Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 20:17

Thứ năm, 02/05/2024 | 20:17

Chính sách

Cập nhật lúc 06:47 ngày 16/05/2020

Hiện thực hóa yêu cầu về Chính phủ điện tử

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước cũng như công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC)… theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt.
Tăng cường dịch vụ công trực tuyến
Để từng bước hiện thực hóa các yêu cầu về Chính phủ điện tử, ngay trong tháng 12/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã phê duyệt Kế hoạch Cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Bộ giai đoạn 2019-2020, thuộc các lĩnh vực: An toàn công nghiệp; an toàn thực phẩm; khoa học và công nghệ (KH&CN); quản lý cạnh tranh; thương mại quốc tế; xuất nhập khẩu (XNK); công nghiệp… Các nội dung thuộc kế hoạch này trong năm 2020 đang được Bộ Công Thương triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Bộ Công Thương cung cấp 206 DVCTT ở mức độ 3 và 4 tại địa chỉ https://dichvucong.moit.gov.vn
Các TTHC thuộc Bộ Công Thương quản lý, thực hiện, đã được công bố đầy đủ trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Tính đến cuối tháng 4/2020, tất cả 292 TTHC cấp trung ương do Bộ Công Thương quản lý đã triển khai theo hình thức DVCTT từ mức độ 2 trở lên. Bộ Công Thương đã cung cấp 206 DVCTT ở mức độ 3 và 4 tại địa chỉ https://dichvucong.moit.gov.vn; trong đó, có 131 DVCTT ở mức độ 3 và 4 (gồm 62 DVCTT mức độ 4) với 124.641 hồ sơ đã được kết nối đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ Công Thương cũng đã kết nối kỹ thuật thành công 2 nhóm DVCTT với Cổng Dịch vụ công quốc gia, gồm: “cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi; đăng ký hoạt động khuyến mại”. Đây là 2 nhóm thủ tục có số lượng hồ sơ trực tuyến lớn nhất thuộc Bộ Công Thương. Theo Kế hoạch cung cấp DVCTT giai đoạn 2019-2020, Bộ Công Thương đang tổ chức triển khai xây dựng mới 38 DVCTT thuộc lĩnh vực XNK và công nghiệp nặng để đưa vào thực hiện.
Hiện tại, Bộ Công Thương cũng đang triển khai, xây dựng báo cáo tổng kết cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2011-2020 và xây dựng chương trình tổng thể CCHC của Bộ giai đoạn 2021-2030 để báo cáo Chính phủ, phục vụ tổng kết Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Đẩy mạnh cơ chế một cửa
Song song với cung cấp DVCTT, để thực hiện hiệu quả hơn Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, Bộ Công Thương đã kết nối 11 DVCTT với việc: Cấp giấy phép XNK vật liệu nổ công nghiệp; cấp giấy phép nhập khẩu (NK) các chất làm suy giảm tầng ô-zôn; cấp giấy phép NK tự động mô tô phân khối lớn; cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D; cấp giấy phép NK, xuất khẩu (XK) kim cương thô; khai báo hóa chất; thủ tục cấp giấy phép XNK tiền chất thuốc nổ; thủ tục cấp giấy phép NK (XK) tiền chất công nghiệp… thủ tục NK thuốc lá nhằm mục đích thương mại; thủ tục đề nghị cấp văn bản chấp thuận tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN; thủ tục thông báo chỉ tiêu NK nguyên liệu thuốc lá, giấy cuốn điếu thuốc lá. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các TTHC, Bộ Công Thương đã triển khai nâng cấp Cổng Dịch vụ công của Bộ và tích hợp, trao đổi dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia từ cuối năm 2019, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp với chất lượng tốt, ổn định. Đến nay, Bộ Công Thương đã hoàn thiện và vận hành hệ thống một cửa điện tử, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại Quyết định 28/2018/QĐ-TTg, về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và tính kết nối, liên thông, đến nay Bộ Công Thương đã triển khai hệ thống văn bản điện tử (iMOIT) đồng bộ, toàn diện tại 30/30 đơn vị thuộc Bộ, tạo ra công cụ, môi trường làm việc thường xuyên của cán bộ, công chức. Đồng thời, tích hợp chữ ký số của cá nhân và đơn vị, thực hiện thí điểm không gửi văn bản giấy đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Văn phòng Chính phủ. Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã ghi nhận Bộ Công Thương là một trong số ít các đơn vị đứng đầu về triển khai Quyết định 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Để hiện thực hóa Chính phủ điện tử, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và sử dụng eCabinet (phần mềm họp không giấy tờ), thể hiện quyết tâm CCHC và là một bước tiến lớn hiện thực hóa Chính phủ phi giấy tờ. Bên cạnh đó, ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử thuộc Bộ phiên bản 1 và đang cập nhật phiên bản 2 trên cơ sở các yêu cầu đặt ra tại Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang