Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 05:34

Chủ nhật, 05/05/2024 | 05:34

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:17 ngày 26/06/2014

Nghiên cứu sản xuất điện công nghệ sinh khối phù hợp với nhu cầu

Nhiệt được sản xuất từ sinh khối thường được tạo ra theo yêu cầu, nhưng việc sản xuất điện từ nguồn nguyên liệu này liên tục và lâu dài lại là vấn đề lớn. Một khi vấn đề này được giải quyết thì sẽ đem lại lợi ích rất lớn so với các nguồn điện tái tạo khác. Ngoài ra, điện sinh học cũng có thể được sản xuất tùy thuộc vào ứng dụng, ví dụ như để bù đắp cho những biến động về năng lượng gió và năng lượng mặt trời khi điều kiện thời tiết thay đổi ảnh hưởng đến sản lượng diện từ hai nguồn này.

Trung tâm nghiên cứu về sinh khối của Đức (DBFZ) đã có công trình nghiên cứu về chủ đề này mang tên "Sử dụng sinh khối để sản xuất năng lượng dựa trên nhu cầu". Nghiên cứu được tiến hành với sự hỗ trợ tài chính của Bộ Lương thực và Nông nghiệp liên bang (BMEL) thông qua Cơ quan quản lý các nguồn nguyên liệu tái tạo (FNR). Trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu ở DBFZ đã đưa ra các tùy chọn công nghệ hiện có, cũng như tích hợp mạng lưới điện được sản xuất theo nhu cầu vào các mạng lưới điện chung và đánh giá các kịch bản lựa chọn khác nhau.

Các nhà nghiên cứu đã đi sâu phân tích về tất cả các cách tiếp cận công nghệ có thể thương mại hóa, đưa ra các ưu điểm và nhược điểm cụ thể của mỗi cách tiếp cận. Đồng thời, các tiêu chuẩn đã được xác lập, được sử dụng để so sánh và đánh giá các công nghệ khác nhau. Việc lựa chọn công nghệ trong lĩnh vực chuyển đổi nhiệt hóa (ví dụ như các nhà máy điện hoạt động linh hoạt, có thể hoạt động theo công nghệ khí hóa hoặc công nghệ pin nhiên liệu...), hay trong sản xuất khí sinh học có tính đến dự trữ, cũng như trong lĩnh vực lọc dầu sinh học, tổng hợp nhiên liệu linh hoạt và hóa chất cơ bản khác… cũng được đưa vào nghiên cứu này. Nghiên cứu tổng quan về công nghệ lưu trữ điện và nhiệt cũng đã được tiến hành để đánh giá các công nghệ năng lượng sinh học linh hoạt tốt nhất. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những đánh giá về các thị trường và các khuôn khổ pháp lý có liên quan.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng điện từ sinh khối là một nguồn năng lượng linh hoạt sẵn có, có khả năng đáp ứng được yêu cầu và vấn đề kỹ thuật không quá khó khăn. Đặc biệt, những công nghệ dựa trên khí đốt, khí tổng hợp hoặc khí sinh học có thể được kết hợp để sử dụng linh hoạt và thay thế lẫn nhau tùy vào từng thời điển.

 Theo http://www.bulletins-electroniques.com

lên đầu trang