Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 09:47

Thứ hai, 06/05/2024 | 09:47

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 09:17 ngày 24/04/2024

Phát triển các mô hình quản lý an toàn thực phẩm tại Nghệ An

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 291/KH-UBND về hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm năm 2024 trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Kế hoạch).
Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm tăng cường năng lực quản lý về an toàn thực phẩm (ATTP) nhằm đảm bảo ATTP trên địa bàn, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập trong thời kỳ mới. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng trong việc đảm bảo chất lượng ATTP. 
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP. Tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, đề cao vai trò người đứng đầu cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương các cấp về trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn nhân lực cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm đáp ứng với tình hình mới. 
Năm 2024, Nghệ An chú trọng phát triển các mô hình quản lý ATTP (Ảnh: kinh tế đô thị)
Nghệ An cũng đặt ra loạt nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong năm 2024. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác thông tin truyền thông, đào tạo, tập huấn về ATTP: Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở. Thông tin khách quan, trung thực, kịp thời về các điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm về ATTP. Tiếp tục phổ biến Luật ATTP và các văn bản hướng dẫn thực hiện, kiến thức về ATTP đối với tất cả các nhóm đối tượng (quản lý, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng)
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đơn ngành, liên ngành, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP. Phát hiện kịp thời, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố bất thường về ATTP; thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc và gian lận thương mại. 
Tăng cường năng lực và hiệu quả của hệ thống giám sát và cảnh báo về chất lượng ATTP, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Tổ chức giám sát mối nguy các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao nhằm kịp thời cảnh báo về nguy cơ mất ATTP. Chủ động, xử lý nhanh chóng các sự cố về ATTP, đề xuất các biện pháp khắc phục hậu quả, điều tra xử lý kịp thời, khắc phục và hạn chế hậu quả do ngộ độc thực phẩm gây ra.
UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các đơn vị tập trung phát triển các mô hình quản lý ATTP, có chính sách khuyến khích  phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, xanh và sạch; khuyến khích đầu tư sản xuất, chế biến thực phẩm với quy mô lớn theo chuỗi sản xuất bảo đảm ATTP. Duy trì và nhân rộng các mô hình cơ sở sản xuất, chế 4 biến thực phẩm áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, GHP, HACCP, ISO, VietGAP, VietGHAP). 
Tiếp tục phát huy hiệu quả từ các mô hình đảm bảo ATTP của Hội phụ nữ, Hội nông dân, các mô hình điểm về nuôi trồng, sản xuất thực phẩm an toàn, các làng nghề chế biến nước mắm, chế biến thủy hải sản, làng nghề sản xuất rượu an toàn, trồng rau sạch. Tổ chức liên kết, kết nối thị trường tiêu thụ giữa các nhà sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói đã được chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt, cơ sở đủ điều kiện ATTP, khuyến khích hình thành chuỗi và hướng dẫn các cơ sở kinh doanh đăng ký cấp giấy xác nhận nông sản thực phẩm an toàn theo chuỗi.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ thông qua việc áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị dinh dưỡng, tăng vòng quay trong sản xuất; đồng thời nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương, nhằm cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi với giá thành hạ, phù hợp với thị hiếu của thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi trong việc ứng dụng, đổi mới, cải tiến công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng, ATTP. 
Ưu tiên bố trí nguồn vốn sự nghiệp khoa học cho các đề tài, các dự án sản xuất thử nghiệm cho các cơ sở nghiên cứu, trên cơ sở đặt hàng của các doanh nghiệp. Tập trung vào các lĩnh vực: Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ kỹ thuật mới, tiên tiến trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lương thực, thực phẩm. Nghiên cứu khoa học phục vụ công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm. 
Xem chi tiết: tại đây
Tố Quyên
lên đầu trang