Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 10:45

Thứ năm, 25/04/2024 | 10:45

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 04:57 ngày 23/06/2020

Viện Dầu khí Việt Nam: Giải pháp nâng cao vị thế KHCN thông qua việc đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế

Vị thế nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) được thể hiện thông qua các tiêu chí khác nhau, trong đó chất lượng và số lượng công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí có uy tín trên thế giới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Xác định rõ nhiệm vụ của VPI, trong thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chế biến Dầu khí (PVPro) đã tăng số lượng công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín với IF/Q ngày càng được nâng cao.
Từ năm 2017 đến nay, VPI/PVPro đã công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín, điển hình như: bài báo "Stabilization of low nickel content catalysts with lanthanum and by citric acid assisted preparation to suppress deactivation in dry reforming of methane" đăng trên Catalysis Today, Elsevier Editorial System năm 2018 (Q1, IF=4,667); bài báo "Role of memory effect in DDR zeolite seed growth and derived DDR membranes" đăng trên Microporous & Mesoporous Materials, Elsevier Editorial System năm 2018 (Q1, IF=3,649); bài báo "Memory effect in DDR zeolite powder and membrane synthesis" đăng trên Microporous and Mesoporous Materials 279 năm 2019 (Q1, IF=3,649); bài báo "Online catalytic deoxygenation of vapour from fast pyrolysis of Vietnamese sugarcane bagasse over sodium-based catalysts" đăng trên Journal of Analytical and Applied Pyrolysis năm 2017 (IF=3,47); bài báo "Study on the influence of inductive groups on the performance of carbonxylate-based hydrogel polymer network" đăng trên Polymer Testing năm 2019 (Q1, IF=3,11)...
Hoạt động nghiên cứu tại PVPro
Để có được những thành công trên, PVPro cũng đã đưa ra được một số giải pháp nhằm nâng cao vị thế KHCN của VPI thông qua số lượng và chất lượng đăng tải trên các tạp chí uy tín trên thế giới như: bắt buộc phải lấy yếu tố tiêu chuẩn quốc tế làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động thực nghiệm hoặc tạo ra số liệu, dữ liệu nghiên cứu. Các quá trình tổng hợp, phân tích, đánh giá... cần được thực hiện theo phương pháp đã được chuẩn hóa, có tiêu chuẩn và được trích dẫn cụ thể rõ ràng, đảm bảo tính chính xác và tin cậy của số liệu và kết quả thu được. 
Phân tích kỹ lưỡng các nghiên cứu trên thế giới trong lĩnh vực liên quan. Đảm bảo chỉ ra được tính kế thừa, tính mới và độc đáo của nghiên cứu mà mình dự định công bố. Phương pháp lập bảng thống kê các nghiên cứu liên quan là rất hiệu quả; xác định danh mục tạp chí quốc tế thuộc ISI và Scopus để cán bộ nghiên cứu cùng tìm hiểu và lựa chọn danh mục những tạp chí thuộc chuyên ngành hay chuyên ngành gần của từng bộ phận. Trên cơ sở đó, cán bộ nghiên cứu bắt đầu quá trình tìm hiểu và lựa chọn những tạp chí phù hợp với hướng nghiên cứu và chuyên môn của từng nhà nghiên cứu.
Để trở thành tác giả của các bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế trong tương lai, trước hết, nhà nghiên cứu cần trở thành độc giả của các tạp chí phù hợp với chuyên ngành nghiên cứu. Việc đọc thường xuyên các công trình mới công bố trong lĩnh vực học thuật có liên quan sẽ giúp cho các nhà khoa học trau dồi thêm vốn ngoại ngữ chuyên ngành, biết về cấu trúc bài viết và quan trọng là bồi đắp và cập nhật thường xuyên kiến thức chuyên môn của đồng nghiệp trên toàn thế giới.
Cần chú ý đến tăng cường sự tham gia đề xuất/thực hiện của các cán bộ nghiên cứu có khả năng vào các nghiên cứu có đầu tư và có quy mô quốc tế vì chỉ khi tham gia vào nghiên cứu có chất lượng mới có cơ sở để tiến tới có được công trình công bố các bài báo khoa học có chất lượng; phải phát triển mạnh hợp tác trong nước và quốc tế trong các nghiên cứu hướng đến công bố quốc tế; và cần chú trọng hơn đến phát triển các giải pháp tăng công bố quốc tế, trong đó có nghiên cứu kinh nghiệm của các trường đại học/viện nghiên cứu khác ở một số điểm: Thành lập các nhóm nghiên cứu khoa học hướng đến công bố quốc tế; xây dựng quy chế chi tiêu có liên quan đến các chi phí dành cho công bố quốc tế, tham dự các hội thảo có công bố quốc tế.
Bên cạnh giải pháp trên, mỗi cán bộ nghiên cứu cần chủ động tìm hiểu để chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cần thiết, trau dồi trình độ đáp ứng yêu cầu tham gia vào các nghiên cứu khoa học có chất lượng, chủ động chuẩn bị cho các công bố quốc tế trong tương lai.
Công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế có chất lượng là xu hướng tất yếu nhằm phát triển khoa học và tri thức nói chung trên toàn thế giới. Công bố trên các tạp chí quốc tế là góp phần đưa kết quả nghiên cứu, phát hiện mới trong nghiên cứu trong nước đến với cộng đồng khoa học quốc tế, không bị giới hạn bởi biên giới, khác biệt về ngôn ngữ. Các nhà khoa học tham gia vào các công bố quốc tế là thực hiện trách nhiệm, vai trò của bản thân, góp phần làm dày thêm tri thức, sự hiểu biết về các lĩnh vực khác nhau cũng như phổ biến tri thức đó rộng rãi trên toàn bộ cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, phát hiện mới được công bố trên diễn đàn quốc tế lại tiếp tục tạo nền móng để các nghiên cứu tiếp nối tiến xa hơn, bổ sung thêm những hiểu biết, tri thức mới trên con đường khám phá tri thức và hiểu biết về con người, tự nhiên và xã hội nói chung.
Giai đoạn 2015 – 2020, VPI đã đăng tải, trình bày 581 bài báo/bài trình bày trên các tạp chí/hội nghị/hội thảo trong nước và quốc tế (130 bài quốc tế, 453 bài trong nước).
Theo Petrotimes
lên đầu trang