Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 03:57

Thứ bảy, 04/05/2024 | 03:57

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:29 ngày 15/05/2014

Tiết kiệm chi phí bằng sản xuất sạch hơn

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế, làm cách nào để tiết kiệm chi phí sản xuất là mối quan tâm của các doanh nghiệp. Sản xuất sạch hơn được xem là một giải pháp khả thi vừa cắt giảm chi phí sản xuất vừa cải thiện điều kiện môi trường. Sản xuất sạch hơn cũng phù hợp mọi qui mô sản xuất, từ hộ gia đình đến tập đoàn đa quốc gia.

Hiện trạng trong sản xuất công nghiệp của nước ta là quá trình sản xuất ra sản phẩm nhưng phát sinh khí thải, chất thải lỏng và chất thải rắn nguy hại cho môi trường. Ở Vĩnh Long,trong những năm qua, ngành công nghiệp phát triển với tốc độ khá cao. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2006 – 2011 tăng 26%/năm, giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng bình quân 22%/năm, đã góp phần giải quyết việc làm, tăng trưởng khu vực công nghiệp, xây dựng và tăng trưởng kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá – hiện đại hoá. Song, nhiều khu vực sản xuất, như tại các lò gạch, mức độ ô nhiễm môi trường lại quá mức cho phép nhiều lần. 

Cùng với sự phát triển của công nghiệp, mọi người đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm về môi trường ngày càng nghiêm trọng. Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Phần lớn các doanh nghiệp tập trung xử lý chất thải nhằm đáp ứng các quy định pháp luật về môi trường.

Từ năm 1989, Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), đã đưa ra khái niệm sản xuất sạch hơn. Đó là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường, ứng dụng vào qui trình sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường trong các cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Sản xuất sạch hơn đã được áp dụng thử nghiệm tại Việt Nam và đã có nhiều doanh nghiệp ở 35 tỉnh, thành trên cả nước áp dụng và nhận thức được lợi ích thiết thực của sản xuất sạch hơn. 

Ở Vĩnh Long, ngày 29/ 5/ 2012, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành Kế hoạch hành động về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2015. Từ đó đến nay,việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. 

Như ở Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Vĩnh Long, việc sử dụng năng lượng và nguyên liệu sao cho có hiệu quả là tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Quá trình này được thực hiện thường xuyên và cải tiến liên tục, qua đó nâng cao năng suất, giảm chi phí vận hành và tăng lợi nhuận. Lò hơi với công suất 6 tấn giờ, dùng bột gỗ làm chất đốt để giảm thiểu khói bụi vừa được nâng công suất lên gấp đôi so với trước. Qua đó, cung cấp nhiệt lượng cho toàn hệ thống của 3 nhà máy trực thuộc, gồm: Nhà máy bao bì, Nhà máy cơ khí và Nhà máy sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Trong nhà xưởng, công ty sử dụng tấm lợp trong suốt để lấy nhiệt lượng ánh sáng trời thay cho điện năng. Đặc biệt là trạm xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học công suất 180 m/ ngày đêm và xử lý hóa lý chất thải sản xuất, công suất 25 m3/ ngày đêm. Tất cả được đưa vào bể khử để đạt tiêu chuẩn nước thải loại B trước khi đưa ra ngoài. Nước sau xử lý còn được công ty tái sử dụng để tưới cây xanh trong khuôn viên nhà máy. 

Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn và đã từng bước cải tiến quản lý, đầu tư cải tiến công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Công ty cổ phần may Vĩnh Tiến là một trong số ít các đơn vị trong tỉnh thực hiện báo cáo kiểm toán năng lượng nhằm quản lý điện năng tiêu thụ. Qua đó tiết kiệm hàng năm hơn 135 ngàn Kwh và giảm khí thải CO2 mỗi năm hơn 55 tấn. 

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn vẫn còn hạn chế. Các giải pháp áp dụng còn ở mức độ đơn giản, kết quả chưa đạt yêu cầu. Áp lực mà doanh nghiệp đối mặt là công nghệ lạc hậu cho dù thiết bị mới. Đáng lưu ý là ngoài mức phạt cho một trường hợp vi phạm có thể lên 500 triệu đồng,  doanh nghiệp còn chịu áp lực về dư luận, cổ đông và từ phía khách hàng do việc ô nhiễm môi trường mà doanh nghiệp gây ra. 

Thực tế cho thấy phương pháp xử lý “cuối đường ống”, tức xử lý nước thải qua hệ thống xử lý nước thải tập trung tốn chi phí đầu tư và vận hành lớn. Như tại khu công nghiệp Hòa Phú, nhà máy xử lý nướcthải với tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng, công suất thiết kế 4 ngàn m3 / ngày đêm. Tuy nhiên, qua 5  năm đi vào hoạt động, nay đã đến thời kỳ bảo dưỡng duy tu , nhưng từ năm 2009 đến nửa đầu năm 2013 này, nhà máy đã lỗ hơn 5 tỷ đồng. Hiện tại, lượng nước thải về nhà máy xử lý chỉ bằng 15% công suất. Giá thu phí xử lý mỗi m3 nước thải là hơn 4 ngàn đồng nhưng mỗi tháng nhà máy chỉ  thu về khoảng 100 triệu đồng,  bằng ½ kinh phí đầu tư để đảm bảo nhà máy hoạt động trong tháng.

Do vậy, sản xuất sạch hơn vừa để ngăn ngừa giảm thiểu tác động đến môi trường , vừa đạt hiệu quả về kinh tế . Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng sản xuất sạch hơn đồng nghĩa với chống lãng phí. Như trong sản xuất thủy sản: một tấn đá vãi lãng phí sẽ tốn 70 Kwh điện; Rò rỉ 1 giọt dầu trong 1 giây tương đương tổn thất 2 ngàn lít/ năm; 2 kg muối rơi vãi sẽ thất thoát 1 mnước/ giờ để vệ sinh. Sản xuất sạch hơn vì vậy được xem là giải pháp phòng ngừa tổng hợp mà lại đầu tư ít vốn, một lựa chọn khả thi cho doanh nghiệp sản xuất trong giai đoạn kinh tế suy giảm hiện nay.

Theo thvl.vn

 

 

lên đầu trang