Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 30/04/2024 | 02:05

Thứ ba, 30/04/2024 | 02:05

Chính sách

Cập nhật lúc 08:25 ngày 08/04/2024

Hoàn thiện thể chế, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Chiều 4.4, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội – 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Tọa đàm góp ý một số vấn đề định hướng chính sách trong sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì tọa đàm.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông
Luật Khoa học và Công nghệ được thông qua tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2014 bao gồm 11 chương, 81 điều. Luật được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 28/2018/QH14 ngày 15.6.2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông
Qua thực tiễn gần 10 năm thi hành, Luật Khoa học và Công nghệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khoa học và công nghệ. Hành lang pháp lý về khoa học công nghệ ngày càng hoàn thiện theo hướng gắn kết và phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường hội nhập quốc tế...
Tuy vậy, quá trình thi hành Luật cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập. Cùng với đó, nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được ban hành trong thời gian gần đây cần được thể chế hóa. Do vậy, Luật Khoa học và Công nghệ cũng cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để khắc phục những vướng mắc, bất cập do một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoặc chưa phù hợp với quy định của các luật có liên quan.
TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông
Tại tọa đàm, các ý kiến cho rằng, cần thiết sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ nhằm hoàn thiện thể chế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
GS. Võ Khánh Vinh, nguyên Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông
PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông
Các đại biểu tập trung góp ý vào những nội dung trọng tâm như: cơ chế hỗ trợ, ưu đãi để thúc đẩy đầu tư cho khoa học công nghệ; nhiệm vụ khoa học công nghệ; việc quy định thực hiện một quy trình tuyển chọn, phê duyệt và nghiệm thu, thanh quyết toán, thủ tục thanh quyết toán các nhiệm vụ khoa học công nghệ...; ứng dụng khoa học và công nghệ; cơ chế, chính sách đối với cán bộ trong hoạt động khoa học công nghệ; thành lập và hoạt động của tổ chức khoa học công nghệ; khả năng có quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với các ngành, lĩnh vực trong Luật Khoa học và Công nghệ; một số vấn đề chính sách khác có liên quan được các chuyên gia quan tâm.
Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Duy Thông
Kết luận tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cảm ơn các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến rất tâm huyết, chuyên sâu và trách nhiệm; đồng thời cho biết, kết quả của tọa đàm sẽ được nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ, góp phần cung cấp thông tin tham khảo phục vụ quá trình sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ. 
Nguồn: Đại biểu nhân dân

lên đầu trang