Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 09:29

Thứ năm, 02/05/2024 | 09:29

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:37 ngày 12/06/2020

Chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ

Do dịch Covid – 19, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn. Đây cũng là tiền đề cho doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vươn lên, phát triển các dịch vụ, giải pháp nội địa.  
Nỗ lực tạo ra sản phẩm Việt
Tạo ra sản phẩm công nghệ Việt, do người Việt sản xuất, là cơ hội và động lực phát triển của Việt Nam trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hưởng ứng thông điệp “Make in Vietnam”, nhiều doanh nghiệp đã coi việc làm ra sản phẩm Việt như một sứ mệnh cần thực hiện. Điển hình việc ra đời nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode, do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) xây dựng, được coi là một trong những viên gạch ban đầu xây dựng nền tảng số của Việt Nam.
Lễ ra mắt nền tảng mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode)
Nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode có khả năng “số hóa”, định vị chính xác vị trí địa chỉ của khách hàng sẽ góp phần mang lại sự thành công cho tổ chức, doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực, dịch vụ luôn cần tìm đến khách hàng. Đây là lời giải cho bài toán tối ưu hóa việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa từ người gửi đến người nhận của các doanh nghiệp bưu chính, vận tải, logistics, thương mại điện tử; nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hay, sự ra đời của zavi - nền tảng hội nghị trực tuyến đầu tiên do đội ngũ kỹ sư Việt Nam phát triển và làm chủ công nghệ, là minh chứng cho sự nỗ lực và tiến bộ nhanh chóng của đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam. Chỉ trong ba tuần, đội ngũ kỹ sư của zavi có thể phát triển và làm chủ công nghệ hội nghị trực tuyến có độ khó rất cao. Zavi được đánh giá là nền tảng có tính bảo mật tốt và dùng băng thông trong nước, có thể hỗ trợ cuộc họp lên đến 100 người, trong thời gian liên tục 24 giờ với thao tác đơn giản, dễ sử dụng.
Thúc đẩy sáng tạo công nghệ
Với sự đoàn kết, nhất trí, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tạo ra nhiều dịch vụ, sản phẩm “Make in Vietnam” đạt chuẩn quốc tế, đóng góp vào sự nghiệp tự chủ công nghệ, giảm phụ thuộc các nền tảng nước ngoài, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, để tạo ra làn sóng nghiên cứu, phát triển công nghệ Việt Nam, sự ủng hộ của khách hàng trong nước sẽ giúp các doanh nghiệp công nghệ số mau chóng chiếm lĩnh thị trường, tạo nền tảng hoàn thiện, củng cố, phát triển sản phẩm, tiến tới vươn ra thị trường quốc tế.
Theo đề xuất của nhiều doanh nghiệp, Nhà nước cần có lộ trình, chiến lược để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trở thành trụ cột nền kinh tế quốc dân; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy tạo môi trường cho phép đầu tư nghiên cứu phát triển nhiều hơn; cơ chế trả lương cạnh tranh cho đội ngũ nghiên cứu phát triển. Các sản phẩm của doanh nghiệp công nghệ cao trong nước có chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại cần được hỗ trợ xây dựng hàng rào phi thuế quan, hạn chế hàng nhập khẩu.
Song song với đó, cần đẩy mạnh truyền thông giúp người tiêu dùng hiểu đúng về khả năng phát triển sản phẩm công nghệ trong nước. Bản thân doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng tới chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế, vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước, vừa nâng cao sức cạnh tranh, xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), mặc dù dịch Covid -19 gây ra nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng đang mở ra cơ hội vàng cho chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam và trên thế giới. VINASA và các doanh nghiệp hội viên sẽ nỗ lực hết sức để tận dụng cơ hội, vượt qua các khó khăn, thách thức, góp phần tích cực vào công cuộc chống dịch, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước.
Sự chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang tạo ra các sản phẩm Việt Nam; làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ… là bước chuyển cần thiết và đáng ghi nhận trong thời điểm hiện nay.
Nguồn: Báo Công Thương 
lên đầu trang