Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 04/07/2024 | 05:05

Thứ năm, 04/07/2024 | 05:05

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:16 ngày 13/05/2024

Trao đổi học thuật, cập nhật những xu hướng đào tạo mới giữa HaUi và Kennesaw State University

Mới đây, Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) đã có buổi làm việc với GS. Nguyễn Ngọc Tú - Đại học Kennesaw State University (Mỹ).
Sự kiện nhằm đẩy mạnh nghiên cứu liên ngành, đa ngành, mở rộng các cơ hội tiềm năng hợp tác giữa Đại học Công nghiệp Hà Nội và Đại học Kennesaw State University (Mỹ). Đồng thời, tạo cơ hội để giảng viên, học viên, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội trao đổi học thuật; gợi mở những xu thế phát triển mới; khái quát và dự đoán bức tranh toàn cảnh công nghệ thông tin tại Việt Nam và trên thế giới trong tương lai.
GS. Nguyễn Ngọc Tú - Đại học Kennesaw State University (Mỹ) trao đổi chủ đề nghiên cứu liên ngành, đa ngành (Ảnh: HaUI)
Trong năm 2024, HaUI dự kiến thành lập Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc Đại học Công nghiệp Hà Nội. Chính vì vậy, việc giao lưu, trao đổi với các giáo sư đầu ngành về Công nghệ thông tin là cơ sở để nhà trường tiếp cận với những xu thế mới trong đào tạo, phát triển các ngành đáp ứng nhu cầu của xã hội như an ninh mạng, an toàn thông tin, trí tuệ nhân tạo,… Đồng thời, mở ra cơ hội đồng nghiên cứu khoa học và xuất bản quốc tế đối với giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên nhà trường.
Theo GS. Nguyễn Ngọc Tú, nếu như trước đây, trong lĩnh vực cơ khí chỉ nghiên cứu lĩnh vực cơ khí; lĩnh vực công nghệ thông tin chỉ nghiên cứu lĩnh vực thông tin thì trong thời đại công nghiệp cách mạng 4.0, hướng đến các nghiên cứu liên ngành và đa ngành bao gồm: 1) Sản xuất thông minh; (2) Trí tuệ nhân tạo trong an toàn, an ninh thông tin; (3) Lượng tử.
Hiện nay, Internet vạn vật (IoT - Internet of Things) đang len lỏi ở hầu hết các hạ tầng trọng yếu của các quốc gia. Các hệ thống càng hiện đại, càng phức tạp luôn đi kèm các yếu tố rủi ro về an toàn, an ninh thông tin. Vì vậy, nghiên cứu liên ngành, đa ngành không chỉ để tìm ra công nghệ mới, kỹ thuật mới mà còn kiểm soát được các yếu tố rủi ro đi kèm.", Giáo sư Tú cho biết thêm.
GS. Nguyễn Ngọc Tú cho rằng: Công nghệ lượng tử có thể áp dụng trong an ninh tài chính, chứng khoán, rút ngắn thời gian tạo ra Vaccine hay dược phẩm mới, tăng hiệu suất của các nguồn năng lượng tái tạo, tăng hiệu quả dự đoán biến đổi khí hậu... Cho nên, chính phủ Mỹ và nhiều nước, các “ông lớn” công nghệ trên thế giới đang chỉ hàng tỷ USD cho nghệ cứu công nghệ lượng tử.
Lượng tử được xem là một cuộc cách mạng mới, là xu thế tất yếu mà Việt Nam không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc. Đặc biệt, khi mà Việt Nam đang trở thành trung tâm phát triển công nghệ trong khu vực và trên thế giới với những "kỳ lân công nghệ". Tuy nhiên, sự thành công của lĩnh vực lượng tử ở Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thế hệ nhà khoa học trẻ hiện nay.
Để phát triển công nghệ và nhân lực cho lĩnh vực lượng tử, GS. Nguyễn Ngọc Tú mong muốn và sẵn sàng hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ lượng tử; đồng thời tiếp nhận, trao học bổng cho nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội tới Mỹ tham gia vào nhóm nghiên cứu.
Ông Nguyễn Ngọc Tú hiện là giáo sư khoa học máy tính, trưởng nhóm nghiên cứu và giám đốc phòng thí nghiệm NextCNS tại Đại học Kennesaw State (Mỹ). Ông nằm trong danh sách top 2% những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2022 công bố bởi Đại học Stanford.
Giáo sư Tú đã công bố trên 120 công trình nghiên cứu khoa học tại các tạp chí và hội thảo quốc tế hàng đầu; nhận nhiều giải thưởng xuất sắc cho nghiên cứu khoa học và chủ trì nhiều đề tài khoa học được tài trợ bởi quỹ nghiên cứu khoa học Mỹ và Bộ Năng lượng Mỹ và các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới như Google, Amazon, IONQ; là thành viên cao cấp của IEEE.
Duy Anh
lên đầu trang