Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 17/05/2024 | 07:58

Thứ sáu, 17/05/2024 | 07:58

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 09:14 ngày 07/08/2014

Hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng của ngành Than – Khoáng sản

Cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế quốc dân, ngành năng lượng đã có bước phát triển nhanh, về cơ bản đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội. Để thúc đẩy năng suất, chất lượng, các doanh nghiệp của ngành sản xuất Than (khai thác, tuyển chọn) hiện cũng đang trong quá trình triển khai áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến ở các mức độ khác nhau.

Thực trạng sản xuất của ngành Than

Lĩnh vực sản xuất than đã có trên 170 năm lịch sử khai thác, là lĩnh vực sản xuất năng lượng quan trọng được tập trung chủ yếu tại khu vực phía Bắc. Mục tiêu phấn đấu của toàn ngành là tăng nhanh sản lượng khai thác than, dự tính đến năm 2020 đạt 66-70 triệu tấn thương phẩm, đến năm 2030 đạt trên 75 triệu tấn, trong đó bể than Sông Hồng khoảng trên 10 triệu tấn than thương phẩm...

Trong cân bằng năng lượng hiện nay của nền kinh tế, ngành Than đã dần khẳng định được vai trò và vị trí xứng đáng của mình. Tỷ trọng của than trong cân bằng năng lượng đang tăng lên. Đặc biệt, trong tổng sơ đồ phát triển hiện nay của ngành điện, các dự án nhiệt điện chạy than đã và đang được quy hoạch phát triển với quy mô tương đối lớn.

Nhờ có cơ chế phát triển mới được hình thành, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam - Vinacomin đã tăng được sản lượng khai thác than, đáp ứng đủ than cho nền kinh tế, đã xuất khẩu được một lượng lớn than ra thị trường thế giới, tạo ra nguồn thu bù đắp cho việc bình ổn giá than trên thị trường trong nước, và để đầu tư mua sắm trang thiết bị cần thiết. Ngoài việc cung cấp đủ than cho các ngành kinh tế, Vinacomin đã chủ động tạo ra thị trường nội địa cho chính sản phẩm than của mình bằng việc phát triển các dự án nhiệt điện chạy than có chất lượng thấp.

Cùng với việc tham gia phát triển các dự án nhiệt điện chạy than, Vinacomin đã đi đầu trong việc đổi mới kỹ thuật phát điện theo công nghệ "than sạch" bằng lò hơi "tầng sôi tuần hoàn". Việc lần đầu tiên ở Việt Nam, công nghệ "lò hơi tầng sôi tuần hoàn" do Vinacomin đầu tư có ý nghĩa không những về mặt áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, mà còn có giá trị mở ra một triển vọng lớn cho việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên than có hạn trong cân bằng năng lượng của đất nước.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành Than đang đứng trước nguy cơ không thể thực hiện được nhiệm vụ chính của mình là đảm bảo các cân đối lớn về than của Chính phủ. Sau 15 năm phát triển, từ chỗ đã và đang khai thác dư thừa than để xuất khẩu, Vinacomin đang đối mặt với một thực tế là sẽ không cấp đủ than cho nền kinh tế. Tình trạng kỹ thuật ở các mỏ than lộ thiên và hầm lò hiện nay đều  không có bãi thải được thiết kế và được phê duyệt theo đúng qui định. Bãi thải đất đá là một thành phần hữu cơ của mỏ lộ thiên, bắt buộc phải được thiết kế và tổ chức quản lý như khai trường. Các bãi thải đất đá của các mỏ lộ thiên (do không có thiết kế và không được quy hoạch một cách bài bản) đang là kẽ hở cho việc gian lận không kiểm soát được khối lượng đất đá bốc và chi phí khai thác than. Chính việc đổ thải không có qui hoạch này là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng môi trường vùng than bị phá huỷ nghiêm trọng không thể phục hồi được như hiện nay. Các hiện tượng chập tầng, tụt lở bờ mỏ (cả bờ trụ lẫn bờ vách), mặt tầng công tác bị thu hẹp... như hiện nay đối với nghề khai thác mỏ là nghiêm trọng, rất ít khi xảy ra trong thời bao cấp.

Trong công nghệ khai thác hầm lò, do chạy theo sản lượng, hầu hết các mỏ hầm lò đã tổ chức khai thác cả các lộ vỉa bằng các công nghệ lộ thiên. Việc khai thác các tầng than và bốc đi các lớp đất đá đầu lộ vỉa đã tạo ra các khu vực nhân tạo chứa nước mưa ngay trên các khu vực đang khai thác hầm lò. Hậu quả không thể khắc phục được hiện nay là hầu hết các lò chợ của mỏ hầm lò không chỉ thường xuyên có nguy cơ bị bục nước, và còn thường xuyên có nguy cơ bị sập lò do nằm trong vùng chịu "áp lực mỏ phần nông".

