực nông nghiệp đến công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội lớn.
Đầu tư lớn vào công nghệ cao
Theo chân Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng tôi được “tận mục sở thị” mô hình trang trại, nhà máy, cánh đồng nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn TH tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An - nơi một loạt các công nghệ hiện đại nhất thế giới đang được áp dụng tại đây.
Trang trại bò sữa TH
Theo chia sẻ của Tập đoàn TH, đến năm 2013, từ khóa công nghiệp 4.0 mới bắt đầu nổi lên trên thế giới và tại Việt Nam từ năm 2016 mới nhắc tới nhiều về thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng ngay từ năm 2008, khi bắt đầu triển khai dự án “chăn nuôi bò sửa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao” trị giá 1,2 tỷ USD tại Nghệ An, Tập đoàn TH đã tận dụng những thành quả của thế giới, đó là khoa học công nghệ, khoa học quản trị và trí tuệ nhân tạo, đưa TH True Milk trở thành mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn.
Đơn cử, TH áp dụng công nghệ quản lý đàn Afifarm của Israel - một hệ thống quản lý trang trại bò sữa hiện đại hàng đầu thế giới. Bò được đeo thẻ và gắn chip điện tử Afitag ở chân để theo dõi tình trạng sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và sản lượng sữa. Tất cả các thông tin của từng cá thể bò được phân tích và được các quản lý trang trại sử dụng để đưa ra các quyết định quản lý toàn bộ chu trình chăn nuôi tại trang trại.
Trang trại TH cũng lập khẩu phần, phối trộn chế biến và cung cấp thức ăn cho bò sữa hoàn toàn tự động bằng vi tính hóa 100% dưới sự tư vấn và điều hành bởi các chuyên gia dinh dưỡng Israel trên công nghệ phần mềm Skiold - Đan Mạch.
Từ năm 2021, Tập đoàn TH còn bắt đầu triển khai hệ thống mắt thần camera AI cho phép tự động theo dõi số lượng bò đang ăn, kiểm soát lượng thực ăn, theo dõi sức khỏe bò khi ở trong chuồng...
Các máy móc nông nghiệp hiện đại công suất lớn trong trồng trọt cũng được TH ứng dụng như máy thu hoạch liên hoàn (cắt, nghiền, phun lên xe tải) với tốc độ kỷ lục 2 tấn/phút. Tốc độ thu hoạch cao nhất đã đạt được 3.000 tấn/ngày, nếu đem so với lao động thủ công thì bằng cả nghìn người làm 1 ngày...
Đánh giá về hiệu quả từ những mô hình nông nghiệp công nghệ cao như TH, ông Nguyễn Viết Hùng - nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An cho biết, Tập đoàn TH đã ứng dụng tất cả các công nghệ đầu cuối của thế giới, tiên tiến, hiện đại nên đã tác động lớn đến nhận thức của các doanh nghiệp ở địa phương về việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Đồng thời, tạo ra công việc, thu nhập cho người dân trên địa bàn; tạo ra các sản phẩm hàng hóa với sản lượng và chất lượng đột phá. Người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm sạch, an toàn và có lợi cho sức khỏe.
Từ tỉnh Nghệ An, chúng tôi di chuyển đến xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, ông Lê Văn Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn khẳng định, toàn bộ công nghệ áp dụng tại nhà máy đều tiên tiến, hiện đại đến từ các nhà cung cấp hàng đầu của Đức, Áo, Thụy Điển, Trung Quốc... Nhà máy có tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó, mức đầu tư cho phần thiết bị khoảng 1.100 tỷ đồng.
Công suất giai đoạn 1 của nhà máy đạt 120.000 tấn/năm, sản xuất sản phẩm giấy bao bì, bao gói chất lượng cao cung cấp cho các nhà máy bao bì trong và ngoài nước... Nhân công lao động hiện tại của công ty khoảng 250 người.
"Với quy mô công ty hiện tại, nếu không sử dụng công nghệ tự động hóa, sẽ cần đến 400 nhân công lao động, đồng thời, việc ứng dụng công nghệ hiện đại cũng giúp tiết kiệm năng lượng như tiêu hao điện giảm 10% so với truyền thống" - ông Lê Văn Hiệp cho hay, đồng thời thông tin thêm, công nghệ hiện đại còn cho phép chúng tôi linh hoạt trong việc lựa chọn nguyên liệu. Chính sách của Miza từ khi vận hành đến nay đó là sử dụng 70-80% nguyên liệu trong nước.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Miza Nghi Sơn
Làn sóng ứng dụng công nghệ cao đang lan tỏa từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã trong cả nước. Ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức, xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương chia sẻ, chúng tôi bắt đầu làm nông nghiệp công nghệ cao từ năm 2017, với quy mô ban đầu chỉ 5.000 m2. Đến nay, Hợp tác xã đã xây dựng được 15,5 ha nhà màng, nhà lưới chủ yếu trồng dưa lưới ruột xanh và dưa lưới ruột vàng, với đầu tư ban đầu khoảng 330.000 đồng/m2, 1 sào (360m2) khoảng 120 triệu đồng.
