Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 08:16

Thứ bảy, 27/04/2024 | 08:16

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:07 ngày 27/07/2014

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành giấy

Để hạn chế tác hại về môi trường do sản xuất gây ra, nhiều doanh nghiệp ngành giấy đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới.

Nhiều DN sản xuất giấy đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường

So với nhiều ngành công nghiệp sản xuất khác, ngành giấy dễ gây tác động đến môi trường, bởi để sản xuất ra một tấn giấy thành phẩm, các nhà máy phải sử dụng khoảng 2 tấn gỗ, 100-500 m3nước, 100kg clo và các hợp chất... Đáng chú ý, trong quá trình tẩy trắng bột giấy, hợp chất clo sử dụng bao nhiêu sau quá trình phân hủy, tẩy trắng bột giấy thì lại thải ra bấy nhiêu. Đối với quá trình nấu bột giấy cũng luôn thải ra các hợp chất ở dạng lỏng chứa lưu huỳnh, cũng như khí SO2, H2S, sunfua... Những chất này gây độc hại lớn trong nguồn nước thải ra môi trường.

Trước nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ giấy tăng nhanh cũng như cần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.

Nhà máy Giấy Bãi Bằng là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu. Năm 2003, Nhà máy Giấy Bãi Bằng đã đầu tư công nghệ tiên tiến phục vụ xử lý chất thải. Gần 20.000 m3 nước thải mỗi ngày mà nhà máy thải ra, đều được thu gom và xử lý triệt để qua hệ thống xử lý tập trung theo cả hai phương pháp hóa học và sinh học. Chất lượng nước thải sau khi xử lý đạt yêu cầu bảo vệ môi trường.

Gần đây, Nhà máy Giấy Bãi Bằng tiếp tục đầu tư hệ thống xử lý nước thải vi sinh công suất thiết kế 30.000 m3/ngày đêm nhằm xử lý toàn bộ nước thải trong quá trình sản xuất. Nhờ vậy, toàn bộ lượng nước thải sản xuất, sinh hoạt sau xử lý đều đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường. Nguồn dịch đen thải ra trong công đoạn nấu và rửa bột giấy được tách ra để quay vòng trở lại và đưa vào thiết bị phản ứng theo công nghệ cô đốt để thu hồi hóa chất, từ đó sản xuất điện và hơi phục vụ sản xuất. Công đoạn này vừa giúp tiết kiệm hóa chất cho quá trình nấu bột giấy, vừa tiết kiệm điện khi chạy lại máy, đồng thời giảm đến 90% lượng khí mang mùi ra môi trường do không phải xả dịch đen mỗi khi vệ sinh bể.

Bên cạnh đó, Nhà máy cũng đang tiến hành đầu tư mới một lò hơi đốt rác để vừa xử lý triệt để nguồn chất thải rắn (vỏ cây, mùn cưa) phát sinh trong quá trình sản xuất, vừa sử dụng nguồn chất thải rắn này sản xuất hơi để tái phục vụ sản xuất.

Hướng tới nền sản xuất xanh

Hướng tới phát triển một nền sản xuất công nghiệp xanh tại Việt Nam, ngành giấy cũng đang nghiên cứu sản xuất bột giấy bằng công nghệ sinh học. Hiện tại, phương pháp nghiên cứu này đã được Công ty TNHH Viện Công nghiệp Giấy và Xenlulô (Tổng công ty Giấy Việt Nam) tiến hành một số thí nghiệm xử lý nguyên liệu bằng chế phẩm enzyme. Nguyên liệu dùng để nghiên cứu là bột giấy hóa - cơ chưa tẩy trắng từ gỗ keo lai được sản xuất tại xưởng thực nghiệm của công ty và rơm rạ, lúa nếp thu hoạch vào vụ mùa năm 2013.

Bà Lương Thị Hồng, Công ty TNHH Viện Công nghiệp giấy và Xenlulô cho biết, sản xuất bột giấy bằng công nghệ sinh học là quá trình sử dụng các loại vi sinh vật để xử lý nguyên liệu thực vật, phân hủy lignin, các chất vô cơ để thu được xơ sợi xenlulo. Các kết quả thí nghiệm mang tính thăm dò sơ bộ bước đầu nhưng đã cho tín hiệu khả quan cho việc ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất bột giấy, đặc biệt là từ nguyên liệu phi gỗ.

Theo ông Nguyễn Đình Hậu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ, sản xuất bột giấy bằng công nghệ sinh học là xu thế tất yếu. Sản xuất bột giấy bằng phương pháp sinh học sẽ góp phần đưa Việt Nam hướng tới một nền sản xuất công nghiệp xanh tại Việt Nam.

Những lợi ích cả về mặt kinh tế và môi trường khi sản xuất bột giấy bằng phương pháp sinh học được nhiều chuyên gia chỉ rõ. Tuy nhiên, do công nghệ sản xuất này hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam nên để có thể chuyển giao thành công công nghệ này thì rất cần có sự  đầu tư của nhà nước cho các nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ này và tiến hành sản xuất thử nghiệm.

Theo VEN

lên đầu trang