Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 17/09/2024 | 01:56

Thứ ba, 17/09/2024 | 01:56

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 08:18 ngày 09/08/2024

Nghiên cứu công nghệ, thiết kế và chế tạo thiết bị chế biến các sản phẩm từ quả hồi đạt chất lượng xuất khẩu

Cây hồi là loại cây có giá trị xuất khẩu đáng kể nhờ vào các ứng dụng rộng rãi của nó trong ngành thực phẩm, dược phẩm, và mỹ phẩm. 
Việt Nam, với điều kiện khí hậu và đất đai thuận lợi, là một trong những quốc gia sản xuất hạt hồi hàng đầu trên thế giới. Giá trị kinh tế của cây hồi không chỉ thể hiện qua sản lượng xuất khẩu mà còn qua các ngành công nghiệp liên quan. Bên cạnh giá trị xuất khẩu, cây hồi còn có ảnh hưởng lớn đến các ngành công nghiệp trong nước. Tinh dầu hồi, chiết xuất từ hạt hồi, được sử dụng trong sản xuất dược phẩm và mỹ phẩm. Ngành dược phẩm và chăm sóc cá nhân của Việt Nam đang ngày càng phát triển, và việc cung cấp các sản phẩm từ cây hồi giúp gia tăng giá trị và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, việc phát triển cây hồi cũng hỗ trợ trong việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Cây hồi có thể được trồng kết hợp với các cây trồng khác, giúp cải thiện chất lượng đất và giảm thiểu sự xói mòn. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam.
Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất hồi hàng đầu thế giới (Ảnh minh hoạ, nguồn: duoclieuhoabinh)
Mặc dù nắm giữ lợi thế về vùng trồng nguyên liệu nhưng hiện nay Việt Nam vẫn đang thiếu các công nghệ trong việc thu hoạch và chế biến sâu các sản phẩm từ quả hồi. Việc thu hoạch hiện nay chủ yếu là thủ công, theo kinh nghiệm của đồng bào địa phương mà chưa có nghiên cứu về thời gian thu hoạch, kỹ thuật thu hoạch, từ đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến. 
Xuất phát từ thực tiễn đó,ThS. Đặng Ngọc Khải cùng các cộng sự tại Công ty cổ phần thiết bị chuyên dùng Việt Nam đã đề xuất và được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt thực hiện đề tài cấp quốc gia: “Nghiên cứu công nghệ, thiết kế và chế tạo thiết bị chế biến các sản phẩm từ quả hồi đạt chất lượng xuất khẩu”. Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu tạo ra được công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến quả hồi khô và tinh dầu hồi đạt yêu cầu xuất khẩu, có giá thành cạnh tranh; làm chủ được tính toán thiết kế, chế tạo được hệ thống thiết bị sấy quả hồi tiết kiệm năng lượng, hệ thống thiết bị chưng cất tinh dầu hồi sử dụng hơi quá nhiệt tự động hóa chế độ chưng cất có hiệu suất thu hồi cao, hệ thống tinh chế tinh dầu hồi đạt chất lượng xuất khẩu sang EU và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Trong quá trình triển khai, Công ty cổ phần thiết bị chuyên dùng Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu tổng quan về công nghệ và thiết bị sấy quả hồi, chưng cất, tinh chế tinh dầu hồi, nghiên cứu công nghệ và thiết bị thu hái quả hồi làm nguyên liệu cho chế biến các sản phẩm hồi, xây dựng quy trình công nghệ sấy quả hồi khô tiết kiệm năng lượng. Xây dựng quy trình công nghệ chưng cất tinh dầu hồi sử dụng hơi quá nhiệt và xây dựng quy trình công nghệ tinh chế tinh dầu hồi. Từ đó thiết kế, chế tạo hệ thống sấy quả hồi tiết kiệm năng lượng và thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị chưng cất và tinh chế tinh dầu hồi. Đồng thời, nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống xử lý nước thải, bã thải sau chế biến các sản phẩm hồi  và khảo nghiệm hệ thống thiết bị chế biến các sản phẩm hồi.
Hệ thống sấy khô quả hồi (Ảnh: vista)
Kết quả, sau hơn 2 năm triển khai nghiên cứu, đề tài đã làm chủ được công nghệ thiết kế, công nghệ chế tạo một số thiết bị chế biến các sản phẩm từ quả hồi, làm chủ được xây dựng chương trình điều khiển toàn bộ hoạt động của hệ thống sấy, chưng cất và tinh chế tinh dầu hồi; Đề tài đã tích hợp công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong cơ khí, điện và tự động hóa để thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị sấy, chưng cất, tinh chế có tỷ lệ nội địa hóa 90-95%.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần thiết bị chuyên dùng Việt Nam cũng đã thiết kế chế tạo máy thu hái quả hồi và hệ thống thiết bị sấy khô quả hồi, hệ thống thiết bị chưng cất tinh dầu hồi, hệ thống thiết bị tinh chế tinh dầu hồi, các thiết bị đã được lắp đặt và áp dụng vào sản xuất tại hợp tác xã Văn Quan Xanh Lạng Sơn, các hệ thống được thiết kế chế tạo đạt và vượt thông số kỹ thuật so với thuyết minh đã được phê duyệt.
Sau khi lắp đặt và khảo nghiệm hệ thống sấy khô quả hồi, hệ thống chưng cất tinh dầu hồi, hệ thống tinh chế tinh dầu hồi, kết quả khảo nghiệm đã xác định được các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của các hệ thống đều đạt yêu cầu so với thuyết minh đã được phê duyệt, kết quả khảo nghiệm đã xác định được năng suất sấy, công suất chưng cất và tinh chế, chất lượng tinh dầu sau tinh chế, chất lượng quả hồi khô sau sấy đạt yêu cầu xuất khẩu. Từ kết quả khảo nghiệm cho thấy các hệ thống thiết bị do đề tài thiết kế chế tạo bước đầu có thể đưa vào sản xuất được.
Hiện, các kết quả của đề tài đã chuyển giao cho hợp tác xã Văn Quan, Lạng Sơn để hợp tác xã đưa vào sử dụng trong sản xuất, kết quả sử dụng các thiết bị này vào sản xuất cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao, các thiết bị hoạt động ổn định.
Cây hồi là một đặc sản rừng cung cấp các sản phẩm có giá trị kinh tế lớn dùng trong nước và xuất khẩu. Lá, hoa, quả hạt đều có tinh dầu thơm, song sản phẩm chủ yếu của hồi là quả để cất tinh dầu. Tinh dầu hồi là nguyên liệu quý được sử dụng trong công nghiệp bánh kẹo, rượu, gia vị và trong dược phẩm. Về dược tính, hồi có vị cay, ngọt, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng trừ đờm, khai vị, kiện tỳ (kích thích bộ máy tiêu hóa) tiêu thực, giảm co bóp trong dạ dày và ruột, lợi sữa, trừ phong, giảm đau, sát trùng, có thể sử dụng chế biến thức ăn chăn nuôi.
Tố Uyên


lên đầu trang