Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 08/10/2024 | 11:34

Thứ ba, 08/10/2024 | 11:34

Chính sách

Cập nhật lúc 08:46 ngày 01/08/2014

Phát triển tiềm lực khoa học công nghệ biển

Hoạt động khoa học công nghệ biển (KHCNB) ở nước ta đã đạt được một số thành tựu và có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Tuy nhiên, tiềm lực KHCNB Việt Nam so với các nước trong khu vực còn rất khiêm tốn, nguyên nhân do hoạt động KHCNB còn mỏng về lực lượng, trang thiết bị... cho nên chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.

PGS. TS Trần Ðức Thạnh, Viện Tài nguyên và Môi trường biển cho biết: Những năm qua, hoạt động KHCNB với nhiều nhiệm vụ đã được triển khai trong các chương trình trọng điểm, các đề tài độc lập cấp Nhà nước, đề tài của các bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Thông qua các kết quả nghiên cứu, ứng dụng đã có đóng góp tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội, phòng tránh thiên tai, bảo vệ tài nguyên và môi trường, qua đó góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.

Khảo sát, đánh giá đa dạng sinh học ở rạn san hô thuộc biển Quảng Ninh

Hiện nay chúng ta đã tạo dựng được hệ thống số liệu về điều kiện tự nhiên như địa hình, địa mạo, địa chất, khí tượng, hải văn, các hệ sinh thái và sinh vật biển đảo. Ðánh giá, dự báo triển vọng và định hướng tìm kiếm khoáng sản biển, nhất là dầu mỏ, khí đốt và hydrate; năng lượng biển (nhiệt độ, gió, thủy triều và sinh khối); tiềm năng sử dụng nước và đất ngập mặn ven bờ. Xây dựng được hệ thống sinh thái biển, vùng bờ biển và hải đảo với hơn 12 nghìn loài, phân bố của các khu hệ sinh thái, những đặc trưng cơ bản về đa dạng sinh học và một số quá trình sinh học, năng suất sinh học các vùng biển... Xây dựng hệ thống phân tích đánh giá môi trường như xây dựng các thông số kỹ thuật, các quy trình giám sát và quan trắc môi trường; ứng phó tràn dầu trên biển; cung cấp cơ sở cho soạn thảo và ban hành các kế hoạch chiến lược, các quy chuẩn quốc gia về tài nguyên môi trường biển...

Các nhà khoa học của Việt Nam còn tham gia trong hợp tác quốc tế nghiên cứu biển dưới các hình thức song phương, đa phương, các chương trình quốc tế, các nhiệm vụ nghị định thư nhà nước; hợp tác nghiên cứu được ký kết giữa cấp viện và trường đại học với nhiều hình thức hợp tác khá đa dạng và phong phú. Ðồng thời, tham gia với các tổ chức và mạng lưới nghiên cứu quốc tế như ủy ban Hải Dương học Liên chính phủ (IOC); Hội Khoa học Thái Bình Dương, Tiểu ban Môi trường biển Ðông - Nam Á... với nhiều chuyến khảo sát được thực hiện ở vùng biển Việt Nam và Biển Ðông. Thông qua các chương trình hợp tác này, trình độ cán bộ của nước ta đã được nâng lên rõ rệt, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu lý luận, phương pháp, kỹ thuật hiện đại trong nghiên cứu KHCNB...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay chất lượng nghiên cứu KHCNB chưa đồng đều và tính ứng dụng chưa cao. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên, là do chúng ta chậm có chiến lược phát triển KHCNB dẫn đến hạn chế tầm cỡ, quy mô, trọng tâm, tính liên tục, tính kế thừa của các nhiệm vụ nghiên cứu, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và tiềm lực phát triển KHCNB thời gian qua. Ðội ngũ cán bộ khoa học biển tuy đã được hình thành, nhưng chưa hoàn chỉnh về cơ cấu chuyên môn, hạn chế về cả số lượng và chất lượng, nhất là thiếu các chuyên gia có trình độ cao do hầu hết cán bộ từ đầu không được đào tạo về KHCNB. Cơ sở hạ tầng còn yếu, phương tiện, trang thiết bị phần lớn lạc hậu, cũ kỹ; thiếu nền tảng tài liệu quan trắc, điều tra cơ bản và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Ðầu tư kinh phí hạn chế, nguồn vốn chủ yếu vẫn là từ nguồn ngân sách nhà nước; chính sách khuyến khích, hỗ trợ cán bộ KHCNB, nhất là chế độ ưu đãi nhằm thu hút cán bộ nghiên cứu trẻ về công tác trong lĩnh vực này...

Theo PGS,TS Trần Ðức Thạnh, để KHCNB trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo tồn tự nhiên, ngăn ngừa và phòng chống thiên tai, qua đó góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Trước hết, việc định hướng xây dựng chiến lược KHCNB theo hướng tiếp cận công nghệ cao, hiện đại, trong đó ưu tiên nghiên cứu ứng dụng cho các vùng biển sâu, biển xa và định khung cho các hoạt động hợp tác quốc tế trên biển. Hoạt động KHCNB cần có những chính sách ưu tiên đặc biệt, nhất là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách sử dụng nguồn nhân lực, ưu đãi và trọng dụng cán bộ khoa học trẻ. Ðổi mới chính sách đầu tư, cơ chế tài chính, cơ chế xã hội hóa nguồn tài chính trong đầu tư nghiên cứu triển khai, ứng dụng công nghệ ở các địa phương, các tập đoàn, cơ sở sản xuất tham gia trong hoạt động KHCNB...

Tiếp tục đầu tư xây dựng một số viện, trung tâm nghiên cứu biển mạnh xứng tầm quốc gia và khu vực có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, khả năng giải quyết các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong tình hình đột xuất. Ðồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm, tiếp cận các phương pháp, thiết bị nghiên cứu hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả nghiên cứu, đào tạo cán bộ trẻ và cán bộ có trình độ cao. Phối hợp các nước cùng nhau giải quyết những vấn đề xuyên lãnh hải và những quan tâm chung về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, bảo tồn biển... để phục vụ cho phát triển bền vững, hòa nhập, phát triển hữu nghị, thân thiện, cũng như thực hiện trách nhiệm thực thi các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia liên quan đến biển...

 

Theo Báo Nhân dân

lên đầu trang