Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 11:41

Thứ hai, 29/04/2024 | 11:41

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:57 ngày 04/02/2020

Ngành giấy thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn

Cơ hội thị trường trị giá 4,5 nghìn tỷ đô la
Ngày 17/4, tại Hà Nội, Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam". Hiệp hội Giấy và Bột giấy đánh giá cao hội thảo và đã có buổi làm việc riêng nhằm thúc đẩy mô hình phát triển rộng rãi trong xã hội.
Theo đó, khái niệm kinh tế tuần hoàn tương đối mới trên thế giới, còn khá mới đối với doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại Việt Nam, ngày 05/7/2018, trong Hội nghị Toàn quốc về Phát triển bền vững, Thủ tướng Chỉnh phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lần đầu tiên kêu gọi doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn, ứng dụng, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Kinh tế tuần hoàn được hiểu là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đạt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phể thải khổng lồ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Việc tân dụng tài nguyên được thực hiện bằng nhiều hình thức như sửa chữa, tái sử dụng, tái chế và thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ hoặc cho thuê.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ tính riêng 2 thành phố là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thải ra môi trưòng khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi nilon cả nước chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không đưọc tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng".
Phát biểu tại hội thào, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch VBCSD cho biết, trong 3 năm gần đây, số lượng DN trên thế giới đã quan tâm đến sáng kiến, mô hình kinh doanh nền kinh tế tuần hoàn tăng lên rất nhiều. Song tại Việt Nam, nền kinh tể tuần hoàn vẫn là khái niệm mới đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp gặp rủi ro đến từ việc khan hiếm nguyên liệu và biến động giá tài nguyên mà còn ảnh hưởng đến chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững của quốc gia.
“Nếu áp dụng triệt để ‘tư duy tuần hoàn” trong hoạt động thiết kế, sản xuất và tái chế hàng hóa, nền kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 4,5 nghìn tỷ đô la cho doanh nghiệp, tạo ra hàng trăm triệu việc làm mới. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài tư duy nền kinh tế tuần hoàn”, ông Nguyên Quang Vinh cho biết.
Thay đối quan niệm phế liệu bằng nguyên liệu thứ cấp
Ông Andrew Thomas Mangan - Giám đốc điều hành Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vũng Hoa Kỳ cũng cho biết, trong năm 2015, Việt Nam phát sinh khoảng 27 triệu tấn chất thải. Con số này vẫn tăng lên hàng năm. Hiện nay, 70% bãi xử lý chất thải ở Việt Nam không được xếp là bãi chôn lấp hợp vệ sinh.
Đặc biệt, ông Andrew Thomas Mangan cho rằng cần thay đổi quan niệm xã hội về thị trường phế liệu như nưóc ta vẫn sử dụng. Thay vào đó là thị trường nguyên liệu thứ cấp (VMM).
Đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam làm việc cùng Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Hoa Kỳ.
Xây dựng chương trình VMM có kiểm soát sử dụng các công cụ công nghệ liên kết các tổ chức, giúp họ có năng lục phát triển và mở rộng cơ hội thị trường tái sử dụng và tái chế.
Cùng vói thông tin đáng lo ngại mà ông Andrew Thomas Mangan đã đưa ra, bà Regula Schegg - Giám đốc điều hành khu vục châu Á Circulate Capital - cũng cho hay, hiện nay có khoảng 150 triệu tấn nhựa đang trôi nổi trên đại dương và mỗi năm số rác thải nhựa này tăng thêm khoảng 8 triệu tấn. Với thực tế này, châu Á cần khoảng 26 nghìn tỷ USD để cải thiện toàn bộ cơ sở hạ tầng từ năm 2016 đến năm 2030.
Đại diện cho ngành giấy, Công ty Lee & Man cho hay, hiện nay nhiều nhà máy giấy tại Việt Nam đang sử dụng giấy phế liệu là nguyên liệu đầu vào. Xu hướng chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành giấy là một “đòn bẩy” cho việc tăng cường sử dụng phế liệu giấy trong sản xuất. Hiện nay, nhiều nhà máy giấy đã đầu tư công nghệ hiện đại cho mô hình sản xuất giấy đã qua sử dụng.
Tuy nhiên, hiện ngành giấy còn gặp những khó khăn trong việc việc thu gom giấy tái chế trong nước, thậm chí tỉ lệ thu hồi giấy đã qua sử dụng thuộc loại thấp nhất khu vực, lực lượng thu gom giấy tái chế yếu, chưa có chính sách hỗ trợ đồng bộ khuyến khích việc thu hồi và tái chế giấy, chất thải giấy chưa được nhìn nhận như một nguyên liệu sản xuất thực sự...
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Ngày 17/4, tại Văn phòng Hiệp hội, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã có cuộc làm việc cùng ông Bob Zak, Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Hoa Kỳ (US BCSD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc xây dựng cơ sở dữ liệu các bên mua/ bán cũng như các đơn vị hỗ trợ trong lĩnh vực mua bán và hỗ trợ kỹ thuật nguyên liệu tái chế/ tái sử dụng ngành giấy, hỗ trợ hình thành thị trường nguyên liệu thứ cấp chính thức tại Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, TS. Đặng Văn Sơn cho biết, về bản chất ngành công nghiệp giấy là một ngành kinh tế tuần hoàn. Xuất phát điểm của giấy là từ gỗ (rừng trồng và phải có chứng chỉ FSC), sau đó sản xuất ra giấy, giấy được thu hồi và tái chế trở lại. Quá trình tái chế có thể diễn ra nhiều lần với các sản phẩm phù hợp với mục đích sử dụng và nhu cầu thị trường. Tái chế giấy không những tiết kiệm cho xã hội, bảo vệ môi trường còn giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định…
Hiện nay, Hiệp hội luôn có các chương trình truyền thông để thay đổi nhận thức, quan niệm về giấy nguyên liệu thứ cấp, cũng như đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao tỉ lệ giấy thu hồi, tái sử dụng giấy…
Do đó, Hiệp hội đánh giá cao Dự án “Xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp” của Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Hoa Kỳ (US BCSD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); hoàn toàn ủng hộ các chương trình của dự án thông qua cung cấp thông tin, dữ liệu, đánh giá về tái chế giấy.
Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng doanh nghiệp; nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh nhằm phát triển kinh tế bền vững, trước hết cần thay đổi quan niệm về phế liệu giấy. Không nên nghĩ phế liệu giấy là rác thải. Thay vào đó, cần coi đó nguyên liệu thứ cấp sử dụng cho sản xuất.
TS Đặng Văn Sơn nhấn mạnh, để thực hiện có hiệu quả phát triển nền kinh tế tuần hoàn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành; cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn về giấy thu hồi; Ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích thu gom, tái chế... đảm bảo sự đồng bộ từ phân loại rác tại nguồn, thu gom vận chuyển đến nhà máy.
“Nền kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 4,5 nghìn tỷ đô la cho doanh nghiệp, tạo ra hàng trăm triệu việc làm mới, giúp doanh nghiệp giảm thiểu bớt các rủi ro đến từ việc khan hiếm nguyên liệu và biến động giá tài nguyên cũng như tạo điều kiện để đón đầu chính sách, định hướng hoạt động của doanh nghiệp theo chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững của quốc gia” - ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch VBCSD.
Ban biên tập
Bài đăng trên ấn phẩm Công nghiệp giấy số 2 năm 2019

lên đầu trang