Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 12/05/2024 | 02:42

Chủ nhật, 12/05/2024 | 02:42

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:39 ngày 12/03/2020

TP Hồ Chí Minh phát triển khoa học - công nghệ: Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm

Các chương trình hoạt động của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) TP. Hồ Chí Minh sẽ chú trọng hướng liên kết các trường, viện với doanh nghiệp (DN), trong đó lấy DN làm trọng tâm phát triển. Các kết quả nghiên cứu ứng dụng phục vụ giải quyết các vấn đề nóng, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Góp phần giải quyết các vấn đề nóng
Theo báo cáo của Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh, số lượng nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN đang triển khai tại sở trong năm 2019 là 388 nhiệm vụ, triển khai mới 167 nhiệm vụ. 76% nhiệm vụ KH&CN tập trung hỗ trợ 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố góp phần giải quyết các vấn đề nóng của thành phố như giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc giao thông, đề án thành phố thông minh, phục vụ sức khỏe người dân và nghiên cứu chọn tạo các giống mới phục vụ nông nghiệp.

Các ứng dụng KH&CN tập trung hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu
Sở KH&CN đã tổ chức nghiệm thu 76 nhiệm vụ, trong đó có 37 nhiệm vụ phục vụ cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 7 chương trình đột phá (chiếm tỷ trọng 49%), 39 nhiệm vụ còn lại phục vụ cho lĩnh vực KH&CN tính toán và các lĩnh vực khác của thành phố (chiếm 51%). 100% các nhiệm vụ được ứng dụng vào thực tế.
Cụ thể như Công trình nghiên cứu “Hoàn thiện công nghệ nén ảnh DICOM của hệ thống PACS” để đảm bảo việc luân chuyển và lưu trữ dữ liệu trực tuyến được thực hiện trong thời gian dài tại bệnh viện, khắc phục hạn chế trong thực tiễn chuẩn đoán hình ảnh và hội chẩn y tế ở các bệnh viện tại Việt Nam. Hay như việc làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo bộ đèn LED cho hệ thống chiếu sáng công cộng công suất từ 100W- 200W cho các loại đường. Nghiên cứu này đã được chuyển giao sản phẩm trọn gói có huấn luyện sử dụng cho Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang để sản xuất thử nghiệm và phát triển chiến lược kinh doanh sau khi kiểm tra thử nghiệm thành công.
Ngoài ra, sở cũng chú trọng hoạt động phát triển tiềm lực KH&CN như: Xây dựng cơ sở dữ liệu, mạng lưới hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hỗ trợ 4 ngành công nghiệp trọng yếu thông qua việc số hóa, kết nối cơ sở dữ liệu 134 phòng thí nghiệm, 626 chuyên gia và 57 DN KH&CN lên Cổng thông tin Mạng liên kết Thông tin KH&CN TP. Hồ Chí Minh (stinet.gov.vn). Đã mở rộng phạm vi kết nối, chia sẻ thông tin KH&CN với 13 đơn vị mới, hệ thống đã liên kết dữ liệu của 27 đơn vị, cập nhật 146.307 tài liệu thư mục, trong đó có hơn 13.000 tài liệu toàn văn.
Đến nay, ngành KH&CN thành phố cũng đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị internet vạn vật (IoT) gateway tích hợp giải pháp bảo mật trên nền tảng IoT ứng dụng thí điểm quan trắc chất lượng không khí tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh; nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo ùn tắc giao thông dựa vào dữ liệu từ cộng đồng và phân tích dữ liệu lớn, lấy thông tin dữ liệu của người tham gia giao thông, từ đó phân tích đánh giá khả năng ùn tắc giao thông và cảnh báo tình hình giao thông các khu vực lân cận.
Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm
Theo ông Nguyễn Khắc Thanh - Phó giám đốc Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh, việc liên kết giữa các nhà nghiên cứu với DN đạt được những kết quả ấn tượng. Trong số các nhiệm vụ mới được triển khai trong năm 2019, có 24 nhiệm vụ có sự phối hợp của DN với kinh phí đầu tư từ DN là 23,42 tỷ đồng. Lấy DN làm trọng tâm phát triển, năm 2019, Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ các DN một cách hiệu quả. Cụ thể, đã có 614 dự án được hỗ trợ (đạt 102% kế hoạch 2019), tính theo lũy kế đến nay đã có 2.291 dự án khởi nghiệp được hỗ trợ. Chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SpeedUp) đã hỗ trợ 43/200 dự án tham gia với tổng kinh phí thực hiện khoảng 33 tỷ đồng. Nhiều dự án sau ươm tạo gọi vốn thành công với định giá tăng từ 1,5 đến 1,8 lần so với trước khi nhận được hỗ trợ như: Dự án Teamup, Dự án 689 Cloud...
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu KH&CN trong năm 2020, lấy DN làm trọng tâm, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu và thúc đẩy phát triển tiềm lực KH&CN, Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh liên tục triển khai các gói hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển KH&CN. Các ứng dụng tập trung phục vụ giải quyết các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, cơ khí, tự động hóa, vật liệu mới…
Theo đó, các DN, tổ chức KH-CN sẽ nhận được phần kinh phí phối hợp từ nguồn ngân sách thành phố tối đa đến 30% tổng kinh phí thực hiện. Ngoài ra, tổ chức chủ trì nhiệm vụ được xem xét giao quyền sở hữu không thu hồi phần kinh phí hỗ trợ hoặc giao quyền sử dụng phần tài sản thuộc về nhà nước. Các hoạt động sản xuất thử, thử nghiệm sản phẩm để hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường cùng với nghiên cứu chuyển giao công nghệ cũng có thể nhận được gói hỗ trợ này. Điều kiện tham gia các gói hỗ trợ này là đơn vị, DN phải có kinh phí đối ứng ít nhất đến 70% tổng kinh phí để thực hiện nhiệm vụ. Ưu tiên các nhiệm vụ có sự liên kết, phối hợp của một hoặc nhiều DN với một hoặc nhiều tổ chức KH&CN.
Các chương trình hoạt động của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) TP. Hồ Chí Minh sẽ chú trọng hướng liên kết các trường, viện với doanh nghiệp (DN), trong đó lấy DN làm trọng tâm phát triển. Các kết quả nghiên cứu ứng dụng phục vụ giải quyết các vấn đề nóng, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Thanh Thanh
lên đầu trang