Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 08:55

Thứ sáu, 29/03/2024 | 08:55

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 15:55 ngày 03/04/2020

Góp phần tạo lập “cơ sở hạ tầng” cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng trong doanh nghiệp

Một trong những thành công nổi bật có thể kể đến của Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” là việc góp phần tạo lập “cơ sở hạ tầng” cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng trong phạm vi nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.
Nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của DN Việt Nam đến năm 2020”

Từng bước trang bị cơ sở hạ tầng cho hoạt động năng suất chất lượng

Kể từ Thập niên Chất lượng lần thứ Nhất (1996-2005), các hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng tại Việt Nam được hình thành. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam bắt đầu quan tâm tới vấn đề cải tiến năng suất chất lượng và đã có những bước tiến quan trọng trên chặng đường nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm, hàng hóa và hội nhập quốc tế.

Tiếp nối thành công của Thập niên Chất lượng lần thứ nhất, Thập niên Chất lượng lần thứ Hai với chủ đề “Năng suất Chất lượng - Chìa khóa phát triển và hội nhập” đặt ra với mục tiêu là tạo lập uy tín chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam”.

Thực hiện Thập niên Chất lượng lần thứ Hai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2010 phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của DN Việt Nam đến năm 2020”, đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng tại Việt Nam.

Một trong những thành công nổi bật có thể kể đến của Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của DN Việt Nam đến năm 2020” là việc góp phần tạo lập “cơ sở hạ tầng” cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng trong DN nói riêng và phạm vi nền kinh tế nói chung bao gồm hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cụ thể áp dụng trong DN, cụ thể:

Thứ nhất, Hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đã được bổ sung về số lượng TCVN và mức độ hài hòa với Tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực của nền kinh tế, yêu cầu quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn vệ sinh sức khỏe con người và môi trường (11.500 TCVN; tỷ lệ hài hòa khoảng 54%).

Thứ hai, Hệ thống quy chuẩn quốc gia (khoảng 780 QCVN) trở thành công cụ quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích DN và người tiêu dùng trước nguy cơ tiềm ẩn.

Thứ ba, Chương trình đã góp phần đào tạo trang bị những kiến thức và kỹ năng thực hành cho đội ngũ chuyên gia về năng suất chất lượng qua đó góp phần dần hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn, các tổ chức tư vấn về năng suất chất lượng có am hiểu sâu về các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng có khả năng hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ DN trong việc cải tiến hoạt động quản lý nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa;

Thứ tư, hình thành hệ thống tài liệu, giáo trình về các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng, và tài liệu tư vấn hỗ trợ dùng cho đào tạo huấn luyện, phổ biến tuyên truyền quảng bá kiến thức về năng suất chất lượng tại việt Nam.

Thứ năm, cơ sở dữ liệu về năng suất chất lượng đang từng bước được xây dựng, bổ sung cập nhật tạo cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng cho cho các DN Việt Nam trong việc tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu, nâng cao trình độ hiểu biết và khả năng triển khai áp dụng các biện pháp cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa trong thời gian tới.

Thứ sáu, phát triển mạng lưới tổ chức Đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH). Cụ thể, tính đến ngày 28/10/2019, đã có 750 tổ chức ĐGSPH đăng ký hoạt động ĐGSPH tại Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, trong đó đăng ký tại Bộ KHCN là 585 tổ chức ĐGSPH, đăng ký tại các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực là 165 tổ chức ĐGSPH. Các tổ chức ĐGSPH này đều có năng lực theo chuẩn mực quốc tế như ISO/IEC 17025, ISO/IEC 17065, ISO/IEC 17021, ISO/IEC 17020 tương ứng đối với từng loại hình tổ chức ĐGSPH...

Chuẩn bị cho “Giai đoạn Hành động” tiếp theo

Đánh giá chung gần 10 năm triển khai trên phạm vi toàn quốc, Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của DN Việt Nam đến năm 2020” đã đóng góp tích cực đưa sản phẩm, hàng hóa Việt Nam thay đổi một bước lớn về chất lượng. Nhiều DN đã được hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình.

Nhờ được hỗ trợ xây dựng, triển khai các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng, nhiều DN đã giảm thiểu các lãng phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng... góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, cải thiện hình ảnh, thương hiệu và tính cạnh tranh qua đó khẳng định chỗ đứng của các DN Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng của nền kinh tế.

Bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi các DN đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm toàn bộ các giai đoạn từ khâu thiết kế sản phẩm, cung ứng nguyên, phụ liệu, sản xuất, xuất khẩu và marketting đến đổi mới phương thức, mô hình quản trị sản xuất, kinh doanh; đổi mới cách tiếp cận đến các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng cho phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh sự nỗ lực của DN thì sự hỗ trợ của Nhà nước trong giai đoạn khởi đầu là hết sức cần thiết.

Theo các chuyên gia phân tích,việc triển khai Chương trình quốc gia năng suất chất lượng giai đoạn đến năm 2020 đã thực hiện nhiệm vụ bước đầu của Phong trào năng suất chất lượng của Việt Nam là nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức cho cộng đồng, DN, người tiêu dùng về năng suất và chất lượng.

Chương trình đã từng bước trang bị cơ sở hạ tầng cho hoạt động năng suất chất lượng, chuẩn bị cho “Giai đoạn Hành động” tiếp theo là đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng suất chất lượng của DN theo diện rộng, và tập trung vào nâng cao năng suất chất lượng cho các DN sản xuất, cung cấp các  sản phẩm, dịch vụ chủ lực/trọng điểm của nền kinh tế; nâng cao năng suất chất lượng ngành.

Anh Thư

lên đầu trang