Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 21:13

Thứ bảy, 27/04/2024 | 21:13

Chính sách

Cập nhật lúc 09:45 ngày 30/08/2019

KHCN ngành Công Thương: Đổi mới, sáng tạo gắn thực tiễn với sản xuất

Năm 2018, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ Công Thương đã chú trọng vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường, nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh.
Đổi mới sáng tạo gắn thực tiễn với sản xuất
Về mặt tổ chức thực hiện, năm 2018 tập trung vào xây dựng những nhiệm vụ khoa học và công nghệ có quy mô lớn, theo cụm nhiệm vụ để giải quyết những vấn đề cấp thiết, trọng điểm ; đẩy mạnh sự phối hợp, liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học với các lực lượng khoa học của các doanh nghiệp.
Năm 2018, Vụ Khoa học và Công nghệ tiếp tục tổ chức triển khai 04 Chương trình/Dự án KHCN cấp quốc gia (trong các lĩnh vực: khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm), 02 Chương trình KHCN trọng điểm cấp Bộ về công nghiệp môi trường và phát triển bền vững; Chương trình phối hợp về khoa học và công nghệ giữa Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ; Đề án ứng dụng KHCN trong tái cơ cấu ngành Công Thương. Để đáp ứng yêu cầu của phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh đang có những thay đổi nhanh chóng về công nghệ từ cuộc CMCN 4.0, hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương đã có những bước điều chỉnh nhanh chóng trong định hướng cũng như cách thức tổ chức thực hiện. 
Có thể nói, nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được ứng dụng thành công trên thực tế, đem lại hiệu quả lâu dài cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; các sản phẩm dần có chỗ đứng trên thị trường trong nước:
Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến, các sản phẩm như: thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ phòng và điều trị bênh ung thư, rối loạn mỡ máu, tim mạch, điều hoà hoócmon, các bệnh nhiễm HIV/AIDS, viêm gan,... sản xuất từ đậu tương và cám gạo Việt Nam với giá thành khoảng 60 - 70 % sản phẩm ngoại nhập; Nước hàu, mực nhồi, bạch tuộc lên men, surimi,..; sản xuất thức ăn chăn nuôi mới trong nước như thức ăn nuôi cá chình, ốc hương, cá tầm, cá hồi,....đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường, mang lại giá trị cao cho người sản xuất;
Trong lĩnh vực năng lượng, mô hình trạm biến áp không người trực cấp điện áp 110kV và 220kV được ngành điện triển khai trên diện rộng; ngành dầu khí triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về dầu khí, thống nhất định dạng các tài liệu để ứng dụng vào công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí;
Một số công nghệ, mô hình sản xuất, quản trị của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bước đầu được triển khai áp dụng tại một số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất bia, thiết bị chiếu sáng, da giầy;
Trạm biến áp không người trực
Hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các biện pháp quản lý nâng cao chất lượng sản phẩm được đẩy mạnh. Giai đoạn 2017 – 2018, rất nhiều doanh nghiệp đã được đào tạo, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản trị tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất hiện đại, trong đó, có trên 200 doanh nghiệp được xây dựng mô hình điểm, mang lại hiệu quả tích cực, giúp doanh nghiệp tăng năng suất, nâng cao sức cạnh tranh và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ những mô hình thành công này, phong trào năng suất đang được từng bước lan tỏa cho doanh nghiệp toàn ngành;
Nghiên cứu KHCN phục vụ công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, xây dựng được chuẩn mực để giải quyết các tranh chấp thương mại và thiết lập rào cản kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, đảm bảo chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh; ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tính mạng con người.
Về công tác thông tin khoa học và công nghệ, cũng trong năm 2018, Vụ đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm; phối hợp cùng cơ quan truyền thông (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam) thực hiện chuyên mục về vệ sinh an toàn thực phẩm;  Duy trì, cập nhật thường xuyên tin bài về hoạt động khoa học và công nghệ, an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng trên Báo, Tạp chí, Trang thông tin khoa học và công nghệ của Bộ, và của Vụ. Duy trì và phát hành định kỳ các bản tin chuyên đề về khoa học và công nghệ:
Năm 2018, đã cơ bản hoàn thành phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ; bắt đầu áp dụng cho việc xây dựng kế hoạch KHCN 2020.
Tiến dài trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ
Năm 2018, lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng được ưu tiên, tập trung triển khai với những kết quả chủ yếu sau: Giao xây dựng mới 06 QCVN và 17 TCVN, trong đó có 02 TCVN về xỉ lò cao và xỉ luyện thép, 01 QCVN về công trình thủy điện đã chuyển Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định; các QCVN, TCVN còn lại đều trong quá trình nhiệm thu, lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan trước khi thẩm định, ban hành theo quy định.
Bên cạnh đó, trong năm 2018, Vụ đã trình ban hành 02 Thông tư liên quan đến sản phẩm dệt may, 01 văn bản hợp nhất đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và Quyết định số 3263/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Lộ trình hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Công Thương đến năm 2025.
Việc tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo chỉ đạo của Chính phủ tại NQ01, 19; từng bước xây dựng được chuẩn mực để giải quyết các tranh chấp thương mại và thiết lập rào cản kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, đảm bảo chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh; ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tính mạng con người.
