Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 16/05/2024 | 21:11

Thứ năm, 16/05/2024 | 21:11

Tin KHCN

Cập nhật lúc 17:43 ngày 10/10/2019

Phát triển kết quả đề tài cấp Bộ Công Thương để đem lại triển vọng mới cho quả táo mèo và cây chùm ngây

Chiều ngày 7 tháng 10, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức nghiệm thu dự án sản xuất thử nghiệm “Thử nghiệm sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây với việc ứng dụng công nghệ sấy bằng hồng ngoại đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng Tây Bắc”. Dự án thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” do Công ty CP Viện máy và Dụng cụ công nghiệp thực hiện từ tháng 3/2017 đến tháng 6/2019.  
Quang cảnh buổi nghiệm thu
Dự án là sự kế thừa và phát triển dựa trên kết quả của một chuỗi các đề tài nghiên cứu cấp Bộ Công Thương đã được Công ty CP Viện máy và Dụng cụ công nghiệp thực hiện trước đó, bao gồm đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo lò sấy tự động sử dụng công nghệ sấy hồng ngoại phục vụ cho chế biến thuốc trong ngành dược và chế biến nông sản”, đề tài “Nghiên cứu công nghệ chế biến trà tan táo mèo, trà túi lọc táo mèo và bột dinh dưỡng chùm ngây”; đề tài “Nghiên cứu quy trình trồng và triển khai thử nghiệm trồng táo mèo và chùm ngây tại Hòa Bình và Yên Bái”. Cùng với đó là những nghiên cứu thực tiễn, tổng hợp kinh nghiệm thực tế mà dự án thu được thông qua việc triển khai các đề tài cấp Bộ Công Thương, Bộ Y tế và đề tài độc lập cấp nhà nước. Từ đó, nắm vững và làm chủ quy trình công nghệ và các thông số kỹ thuật, ổn định chất lượng sản phẩm, chủng loại sản phẩm, nâng cao khối lượng sản phẩm cần sản xuất thử nghiệm để khẳng định công nghệ và quy mô của dự án.
Sản phẩm của dự án
Táo mèo là thực vật đặc hữu của Tây Bắc Việt Nam, hiện đang được sử dụng rộng rãi tại Pháp, Anh, Đức và các nước châu Âu khác để làm thuốc trị bệnh tim mạch. Trong khi đó, chùm ngây là loài cây dễ trồng, phù hợp với khí hậu Việt Nam và được WHO coi là “nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho các nước nhiệt đới”. Việc nghiên cứu và đầu tư biến táo mèo và chùm ngây thành các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe mở ra một tiềm năng mới về các loại dược phẩm có nguồn gốc từ thảo dược và tiềm năng xuất khẩu rất lớn, đem lại giá trị gia tăng cao, đem lại thu nhập nhằm xóa đói giảm nghèo và góp phần vào sự phát triển ổn định cho các tỉnh vùng Tây Bắc. 
Phát biểu tại buổi nghiệm thu, TS. Trần Ngọc Hưng, chủ nhiệm dự án cho biết: “Mục tiêu của dự án nhằm hoàn thiện công nghệ chế biến trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, hoàn thiện thiết kế và chế tạo dây chuyền thiết bị sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây, đồng thời tạo mô hình vùng trồng táo mèo và chùm ngây với diện tích mô hình thực nghiệm”.
Hệ thống lò sấy hồng ngoại do Công ty CP Viện máy và Dụng cụ công nghiệp chế tạo. 
Để tạo ra được sản phẩm chất lượng, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu, một phần lớn là nhờ có lò sấy bằng công nghệ hồng ngoại. Thiết bị được dự án phát triển dựa trên kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo lò sấy tự động sử dụng công nghệ hồng ngoại phục vụ cho chế biến thuốc trong ngành dược và chế biến nông sản” do Bộ Công Thương giao Công ty CP Viện máy và Dụng cụ công nghiệp chủ trì thực hiện. Đây là công nghệ sấy tiên tiến, không làm ảnh hưởng đến các thành phần của dược liệu cũng như không làm mất vi lượng, đặc biệt là vitamin và không sản sinh ra các chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Dây chuyền công nghệ và thiết bị sản xuất sản phẩm trà hòa tan táo mèo, trà túi lọc táo mèo và bột dinh dưỡng chùm ngây lần đầu tiên được thiết kế, chế tạo đồng bộ tại Việt Nam. Với công nghệ này của dự án các sản phẩm đều có khả năng đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm khắt khe của các nước châu Âu và Mỹ.
Theo đánh giá, sản phẩm trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây có tiềm năng xuất khẩu rất ớn, nhất là thị trường châu Âu. Do đó, dự án khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây tại vùng Tây Bắc, từ đó sẽ tạo ra sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh này.
Ngoài việc thúc đẩy trồng các loại cây đem lại giá trị kinh tế lớn, góp phần vào quy hoạch phát triển lâm nghiệp của từng tỉnh, dự án còn góp phần quảng bá được sản của vùng Tây Bắc, đem thương hiệu của táo mèo và chùm ngây của Việt Nam đến được với bạn bè năm châu.
Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” (Chương trình) giai đoạn 2013-2018 được Thủ tướng Chính phủ giao Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì triển khai bắt đầu vào thực hiện từ năm 2013 nhằm thực hiện các nghiên cứu tổng hợp, liên ngành để cung cấp các luận cứ và giải pháp khoa học góp phần giải quyết trực tiếp các vấn đề đang đặt ra hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững vùng Tây Bắc.
Trong giai đoạn 2013 - 2015 - giai đoạn khởi động, Chương trình tập trung triển khai nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, rà soát các chính sách, điều tra bổ sung nhằm cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ cho việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; Triển khai một số mô hình sinh kế và mô hình phát triển kinh tế xã hội cho một số địa phương và ngành đặc thù trong vùng; Khởi động một số nhiệm vụ chuyển giao giải pháp khoa học và công nghệ sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường…
Giai đoạn 2016-2018: Đây là giai đoạn tập trung đẩy mạnh việc triển khai nghiên cứu ứng dụng, đưa các kết quả khoa học và công nghệ vào đời sống và sản xuất, đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả; Hỗ trợ và cùng các địa phương thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020; Tập trung triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm dựa trên kết quả các nghiên cứu cơ sở; Xây dựng được triết lý và mô hình phát triển; Đề xuất quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội theo hướng phát triển bền vững cho vùng Tây Bắc giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030.
Vụ Khoa học và Công nghệ

lên đầu trang