Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, công nghệ thông tin được xem là đòn bẩy để tạo ra nhiều tiến bộ kỹ thuật và công nghệ. Trên cơ sở đó, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã liên tục kết nối nguồn lực để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Vừa qua, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc tại Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI). Tại buổi gặp, hai bên cùng nhau đề xuất hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học trong linh vực điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, đặc biệt trong nghiên cứu, thiết kế vi mạch bán dẫn hiện nay. Đồng thời, hai bên cũng mong muốn mở rộng quan hệ thông qua kết nối nguồn lực trên các lĩnh vực khác nhau.
Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam đến làm việc tại Đại học Công nghiệp Hà Nội (Ảnh: HaUI)
Theo TS. Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam, hội đã tổ chức nhiều hội thảo quan trọng như Hội nghị Quốc tế về Công nghệ Truyền thông Tiên tiến (ATC) và Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin (REV-ECIT). Các sự kiện này thu hút đông đảo các nhà khoa học, giảng viên, học viên cao học, sinh viên và doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Những nghiên cứu và đóng góp tại các hội thảo đều hướng tới mục tiêu phát triển và phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam.
TS. Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam (Ảnh: HaUI)
Được biết, Đại học Công nghiệp Hà Nội và Hội đều hợp tác chặt chẽ với các công ty hàng đầu trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin như LG, Samsung, Viettel, và Mobifone. Ngoài ra, nhờ vào sự liên kết với hàng nghìn tổ chức và doanh nghiệp, HaUI sẵn sàng chia sẻ nguồn lực và kết nối với các doanh nghiệp trong tổ chức Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam.
Theo đánh giá của TS. Kiều Xuân Thực – Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội, các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào gia công và lắp ráp. Do đó, việc hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học không chỉ giúp phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của các công ty mà còn tạo cơ hội gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn.
Hai bên hy vọng rằng có thể thúc đẩy việc phát triển và sản xuất các sản phẩm, đồng thời tự chủ một số công nghệ cốt lõi theo định hướng "Make in Vietnam". Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể tối ưu hóa, tự động hóa và nâng cao tính thông minh trong dây chuyền sản xuất của mình.
TS. Kiều Xuân Thực – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu (Ảnh: HaUI)
Trên cơ sở đó, HaUI và Hội nhất trí phối hợp tổ chức các diễn đàn, hội thảo, và sân chơi học thuật để mời gọi các chuyên gia và nhà khoa học trong nước tham gia hợp tác và giao lưu với cộng đồng khoa học quốc tế. Qua đó, họ sẽ có cơ hội tiếp cận những xu hướng nghiên cứu mới và hiện đại từ toàn cầu.
Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam là tổ chức Việt Nam ở trong và ngoài nước đã và đang làm công tác nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, khai thác, đào tạo, học tập, phổ biến kiến thức, phát triển, ứng dụng khoa học quản lý trong lĩnh vực vô tuyến, điện tử và máy tính. Mục đích của Hội là tập hợp, giúp đỡ hội viên trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả; phát triển chuyên ngành. Hiện tại, đã có hơn 1.000 thành viên từ 50 cơ sở giáo dục và viện nghiên cứu tham gia Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam, với hơn 90% là các chuyên gia trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin và tự động hóa. Qua đó, sinh viên, giảng viên của các cơ sở giáo dục trong hội có thể cùng nhau khai thác tiềm năng và thế mạnh, từ đó phát triển các chương trình đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. |
Đức Chung