Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 13:43

Thứ hai, 29/04/2024 | 13:43

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:04 ngày 05/06/2014

Nhân rộng mô hình sản xuất thực phẩm sạch

Dự án Xây dựng và Kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (FAPQDC) đã được triển khai trong thời gian 6 năm (2008-2013) thông qua việc áp dụng qui trình thực hành sản xuất tốt.
 
Thực phẩm sạch giúp tăng chất lượng cuộc sống.
Sáng 18/12, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), Bộ NNPTNT phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Canada (CIDA) tổ chức "Hội thảo tổng kết Dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm" (Dự án FAPQDCP do CIDA tài trợ). 

Kết quả, Dự án FAPQDCP đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chi tiết để người sản xuất áp dụng dễ dàng các tiêu chuẩn VietGAP, GMP, sổ tay hướng dẫn thực hiện VietGAP, tập huấn cho nông dân, người sản xuất về áp dụng VietGAP, VietGAHP, GMP cho sản xuất, sơ chế đóng gói và kinh doanh đối với rau, quả, cho sản xuất, giết mổ và tiêu thụ thịt lợn, gia cầm đảm bảo vệ sinh, an toàn.

Đồng thời, Dự án cũng chú trọng đào tạo nguồn lực về giám sát, kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm (ATTP) nhằm nâng cao năng lực phân tích rủi ro và tăng cường công tác quản lý, kiểm soát ATTP.
Đến nay, 14 mô hình điểm rau, quả tại Lâm Đồng, TPHCM, Hà Nội, Thanh Hóa, Đồng Nai, Tiền Giang và Bắc Giang đã được chứng nhận. 11 trại chăn nuôi lợn và 11 trại gà đã được chứng nhận VietGAP; 6 cơ sở giết mổ thịt lợn, thịt gà và 5 cơ sở bán thịt lợn và thịt gà được đánh giá đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm xếp loại A và B.

Dự án FAPQDCP đã hỗ trợ nâng cấp 7 phòng kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn với giá trị lên tới gần 30 tỷ đồng. Đồng thời, đã đào tạo cho 200 lượt cán bộ quản lý và kiểm nghiệm về cách thức quản lý phòng kiểm nghiệm và các phương pháp phân tích và qui trình đảm bảo chất lượng kết quả kiểm nghiệm.

Kết quả là năng lực của cả 7 phòng kiểm nghiệm đã được cải thiện rõ rệt (bình quân từ chỗ chỉ phân tích được 15 chỉ tiêu đã tăng lên 47 chỉ tiêu). Đặc biêt, 3 phòng kiểm nghiệm của Trung tâm Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản vùng 4 (Bộ NNPTNN), Viện vệ sinh Y tế công cộng TPHCM (Bộ Y tế) và Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 TPHCM (Bộ KHCN) đã đạt chứng nhận quốc tế ISO 17025 do Tổ chức đánh giá chứng nhận quốc tế Cơ quan công nhận phòng kiểm nghiệm quốc gia Australia về thử nghiệm (NATA) cấp.

Đặc biệt, Dự án đã xây dựng hệ thống kiểm soát ATTP cấp tỉnh, đồng thời tiến hành thử nghiệm mặt hàng rau tại tỉnh Lâm Đồng, tại Đồng Nai là sản phẩm thịt lợn và thịt gà. Điểm mới của hệ thống kiểm soát ATTP do dự án thử nghiệm được đánh giá là mang tính khoa học, dựa trên nguyên tắc phân tích mối nguy và quản lý mối nguy theo chuỗi ngành hàng; gắn kết giữa kết quả giám sát xác định mối nguy với xác định nguyên nhân chính dẫn đến mất ATTP.
Từ thành công của Dự án, hiện nay Bộ NNPTNT đang nhân rộng các mô hình điểm ra nhiều địa phương khác thông qua Đề án xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp sản phẩm an toàn hướng tới đảm bảo chất lượng nông sản phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại 33 tỉnh/thành phố.

Hiện Dự án FAPQDCP đang tiếp tục triển khai các hoạt động về tiếp cận thị trường cho nông sản thực phẩm: xây dựng thương hiệu, thiết kế logo VietGAP nhãn xanh, bao bì nhãn mác sản phẩm, tuyên truyền quảng bá nông sản thực phẩm an toàn được chứng nhận. Kết quả, các mô hình đã có đầu ra ổn định, tăng số lượng bán và bán được giá cao hơn đối với một số kênh bán hàng như siêu thị, bếp ăn tập thể, cửa hàng rau, quả an toàn....

Dự án FAPQDCP còn góp phần hỗ trợ cơ quan chức năng của Bộ NNPTNT trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, quy chuẩn kỹ thuật về ATTP, văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm, đề án về ATTP như thông tư 14; Thông tư 60; 61 về Quy định điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ lợn và gà; Chiến lược đảm bảo ATTP 2010-2020 và tầm nhìn 2030, Đề án xây dựng và phát triển chuỗi thực phẩm an toàn.
 

Theo baodientu.chinhphu.vn

lên đầu trang