Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 18/05/2024 | 11:23

Thứ bảy, 18/05/2024 | 11:23

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 14:49 ngày 16/04/2020

Phát triển năng lượng bền vững: Công nghệ là yếu tố then chốt

Việc từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị; tránh phụ thuộc vào nhập khẩu; cũng như đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực năng lượng là rất cần thiết, khi nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao.    
Làm chủ công nghệ tiên tiến
Tiên phong nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), phải kể đến lĩnh vực năng lượng điện. Các doanh nghiệp (DN) đã luôn chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị thông qua nhập khẩu, làm chủ công nghệ mới, tiên tiến, của nước ngoài để phục vụ phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển - điều độ - thông tin - viễn thông điện lực trong nước. Trên cơ sở triển khai các nhiệm vụ KH&CN, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) đã làm chủ hoàn toàn công nghệ và chế tạo thành công máy biến áp truyền tải 110 - 500 kV cạnh tranh với các hãng nước ngoài, đồng thời giảm giá bán sản phẩm từ 15 - 20% so với trước đó.
Đồng bộ cơ giới hóa trong khai thác
Để giúp ngành điện chủ động trong việc cung cấp các máy biến áp và sản phẩm thiết bị điện, phục vụ chống quá tải cho lưới điện quốc gia, khắc phục nhanh sự cố… hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang sử dụng khoảng 835 máy biến áp các loại 110kV, 220kV, 500kV của EEMC, chiếm 43% số lượng máy biến áp trên hệ thống lưới điện truyền tải của EVN.
Việc Việt Nam thành công trong sản xuất máy biến áp ba pha nguồn dự phòng 500kV với công suất 467 MBA, đã được xếp vào 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu năm 2019 của ngành Công Thương. Thành tựu KH&CN này giúp Việt Nam làm chủ được công tác chế tạo, bảo dưỡng một trong những thiết bị chính của nhà máy thủy điện. Qua đó đảm bảo khả năng vận hành liên tụ, an toàn cho hai nhà máy Thủy điện Sơn La và Lai Châu nói riêng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nói chung.
Những điều này một lần nữa đã minh chứng cụ thể cho những nỗ lực của các DN, đơn vị nghiên cứu trong nước, cũng như vai trò quan trọng của KH&CN trong ngành năng lượng.
Đẩy mạnh phát triển công nghệ năng lượng
Theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trình độ KH&CN ngành điện hiện đã tiệm cận trình độ tiên tiến trong khu vực. Với ngành than, phần lớn các đơn vị hầm lò đã thực hiện đồng bộ thiết bị cơ giới hóa trong khai thác. Ngành dầu khí cũng đang ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất so với các ngành công nghiệp khác ở trong nước.
Tuy nhiên, để công nghệ năng lượng phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới cần có những giải pháp cụ thể, như: Đẩy mạnh liên kết giữa khu vực viện, trường với DN để nghiên cứu làm chủ, phát triển và chuyển giao công nghệ; đồng thời đào tạo đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này. Cùng với đó, cần có sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước, từ Trung ương tới địa phương, cũng như bạn bè quốc tế, để hỗ trợ DN tiếp cận và hấp thụ được những công nghệ tiên tiến.
Để tăng cường ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, trong Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, Bộ KH&CN đã xác định chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn; nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; cũng như nghiên cứu những giải pháp KH&CN, nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải, tiêu thụ năng lượng.
Song để quá trình này diễn ra mạnh mẽ hơn, nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn trên cơ sở đề xuất của các đơn vị; đồng thời có những chính sách hỗ trợ như, miễn giảm thuế nhập khẩu cho các dây chuyền công nghệ, thiết bị...
Thời gian qua, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các bài toán công nghệ của ngành năng lượng, trong đó có Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang