Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 11:06

Thứ sáu, 26/04/2024 | 11:06

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 14:16 ngày 29/05/2020

Phát triển nguồn gen vi sinh vật tạo nền tảng phát triển công nghệ sinh học tại Việt Nam

Với mục tiêu duy trì và phát triển nguồn gen vi sinh vật hiện có nhằm tạo cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ sinh học của đất nước, năm 2019, ThS. Nguyễn Thanh Thủy và các cộng sự tại Viện Công nghiệp thực phẩm đã thực hiện nhiệm vụ “Thu thập và đánh giá nguồn gen vi sinh vật công nghiệp thực phẩm”
Sáng ngày 27 tháng 5 năm 2020, Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ kể trên.
Buổi nghiệm thu có sự tham dự của ông Nguyễn Việt Tấn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia là thành viên hội đồng nghiệm thu, đại diện lãnh đạo đơn vị chủ trì cùng nhóm thực hiện nhiệm vụ. 
Phát biểu tại buổi nghiệm thu, ông Nguyễn Việt Tấn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ ghi nhận những cố gắng của đơn vị chủ trì cùng các chủ nhiệm, thành viên thực hiện trong việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Đồng thời, Phó Vụ trưởng Nguyễn Việt Tấn đề nghị đơn vị chủ trì cần trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được Bộ Công Thương giao để Bộ Công Thương kịp thời có những hỗ trợ và giải pháp xử lý hợp lý, cần thiết, tạo điều kiện để các nhiệm vụ được hoàn thành với kết quả cao nhất. 
 
Ông Nguyễn Việt Tấn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại buổi nghiệm thu
Báo cáo tại buổi nghiệm thu, ThS. Nguyễn Thanh Thủy - Chủ nhiệm đề tài cho biết, hiện tại, Viện Công nghiệp Thực phẩm đang bảo tồn và lưu giữ một nguồn gen quan trọng cho công nghiệp thực phẩm với 1685 chủng vi sinh vật (số liệu 2018) có các ứng dụng khác nhau từ lên men rượu, bia, cồn, bánh mỳ, sản xuất axit lactic, axetic, chuyển hóa chất thơm, lipid, sinh kháng sinh, enzyme cho tới các ứng dụng trong bảo vệ môi trường, thức ăn gia súc, diệt trừ sâu bệnh.
Thực hiện nhiệm vụ được Bộ Công Thương giao, trong năm 2019, nhóm đã thu thập được 178 chủng vi sinh vật, trong đó đã phân lập 85 chủng nấm men chịu mặn sinh lipase và sinh protease, 73 chủng nấm mốc từ bánh men phục vụ lên men rượu gạo cùng với 20 chủng vi khuẩn để phục vụ ứng dụng sản xuất probiotics.
 
ThS. Nguyễn Thanh Thủy thay mặt nhóm thực hiện đề tài báo cáo tại buổi nghiệm thu.
Việc lưu giữ nguồn gen sẽ trở nên vô nghĩa nếu không được nghiên cứu và đánh giá. Những gen vi sinh vật được chọn lọc sẽ trở thành vật liệu tạo ra những gen mới với ứng dụng mới hoặc hoàn hảo hơn. Vì vậy, đối với nội dung đánh giá nguồn gen, trong khuôn khổ đề tài, nhóm nghiên cứu đã đánh giá được sơ bộ khả năng công nghệ và đánh giá chi tiết đặc tính của hàng chục chủng nấm men, nấm mốc và vi khuẩn.
"Chúng tôi đã đánh giá được 85 chủng nấm men chịu mặn bằng hình thái khuẩn lạc, PCR fingerprinting và định tên 11 chủng bằng giải trình tự rDNA. Bên cạnh đó, đánh giá khả năng sinh enzyme amylase với cơ chất là tinh bột của 73 chủng mốc bánh men cũng như khả năng thủy phân tinh bột của 25 chủng thuộc nhóm mốc khi có đường. Khả năng làm tan máu và kiểu hình lên men của 20 chủng vi khuẩn lactic cũng đã được chúng tôi thực hiện đánh giá đầy đủ và chi tiết", ThS. Nguyễn Thanh Thủy cho biết. 

Việc phát triển cơ sở dữ liệu là một trong những công việc được quan tâm đặc biệt nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu cũng như quảng bá. Nội dung thông tin của nguồn gen thường bao gồm: nguồn gốc, phương pháp lưu giữ, trình tự DNA, trình tự axit amin, đặc tính sinh học, ứng dụng, tài liệu liên quan, bản quyền...
Hình ảnh các mẫu phân lập.
Hình ảnh khuẩn lạc và tế bào của các loài đã định tên: Candida sorbosivorans, Hyphopichia burtonii, Candida oceani, Candida etchellsii, Hortaea werneckii, Yamadazyma triangularis. 
ThS. Nguyễn Thanh Thủy cho biết, đối với nội dung xây dựng cơ sở dữ liệu, trong năm 2019, trong nỗ lực thiết lập cơ sở dữ liệu chủng giống đang lưu giữ tại Viện Công nghiệp thực phẩm với các đặc thù cho từng nhóm vi sinh vật, nhóm đã bổ sung cơ sở dữ liệu cho 60 chủng, bao gồm 20 chủng vi khuẩn, 20 chủng nấm mốc từ bánh men và 20 chủng nấm men (6 chủng thuộc 2 loài mới Moniliella; 1 chủng loài mới Yamadazyma vietnamensis; 13 chủng chịu muối). 
Cũng trong sáng ngày 27 tháng 5, Bộ Công Thương tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ "Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vi sinh vật công nghiệp thực phẩm" do PGS. TS Vũ Nguyên Thành - Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm làm chủ nhiệm. Triển khai nhiệm vụ, nhóm thực hiện đã bảo tồn an toàn 1.510 chủng giống trong sưu tập, trong đó duy trì bảo quản L-drying 1036 chủng, duy trì bảo quản trong ni tơ lỏng 1.059 chủng, bảo quản lạnh sâu 118 chủng và bảo quản cát 262 chủng. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành kiểm tra sức sống của 116 chủng (40 chủng nấm men, 45 chủng nấm mốc, 33 chủng vi khuẩn, kiểm tra phân loại của 24 chủng nấm men) và kiểm tra hoạt lực của 43 chủng (20 chủng nấm men, 16 chủng nấm mốc, 7 chủng vi khuẩn).
Trong công nghệ sinh học, ứng dụng vi sinh vật chiếm tỷ trọng lớn nhất. Các ứng dụng của vi sinh vật bao gồm: sản xuất enzyme, thực phẩm chức năng, thực phẩm lên men, vaccine tái tổ hợp, dược phẩm, mỹ phẩm, thuốc trừ sâu, hóa chất, công nghệ khai khoáng, bảo vệ môi trường. Ứng dụng rộng rãi của vi sinh vật xuất phát từ tính đa dạng vốn có của vi sinh vật. Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới và có một hệ vi sinh vật vô cùng phong phú. Nền văn hóa và kỹ nghệ lên men lâu đời đã góp phần sàng lọc những vi sinh vật tiềm năng cho công nghệ sinh học.
Vụ Khoa học và Công nghệ

lên đầu trang