Không khó để bắt gặp những thành quả nghiên cứu khoa học và công nghệ của ngành Công Thương ghi dấu ấn trong những công trình trọng điểm và trong phát triển kinh tế - xã hội.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ ngành Công Thương. Ảnh: Cấn Dũng
Chẳng hạn, đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân ngành dầu khí và cơ khí đã tự thiết kế và đóng được giàn khoan 90m nước và 120m nước, đưa Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới, 3 quốc gia châu Á chế tạo được giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Hay, Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) đã cùng các đơn vị cơ khí trong nước tự lực trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho hơn 29 công trình thủy điện vừa và lớn trong nước, trong đó, có công trình Thủy điện Sơn La (2.400 MW) và Lai Châu (1.200 MW). Sự thành công của các dự án đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước với doanh thu từ mảng việc này mang lại khoảng 8.000 tỷ đồng, góp phần phát điện sớm 3 năm với Nhà máy Thủy điện Sơn La và một năm với Nhà máy Thủy điện Lai Châu…
Có thể nói, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, thông minh nắm bắt công nghệ, kinh nghiệm của thế giới, các nhà khoa học của ngành Công Thương đã đạt được những giải thưởng cao, có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt, nhiều công trình/cụm công trình đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng nhà nước về khoa học và công nghệ.
TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) khẳng định, các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương đã đầu tư chuyên sâu vào các lĩnh vực thiết kế, chuyển giao công nghệ. Qua đó, đủ năng lực làm tổng thầu cho một số dây chuyền thiết bị toàn bộ cho các ngành công nghiệp quan trọng của đất nước như nhiệt điện, thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản…
"Những thành công ban đầu của Viện là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Công Thương trong công tác nghiên cứu khoa học và làm chủ công nghệ cũng như sự giúp đỡ cụ thể từ ngân sách thông qua các đề tài cấp Bộ, dự án cấp quốc gia" - Tiến sĩ Phan Đăng Phong nói.
Không chỉ trên “địa hạt” nghiên cứu khoa học, hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp ngành Công Thương, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến, chế tạo liên tục phát triển.
Nhờ đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta tính đến nay đã có vị trí cao trong xếp hạng thành tích xuất khẩu của thế giới, như: Dệt may, da giày, điện tử, thủy sản, đồ gỗ và một số mặt hàng nông sản khác (cà phê, hồ tiêu, gạo...) luôn thuộc nhóm các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu (CIP) ở mức khá cao, thuộc nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao.
Quán triệt, nhận thức sâu sắc chủ trương, đường lối chiến lược này của Đảng, dưới sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của lãnh đạo Chính phủ, toàn ngành Công Thương trong những giai đoạn phát triển vừa qua luôn xác định công tác phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu và đòi hỏi tiên quyết, tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của ngành cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Các chính sách khoa học và công nghệ cùng nhiều hoạt động hỗ trợ của nhà nước là tiền đề tạo ra những đóng góp quan trọng của khoa học và công nghệ cho phát triển của ngành, lĩnh vực cũng như từng doanh nghiệp, đặc biệt trong những năm gần đây.
Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho hay, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng thiết thực, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và yêu cầu phát triển ngành Công Thương.
Đồng thời, tái cấu trúc tổ chức khoa học và công nghệ ngành Công Thương trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh; hiện đại hóa, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Nguồn: Báo Công Thương