Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 23:15

Thứ bảy, 27/04/2024 | 23:15

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:18 ngày 08/03/2024

Đề án thu hút, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ

Đề án Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành công tác tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) với nhiều chính sách ưu đãi đã nhận được sự hưởng ứng của 350 nhà khoa học xuất sắc, đầu ngành, về làm việc trong năm 2024.
ĐHQG-HCM quy tụ đội ngũ trí thức khoa học công nghệ hùng hậu với nhiều thành tích cao trong nghiên cứu khoa học.
Với vai trò của một đại học trọng điểm quốc gia, ĐHQG-HCM đã quy tụ được đội ngũ trí thức khoa học công nghệ hùng hậu với nhiều thành tích cao trong nghiên cứu khoa học. Theo số liệu năm 2022, đội ngũ khoa học công nghệ của ĐHQG-HCM bao gồm cả giảng viên và nghiên cứu viên là 3.546 người, tăng hơn 400 người so với năm 2018; trong đó, đội ngũ có chất lượng cao (học hàm, học vị là Giáo sư, Tiến sỹ) luôn có xu hướng tăng qua các năm. Số lượng đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tốt nghiệp ở cả 3 cấp độ đào tạo của ĐHQG-HCM là hơn 135.500 người; trong đó, cử nhân chiếm 86,33%, thạc sỹ chiếm 13,03% và tiến sỹ chiếm 0,64%. Đội ngũ trí thức này đã và đang góp phần rất lớn trong việc phát triển khoa học công nghệ của các địa phương và cả nước nói chung.
Để có được kết quả này, thời gian qua, ĐHQG-HCM triển khai nhiều chính sách thu hút, khuyến khích, phát huy nguồn lực trí thức. Chẳng hạn như Giải thưởng khoa học và công nghệ thường niên được tổ chức nhằm khuyến khích, động viên cán bộ giảng dạy, nghiên cứu có công trình nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ xuất sắc hoặc có công bố khoa học xuất sắc. Trường cũng triển khai chính sách xét thưởng công bố quốc tế với cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, quản lý, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên.
Đáng chú ý, mức thưởng cao nhất theo chính sách này là 30 lần mức lương cơ sở chung dành cho bài viết công bố trên các tạp chí khoa học thuộc TOP 20 tạp chí hàng đầu, được phân loại theo nhóm lĩnh vực, ngành, chuyên ngành của Scimago (thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật công nghệ) hoặc bài viết công bố trên các tạp chí khoa học được Scimago xếp hạng Q1/ABS bậc 4/ABCD hạng A (thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, kinh tế - luật).
Bên cạnh các chính sách chung, các trường thành viên ĐHQG-HCM cũng đã chủ động triển khai các chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao của đơn vị.
Trong số đó, Trường Đại học Quốc tế đã có chính sách thu hút và đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ tiến sỹ tốt nghiệp từ nước ngoài; Trường Đại học Bách khoa cũng đang triển khai đề án thu hút nguồn nhân lực trình độ cao người nước ngoài; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có đề án thu hút nguồn nhân lực xuất sắc…
Đối với nguồn nhân lực tại chỗ, các đơn vị hỗ trợ từ 40 - 50% học phí cho cán bộ viên chức, người lao động tham gia học ở cấp cao hơn (Thạc sỹ, Tiến sỹ); đề cử cán bộ tham gia các học bổng, các khóa tập huấn ở các nước tiên tiến để nâng cao trình độ.
Bên cạnh thành quả đạt được, việc triển khai chính sách của ĐHQG-HCM cũng gặp không ít những khó khăn liên quan đến kinh phí, nguồn nhân lực không ổn định; về công bố quốc tế của ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Từ yêu cầu thực tiễn đó, năm 2024, ĐHQG-HCM triển khai Đề án Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành công tác tại ĐHQG-HCM.
ĐHQG-HCM đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các nhà khoa học trẻ xuất sắc.
Cùng với nhiều chính sách về môi trường làm việc, chính sách thu nhập và đãi ngộ, các nhà khoa học sẽ được đảm bảo lộ trình phát triển nghề nghiệp trong 5 năm đầu về công tác thông qua việc hỗ trợ về kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cũng như hỗ trợ tăng cường năng lực nghiên cứu.
Với đối tượng nhà khoa học trẻ xuất sắc: trong 2 năm đầu về công tác, được đảm bảo cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C (kinh phí tối đa 200 triệu đồng), năm thứ 3 tiếp tục được đảm bảo cấp 1 đề tài loại B (kinh phí tối đa 1 tỷ đồng); năm thứ 4 được hỗ trợ đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học; năm thứ 5 hỗ trợ nhằm đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn và hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư/giáo sư cấp nhà nước.
Với đối tượng các nhà khoa học đầu ngành: trong 2 năm đầu về công tác được bố trí là trưởng nhóm, trưởng trung tâm nghiên cứu, tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học tại ĐHQG-HCM và được đảm bảo cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại B (tối đa 1 tỷ đồng).
Đối tượng thu hút của đề án này là các nhà khoa học trẻ xuất sắc và các nhà khoa học đầu ngành đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo yêu cầu và còn ít nhất 5 năm để công tác tính đến hết tuổi lao động theo quy định để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Thông qua nhiều chính sách hấp dẫn này, ĐHQG-HCM kỳ vọng đến năm 2030 sẽ thu hút được 350 nhà khoa học xuất sắc, đầu ngành về làm việc.
Nguồn: dangcongsan.vn/
lên đầu trang