Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 09/05/2024 | 01:50

Thứ năm, 09/05/2024 | 01:50

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:44 ngày 01/07/2014

Hải Dương: Xây dựng lộ trình sử dụng vật liệu xây không nung

Theo Chỉ thị số 11/2014/CT-UBND ngày 21/5/2014 của UBND tỉnh Hải Dương, Thời gian tới, các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Hải Dương phải tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN), hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung nhằm bảo vệ tài nguyên và môi trường.

 

Sử dụng gạch không nung là góp phần tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 3 doanh nghiệp sản xuất gạch không nung với các sản phẩm và công suất thiết kế như: Gạch bê tông xi măng - cốt liệu, công suất thiết kế 111,1 triệu viên QTC/năm; gạch bê tông khí chưng áp AAC công suất thiết kế 248,2 triệu viên QTC/năm; vữa cho bê tông nhẹ công suất thiết kế 60.000 tấn/năm, các sản phẩm nói trên đều đạt tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn Việt Nam. Ngoài ra có 2 doanh nghiệp đang triển khai dự án sản xuất VLXKN với công suất thiết kế 213,3 triệu viên QTC/năm.

Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng đến nay tình hình triển khai Chương trình phát triển VLXKN vẫn còn nhiều bất cập, VLXKN chưa được ứng dụng rộng rãi do nhiều nguyên nhân: Thói quen dùng gạch của các chủ đầu tư và người tiêu dùng, giá thành sản phẩm gạch không nung còn cao so với gạch đất sét nung, đội ngũ công nhân có tay nghề, sử dụng thành thạo các công cụ chuyên dùng khi thi công các sản phẩm VLXKN còn thiếu, các đơn vị sản xuất VLXKN chưa tiếp cận được các chính sách ưu đãi trong đầu tư phát triển, các nhà đầu tư chưa quan tâm đến việc sử dụng vật liệu mới trong công trình xây dựng, kể cả công trình sử dụng vốn ngân sách. Theo các chuyên gia, sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung truyền thống có nhiều ưu điểm như: có thể tận dụng phế thải công nghiệp làm nguyên liệu, tiết kiệm nhiên liệu, có khả năng cách âm, cách nhiệt, chịu nhiệt tốt, tiết kiệm thời gian thi công ... Tuy nhiên, dù có nhược điểm là tốn đất đai, nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường nhưng từ lâu người dân vẫn có thói quen sử dụng gạch đất nung truyền thống nên gạch không nung vẫn khó tiêu thụ. Vì vậy, tăng cường phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung là mục tiêu quan trọng nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững của ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

Để Chỉ thị 11 đạt hiệu quả, UBND tỉnh Hải Dương đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn. Vận động các nhà đầu tư và các đơn vị liên quan sử dụng VLXKN. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong giai đoạn đầu tư dự án sản xuất VLXKN trên địa bàn. 

Chỉ thị cũng nêu rõ các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước bắt buộc phải sử dụng VLXKN theo lộ trình: Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 50% VLXKN năm 2014, từ năm 2015 trở đi phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung. Các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 30% VLXKN kể từ năm 2014 đến hết năm 2015, từ năm 2016 phải sử dụng 100% gạch không nung. Các công trình xây dựng 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ năm 2014 phải sử dụng tối thiểu 30%, và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN loại nhẹ trong tổng vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây). Tỉnh Hải Dương cũng khuyến khích sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, không phân biệt khu vực đô thị, không phân biệt số tầng.

Theo Báo Công Thương

lên đầu trang