Tóm lại, vấn đề quản lý an toàn, sức khoẻ và môi trường trong sản xuất than đang là một điểm nóng cần được quản lý, cải thiện bằng những biện pháp mạnh và có hiệu quả mang tính dài hạn.

Thực trạng áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến NSCL

Tại các cơ quan quản lý

Cơ quan Tập đoàn Vinacomin đã có chủ trương chung khuyến khích các doanh nghiệp trực thuộc áp dụng các hệ thống quản lý, đặc biệt là hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001. Bản thân cơ quan tập đoàn cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để áp dụng chính thức hệ thống quản lý chất lượng tại chỗ. Việc chỉ đạo áp dụng các hệ thống quản lý của Tập đoàn được thực hiện thông qua Ban Khoa học Công nghệ và Chiến lược. Việc chỉ đạo này được thực hiện chung cho tất cả các doanh nghiệp ngành Than, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất than. Tuy nhiên, do đặc thù của một ngành đi từ khai thác mỏ, tài nguyên đến chế biến sản phẩm cuối cùng, việc áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến tại các doanh nghiệp của Vinacomin có những khó khăn riêng, mức độ áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến tại các doanh nghiệp sản xuất than còn rất khiêm tốn, mặc dù về mặc nhận thức các doanh nghiệp đã có những bước chuyển biến rõ rệt.

Tại các doanh nghiệp sản xuất than

Nhìn chung hoạt động khai thác và chế biến than có những đặc thù riêng về điều kiện sản xuất nên việc áp dụng các hệ thống quản lý còn có nhiều hạn chế.  Hiện nay, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001 mới được thực hiện tại 06 doanh nghiệp hỗ trợ khai thác than như cơ điện, cơ khí, chế tạo, thiết bị điện,  viện nghiên cứu…; số công ty áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 là 06 và số công ty áp dụng hệ thống quản lý an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp IS0 18001 là 04.

Đối với các doanh nghiệp tuyển và chế biến than, vấn đề ưu tiên hiện nay là quản lý môi trường  do các quy định của pháp luật ngày càng khắt khe hơn, mặc dù các nội dung cơ bản của hệ thống quản lý chất lượng cũng đang được một số công ty triển khai thực hiện. Mới có một doanh nghiệp tuyển than duy nhất là Công ty tuyển than Cửa Ông đã áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14001.

Các doanh nghiệp sản xuất than chưa tiếp cận và hiểu biết nhiều về hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001, nên hiện chưa có công ty nào áp dụng hệ thống quản lý này.

Hiện nay, đa số các doanh nghiệp than ít tiếp cận và áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng trong hoạt động của mình. Nguyên nhân chính là do nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng các hệ thống quản lý theo ISO và chưa nhận thức được các tác động quan trọng của các công cụ cải tiến đối với chất lượng sản phẩm, chưa được đào tạo và cập nhật thông tin về các công cụ cải tiến.

Nhìn về cơ bản, việc áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng của các doanh nghiệp sản xuất than cũng có những thuận lợi nhất định, đó là đã có chủ trương, chính sách cụ thể bằng văn bản thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng cho ngành; có sự hỗ trợ các đơn vị trong ngành thực hiện áp dụng các hệ thống quản lý trong doanh nghiệp; đã có phòng/bộ phận đầu mối theo dõi việc áp dụng các hệ thống và công cụ cải tiến năng suất chất lượng; nhận thức, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên, cũng như năng lực tài chính và quyết tâm của doanh nghiệp… Nhìn chung, các doanh nghiệp đều mong muốn triển khai áp dụng hệ thống quản lý và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng có sự hỗ trợ theo lộ trình từng bước trong thời gian tới.

Nhưng qua khảo sát, đánh giá thì khả năng áp dụng là tương đối tốt đối với các doanh nghiệp tuyển, chế biến than, nhưng sẽ nhiều khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp khai thác than.

Kết luận và kiến nghị

Kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng áp dụng các hệ thống quản lý và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng tại các cơ quan quản lý và doanh nghiệp sản xuất ngành Than cho thấy ngành cũng đã nhận thức được lợi ích, vai trò, ý nghĩa của việc áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến trong việc nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp và đã quan tâm chủ động ban hành các chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trực thuộc triển khai việc áp dụng tuy nhiên kết quả chưa rõ nét, phần hệ thống quản lý được coi trọng quan tâm phần áp dụng công cụ cải tiến.

Do đó, trong thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến, vận động các doanh nghiệp áp dụng; đẩy mạnh hoạt động đào tạo nhận thức và đào tạo kỹ năng áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến cụ thể cho từng lĩnh vực sản xuất năng lượng; xác định và áp dụng thí điểm mô hình áp dụng tích hợp các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến tại các doanh nghiệp sản xuất năng lượng cụ thể, từ đó nhân rộng ra các doanh nghiệp khác; ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp ngành nhiệt điện than, tuyển và chế biến than.

Trần Văn Học, Hiệp hội Công nghiệp Môi trường VN

lên đầu trang