Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Chỉ thị 16/CT-BTTTT phát động Cuộc vận động ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số nhằm đẩy mạnh ứng dụng số trong mọi lĩnh vực, khởi tạo cuộc sống số, tạo ra những cơ hội mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chỉ thị nêu ra các nhiệm vụ trọng tâm của cuộc vận động là: Phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số tạo lập môi trường làm việc số để thiết lập, duy trì môi trường làm việc liên tục, mọi lúc, mọi nơi; phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số để cung cấp thông tin y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Bên cạnh đó, phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số hỗ trợ hoạt động giáo dục để đa dạng hóa hình thức giảng dạy, nâng cao giá trị học liệu thu hút mọi đối tượng, người dân tham gia, bảo đảm duy trì kế hoạch học tập trong mọi trường hợp; phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số hỗ trợ xây dựng cuộc sống số đáp ứng nhu cầu cuộc sống thường ngày của người dân tại nhà, duy trì hoạt động của các cơ sở cung ứng dịch vụ thiết yếu cho người dân.
Đồng thời, phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số hỗ trợ nhu cầu văn hóa, giải trí đáp ứng nhu cầu của người dân, nhu cầu giao lưu, tìm hiểu văn hóa Việt trên không gian mạng; phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số sử dụng phương tiện thanh toán trực tuyến, thanh toán qua tài khoản viễn thông di động, ngân hàng số để thúc đẩy thương mại điện tử, cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (ảnh minh họa)
Đặc biệt, phát triển các nền tảng hỗ trợ giao vận hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử, cho phép theo dõi quá trình giao vận, trạng thái vận chuyển hàng hóa và các nhu cầu vận chuyển đa dạng khác. Trước mắt, ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ hỗ trợ việc vận chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng qua các giao dịch thương mại điện tử.
Tiếp đó, phát triển các nền tảng, ứng dụng hỗ trợ nhà máy thông minh giúp chuyển đổi từ hệ thống sản xuất tự động hoá truyền thống sang hệ thống sản xuất số. Trước mắt, ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng hỗ trợ kiểm soát chất lượng, tự động hoá sản xuất thông qua việc kết hợp các công cụ như người máy, thiết bị bay không người lái và các cảm biến IoT.
Ngoài ra, phát triển các giải pháp, ứng dụng, dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, các giao dịch điện tử, xử lý thông tin sai sự thật (fake news). Nhiệm vụ cuối cùng là tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam để hình thành nên cộng đồng đông đảo thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên toàn cầu đặt ra thách thức rất lớn cho tất cả các quốc gia, có thể làm thay đổi thứ hạng và năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhưng thách thức luôn đi cùng cơ hội. Những quốc gia phản ứng chậm sẽ có rủi ro chịu nhiều thiệt hại. Những quốc gia thích ứng nhanh sẽ phục hồi sớm hơn và tạo được đà phát triển mới.
Dịch bệnh lây lan là do tiếp xúc. Đây là cơ hội xuất hiện trong tình huống khó khăn để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển dịch vụ công trực tuyến, y tế số, giáo dục số, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử và kinh tế số. Đây cũng là cơ hội hướng dẫn, từng bước phổ cập kỹ năng số cho đông đảo người dân, là lực lượng chính sử dụng các dịch vụ Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số trong tương lai.
Theo: Báo Công Thương