Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 07/05/2024 | 19:06

Thứ ba, 07/05/2024 | 19:06

Chính sách

Cập nhật lúc 07:39 ngày 12/05/2020

Thương mại hóa kết quả nghiên cứu: Lợi ích lớn

Việc phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong đề xuất đặt hàng, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) đã tận dụng được khả năng, thế mạnh của các bên trong nghiên cứu, ứng dụng KH&CN.    
Điển hình trong công tác phối hợp hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phải kể đến Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI) - doanh nghiệp (DN) KH&CN thuộc Bộ Công Thương. Tại đây, việc xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ thường xuyên được IMI phối hợp với DN trong ngành phân bón thực hiện. IMI đã đề xuất xây dựng các nhiệm vụ nghiên cứu nâng cao khả năng tự động hóa cho dây chuyền sản xuất phân bón, chế tạo thiết bị đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cụ thể, nghiên cứu, thiết kế chế tạo thành công hệ thống cân kiểm tra trọng lượng bao phân bón tự động; hệ thống cân đóng bao lân nung chảy miệng hở không phát tán bụi… đang hoạt động có hiệu quả tại nhiều công ty sản xuất phân bón trong cả nước.
Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học - công nghệ giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp
IMI cũng phối hợp với các công ty trong lĩnh vực chế tạo máy, thiết bị xây dựng và công nghiệp nghiên cứu làm chủ công nghệ, thiết kế, chế tạo nhóm các sản phẩm trạm trộn bê tông tự động các loại có năng suất từ 30m3/h - 250m3/h. Nhóm sản phẩm này được hình thành qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, được hoàn thiện qua các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN cấp Bộ, sau đó được IMI thử nghiệm, chế tạo thành công và tiến hành chuyển giao công nghệ toàn diện cho các công ty trong lĩnh vực chế tạo máy, thiết bị xây dựng và công nghiệp đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm.
Một ví dụ khác, thông qua hỗ trợ của Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, KH&CN” (FIRST), nhóm hợp tác gồm 7 thành viên là các DN, viện nghiên cứu, nhà khoa học, do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước là thành viên đứng đầu, thực hiện tiểu dự án “Làm chủ công nghệ trồng và chế biến tơ sợi chất lượng cao từ cây gai xanh phục vụ sợi cho ngành dệt may với công suất 2.500 tấn/năm”. Qua đó, đã nghiên cứu, làm chủ công nghệ trong chuỗi liên kết khép kín từ khâu giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, tách, xử lý sợi cây gai xanh, góp phần đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu của ngành dệt may và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm từ cây gai xanh.
Từ những minh chứng thực tế cho thấy, việc xây dựng, triển khai nhiệm vụ KH&CN cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nghiên cứu và DN. Việc phối hợp này giúp các kết quả nghiên cứu đáp ứng nhu cầu thực tế sản xuất, kinh doanh; phù hợp với điều kiện hiện tại của DN như kinh phí đầu tư, sự đồng bộ trong tổng thể dây chuyền sản xuất, nguồn nhân lực…
Bên cạnh đó, đảm bảo nội dung thực hiện phù hợp với năng lực của đơn vị nghiên cứu, cũng như tập trung nguồn lực nghiên cứu, tìm hiểu, lựa chọn công nghệ, thiết kế, xây dựng quy trình hoạt động của sản phẩm…
Nhằm tăng cường phối hợp trong chỉ đạo, quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN, Bộ KH&CN và Bộ Công Thương đã ký kết triển khai chương trình phối hợp hoạt động về KH&CN giai đoạn 2017 – 2020; trong đó có nội dung đẩy mạnh sự tham gia của DN, sự liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và DN trong đề xuất thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN ngành Công Thương giai đoạn 2011- 2020. Được ký kết từ ngày 9/2/2017, chương trình phối hợp giữa 2 Bộ tập trung xây dựng đề xuất thực hiện 3 -5 cụm nhiệm vụ/dự án KH&CN có quy mô lớn, giải quyết đồng bộ về KH&CN phục vụ ngành công nghiệp.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ KH&CN năm 2020 và các năm tiếp theo là thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và DN, để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Theo: Báo Công thương
lên đầu trang