Công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong năm 2018 tiếp tục được đẩy mạnh; đã có 22 tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định cho các lĩnh vực/sản phẩm: hàng hóa nhóm 2, sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh và sản phẩm dệt may; đẩy mạnh việc tổ chức kiểm tra sự tuân thủ của các tổ chức đánh giá sự phù hợp theo các quy định hiện hành và khuyến nghị các biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, Vụ đang đẩy nhanh việc xây dựng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 đối với thủ tục cấp chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp để áp dụng trong năm 2019.
Đối với việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, trong năm 2018, Vụ đã tham mưu cấp 31 Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp thuộc các lĩnh vực: sản phẩm, hàng hóa nhóm 2; khoáng sản, vật liệu nổ công nghiệp v.v...
Công tác cải cách trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ tiếp tục được tập trung triển khai. Năm 2018, với vai trò cơ quan đầu mối, Vụ đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị trong Bộ triển khai các nhiệm vụ: hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công khai minh bạch các quy trình kiểm tra, thủ tục hành chính và danh mục mã HS (8 số) sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã được Vụ tham mưu Lãnh đạo Bộ  triển khai thực hiện đồng bộ, cắt giảm danh mục sản phẩm đi đôi với quá trình đơn giản hóa tục hành chính, thay đổi phương thức quản lý hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Ngày 22 tháng 02 năm 2018, Vụ đã trình Lãnh đạo Bộ ban hành văn bản hợp nhất số 13/VBHN-BCT đồng bộ với lộ trình triển khai hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, chuyển phương thức kiểm tra từ trước thông quan sang sau thông quan đối với sản phẩm hàng hóa nhóm2. Kết quả triển khai công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành đã được thể hiện rõ nét trên các khía cạnh (i) Nhận thức và tính lan tỏa trong cộng đồng; (ii) Xây dựng thể chế, chính sách; (iii) Lợi ích đem lại cho cộng đồng doanh nghiệp.
Công tác đo lường và sở hữu trí tuệ tiếp tục được quan tâm triển khai: năm 2018, Vụ đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng kế hoạch tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp, chủ sở hữu các nhãn hiệu đã được bảo hộ và đại diện sở hữu trí tuệ của các hãng nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác định và giám định các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo Quyết định số 3304/QĐ-BCT ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương; tổ chức rà soát đề xuất các phương tiện đo nhóm 2 gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để bổ sung vào Danh mục theo quy định.
Thay đổi lớn trong quản lý công nghệ sinh học và an toàn thực phẩm
Năm 2018, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm đã có nhiều thay đổi lớn. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (gọi tắt Nghị định 15) thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 02 tháng 02 năm 2018 ra đời đã tạo ra nhiều thay đổi, đặc biệt là trong phương thức quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Để nhanh chóng cụ thể hóa, đưa những quy định này vào cuộc sống, trong năm 2018, Vụ Khoa học và Công nghệ đã tập trung vào triển khai những nội dung cụ thể sau:
Hướng dẫn triển khai các quy định nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Vụ đã trình Lãnh đạo Bộ ban hành công văn số 2129/BCT-KHCN chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương tiếp tục triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước trên cơ sở các quy định mới nêu tại Nghị định trên trong thời gian Bộ Công Thương chưa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện; thắc mắc của các địa phương và doanh nghiệp đã kịp thời được hướng dẫn xử lý. Ngày 15 tháng 11 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 43/TT-BCT quy định thống nhất quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương.
Một số vụ việc về an toàn thực phẩm đã được Vụ nhanh chóng tham mưu chỉ đạo các địa phương xử lý kịp thời, đặc biệt liên quan tới việc xử lý, tìm hiểu nguyên nhân, biện pháp khắc phục, định hướng quản lý trong sự việc ngộ độc sữa của học sinh các trường tiểu học Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Tuấn, trường mầm non Phú Lộc tại huyện Tân Phú và Định Quán tỉnh Đồng Nai; chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm khi nhận được thông báo cảnh báo nhanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế; khi doanh nghiệp yêu cầu;
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại công văn số 9223/VPCP-KGVX ngày 30 tháng 8 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại một số tỉnh, thành phố, Vụ Khoa học và Công nghệ đã trình Lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch số 4453/KH-BCT ngày 05 tháng 6 năm 2018 và Quyết định số 2438/QĐ-BCT ngày 06 tháng 7 năm 2018 triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ trưởng Bộ Công Thương, chủ trì phối hợp cùng một số tổ chức kiểm nghiệm được Bộ Công Thương chỉ định đã thực hiện công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn 05/15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hưng Yên, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Hải Dương, Bắc Ninh.
Công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tiếp tục được quan tâm thực hiện. Việc tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, xử lý và hướng dẫn khắc phục các sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, Vụ còn chủ trì xây dựng nội dung Bản Thỏa thuận hợp tác về an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Các ngành công nghiệp cơ bản New Zealand, được Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Các ngành công nghiệp cơ bản New Zealand ký kết tại Auckland, New Zealand và rất nhiều hoạt động đầu mối khác.
Trần Việt Hòa
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ
lên đầu trang