Tiết lộ doanh thu “siêu lợi nhuận” từ làm nông nghiệp công nghệ cao, ông Thư cho biết, mỗi năm, Hợp tác xã đạt doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng/ha, trừ chi phí lãi ròng khoảng 1,2 tỷ đồng/ha. Năng suất trong nhà màng, 1 sào đạt 800-1.000 kg/vụ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay cả nước có khoảng 290 doanh nghiệp nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 126 doanh nghiệp, chiếm 43,5%; lĩnh vực chăn nuôi có 88 doanh nghiệp, chiếm 30,3%; lĩnh vực thủy sản có 68 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 23,5% và lĩnh vực lâm nghiệp có 8 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 2,7%.
Bên cạnh đó, trên cả nước có khoảng 690 vùng sản xuất nông nghiệp (458 vùng trồng trọt, 135 vùng chăn nuôi, 87 vùng nuôi trồng thủy sản, 10 vùng lâm nghiệp) có trên 70% vùng đạt tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cả nước cũng đã hình thành được khoảng 1.916 Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao.
Các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất của quá trình sản xuất nông nghiệp (từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến và bảo quản sau thu hoạch) để mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Việc ứng dụng công nghệ Blockchain, Phân tích dữ liệu lớn (Big data analytic), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things) đã góp phần phát triển nền nông nghiệp chính xác của Việt Nam; nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản đã giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30%.
Còn đối với ngành công nghiệp, theo Bộ Công Thương, một trong những kết quả nổi bật về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thời gian qua là tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đã tăng mạnh từ 22,9% năm 2016 lên 50% năm 2020. Ngoài ra, công nghiệp công nghệ thông tin đã phát triển nhảy vọt trong thời gian qua, đi vào toàn bộ các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội và ngày càng phát huy hiệu quả, tính ứng dụng...
Khẳng định năng lực làm chủ công nghệ
Đầu tháng 11/2023, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) và Công ty PT. Bandara Praniagatama (Indonesia) đã ký kết Thỏa thuận về phân phối sản phẩm Hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp chỉ huy bay và buồng lái máy bay của Viettel tại thị trường Indonesia. Viettel đã làm chủ 100% toàn bộ các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và các công nghệ lõi.
Hệ thống mô phỏng huấn luyện lái máy bay của Viettel có nhiều điểm ưu việt, sẵn sàng cho kinh doanh tại thị trường quốc tế. Cụ thể, hệ thống bảo đảm huấn luyện phi công trong mọi điều kiện thời tiết, địa hình từ giản đơn đến phức tạp, luyện tập bất kể ngày, đêm. Bên cạnh đó, hệ thống này hoạt động tốt và hiệu quả về kinh tế. So với huấn luyện trên hệ thống máy bay thật, hệ thống này giảm chi phí hàng trăm lần, giảm số lượng con người vận hành hàng chục lần.
Hệ thống mô phỏng huấn luyện lái máy bay của Viettel
Đây chỉ là một ví dụ mới nhất khẳng định năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ cao của các đơn vị trong nước.
Dẫn chứng về những thành quả nghiên cứu công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Việt Nam đã làm chủ thiết kế, chế tạo thành công các sản phẩm có quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn.
Ví dụ, chế tạo thiết bị nâng hạ sức nâng 1.200 tấn lắp đặt tại Nhà máy thủy điện Sơn La, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Đặc biệt, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới, 3 quốc gia châu Á tự thiết kế và đóng được giàn khoan đạt tiêu chuẩn quốc tế, giàn khoan 90m nước và 120m nước.
Bên cạnh đó, đã làm chủ thiết kế và công nghệ chế tạo các loại máy biến áp đến 500 kV, nâng tỷ lệ nội địa hóa 95% qua đó góp phần để các hãng nước ngoài bán sản phẩm vào Việt Nam phải giảm giá từ 20-30%; đã làm chủ được tính toán, thiết kế và mô phỏng hoàn chỉnh kết cấu ô tô khách. Theo đó, nâng cao hàm lượng công nghệ của xe khách giường nằm lên 78% và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa (RVC - Regional Value Content) của xe khách lên 61%.
Ngoài ra, đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị công nghệ và lắp đặt vận hành thành công một nhà máy tuyển than có công suất lớn (2 triệu tấn/năm) với công nghệ hiện đại, có hệ thống giám sát, điều khiển tập trung; hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) công suất lớn có chất lượng tương đương với tiêu chuẩn của châu Âu, nâng được tỷ lệ nội địa hóa từ 76% lên 94% về khối lượng và từ 65,18% lên 79,6% về giá trị (kể cả giá trị lắp đặt), hoặc từ 50% lên 64% về giá trị (không kể giá trị lắp đặt). Hệ thống lọc bụi tĩnh điện công suất lớn đã ứng dụng thành công tại Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Thái Bình 1.
Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) thông tin, thông qua triển khai Chương trình khoa học và công nghệ “Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao”, nhiều doanh nghiệp làm chủ, phát triển và ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất, giúp nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, giảm giá thành so với các sản phẩm nhập ngoại, tăng sức cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp.
Có thể kể đến một số kết quả tiêu biểu như: Dự án “Hoàn thiện công nghệ chế tạo thiết bị hệ thống thu thập, lưu trữ hình ảnh DICOM hệ thống hội chẩn y tế trực tuyến Video và phần mềm bảo mật, khai thác cơ sở dữ liệu hình ảnh DICOM phục vụ chuẩn đoán bệnh” do Công ty cổ phần công nghệ thông minh Ưu Việt chủ trì thực hiện, đã tạo ra môi trường họp trực tuyến từ phòng siêu âm, chụp X-quang, chụp CT, phòng mổ... giúp các bác sĩ giao tiếp từ khoảng cách rất xa qua mạng internet, từ đó hội chẩn và thống nhất đưa ra được phương hướng điều trị thích hợp nhất.
Đồng thời, tích hợp với hệ thống PACS hỗ trợ số hóa các hình ảnh X Quang, CT, MRI, siêu âm, giúp xây dựng bệnh án điện tử. Sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 85%, nên giá thành giảm chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm nhập ngoại. Dự án đã chính thức được chuyển giao tại nhiều bệnh viện, như: Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Trung tâm Medic Hòa Hảo, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, Phòng khám Victoria và Phòng khám BMS...
Dự án “Ứng dụng làm chủ công nghệ sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang” do Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (POSTEF) chủ trì thực hiện, đã nghiên cứu, làm chủ công nghệ cao được chuyển giao từ đối tác nước ngoài. Nhà máy sản xuất sợi quang của POSTEF với công suất thiết kế 3,2 triệu km sợi quang/ năm đã chính thức được khánh thành vào ngày 15/8/2019, được trang bị thiết bị hiện đại, công nghệ thế hệ mới nhất trên thế giới.
Dây chuyền sản xuất chính do NEXTROM (Phần Lan) cung cấp là tháp kéo sợi quang cao nhất tính đến thời điểm này, với tốc độ 3.000m sợi/phút; các thiết bị kiểm tra chất lượng, đo lường sản phẩm của PK (Mỹ); phôi đầu vào và công nghệ sản xuất sợi quang được SUMITOMO (Nhật Bản) chuyển giao, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế của IEC và ITU. Dự án này đã giúp POSTEF đa dạng hóa sản phẩm, có thêm sản phẩm lõi, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; giúp Tập đoàn VNPT chủ động nguồn nguyên vật liệu sản xuất cáp quang, thay thế hàng nhập khẩu...
Nhắc đến những "trái ngọt" trong phát triển công nghệ cao của Việt Nam, không thể không nhắc đến việc phát triển các khu công nghệ cao. Đến nay, cả nước có 4 khu công nghệ cao tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Đồng Nai do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Bên cạnh đó, các khu nông nghiệp ứng dụng CNC được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu, Thái Nguyên, Quảng Ninh và một số khu công nghệ thông tin tập trung khác.
Đến nay, cả nước có 4 khu công nghệ cao tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Đồng Nai do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Bên cạnh đó, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (là loại hình khu công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp) được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu, Thái Nguyên, Quảng Ninh và một số khu công nghệ thông tin tập trung khác.
Thời gian qua, các khu công nghệ cao về cơ bản đã được quan tâm tăng cường đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, 3 Khu công nghệ cao quốc gia đã thu hút được gần 300 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 17 tỷ USD, trong đó khoảng hơn ¼ là các dự án FDI; đã thu hút thành công nhiều tập đoàn lớn, uy tín trên thế giới và trong nước tới đầu tư dự án vào/trong Khu CNC như: Intel, Samsung, Nidec, Hanwha, Jabil, Datalogics, Sonion, Viettel, FPT, VNPT, Vingroup... Đáng chú ý, những năm gần đây, Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã đóng góp hơn 50% giá trị xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh.
Các khu công nghệ cao cũng rất quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ, tạo dựng môi trường thuận lợi cho các hoạt động R&D, đào tạo nhân lực công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và khởi nghiệp. Các hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ cao trong khu công nghệ cao hiện nay được tập trung phục vụ hiệu quả cho nhu cầu của chính các doanh nghiệp/dự án trong khu công nghệ cao. Tổng số người lao động, học tập trong 3 Khu công nghệ cao quốc gia hiện nay là trên 77.000 người.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, xây dựng và phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; xây dựng và phát triển khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước.
Nguồn: Báo Công Thương
lên đầu trang