Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 08:11

Thứ hai, 29/04/2024 | 08:11

Tin KHCN

Cập nhật lúc 06:30 ngày 29/06/2020

Ngành bao bì cam kết trách nhiệm với sản phẩm hướng tới kinh tế tuần hoàn

Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) vừa ký cam kết cùng với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) để xây dựng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn và thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam.

PRO Việt Nam ký cam kết với IUCN về thí điểm thực hiện mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm bao bì (chịu trách nhiệm đến hết vòng đời sản phẩm)

Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với sự tham gia của 13 nhà sản xuất đồ uống, thực phẩm, bao bì và phân phối sản phẩm đã đưa ra cam kết mạnh mẽ nhằm đảm bảo tính bền vững trong sản xuất và sử dụng bao bì đóng gói. Tại hội thảo về khung pháp lý “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất – Định hình ngành bao bì hướng tới kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” diễn ra tại TP. Hội An (Quảng Nam), chiều 25/6, PRO Việt Nam đã chính thức cam kết thực hiện thí điểm trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với lĩnh vực sản xuất bao bì.
Theo cam kết, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được hiểu là nhà sản xuất – cụ thể ở đây là đơn vị, doanh nghiệp sản xuất bao bì trong PRO Việt Nam sẽ phải thể hiện trách nhiệm đối với môi trường không chỉ trong quá trình sản xuất sản phẩm, mà còn phải chịu trách nhiệm về môi trường đối với sản phẩm của mình khi sản phẩm đã ra thị trường, được tiêu thụ sử dụng sau đó thải bỏ và kết thúc vòng đời sản phẩm. Trách nhiệm đó bao gồm cả việc thu gom, xử lý (phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm) và tái sử dụng, phục hồi hoặc tiêu hủy. Cam kết mạnh mẽ này nhằm hướng tới việc tăng tỷ lệ tái chế chất thải bao bì sau tiêu dùng, giảm tỷ lệ chất rắn đi cùng với đó là bảo vệ môi trường, hướng tới kinh tế tuần hoàn.
Khái niệm EPR đã xuất hiện manh nha ở Việt Nam khoảng 15 năm, tuy nhiên, đến nay việc hiểu và thực hiện có hiệu quả EPR vẫn đang là điều khá mới mẻ và là thử thách lớn đối với hầu hết doanh nghiệp.
Theo ông Fausto Tazzi – Phó Chủ tịch PRO Việt Nam, việc thu gom và tái chế chất rắn nói chung, bao bì đã qua sử dụng nói riêng nhằm thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành bao bì tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức như các doanh nghiệp sản xuất bao bì của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhân lực, tài chính khá hạn chế để có thể thực hiện một dự án thí điểm về theo dõi vòng đời của bao bì; hoặc trong khi các vật liệu, chất rắn có giá trị đang được thu gom bởi các đơn vị thu gom chính thức hoặc không chính thức chỉ chiếm lượng nhỏ thì lượng chất thải rắn không có giá trị cần thu gom chiếm số lượng lớn….

Việc cam kết thực hiện EPR hướng tới sự phát triển bền vững của ngành bao bì và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Chủ tịch PRO Việt Nam – ông Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng chính các thách thức trên đòi hỏi doanh nghiệp trong liên minh PRO nói riêng, doanh nghiệp sản xuất nói chugn cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan để đưa ra được mô hình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất – EPR hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp, hướng đến mục đích cuối cùng là bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường nhưng vẫn cân bằng được lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp. Và việc ký cam kết với IUCN là bước đầu tiên trong tiến trình chính thức hiện thực hóa các nỗ lực của liên minh tái chế bao bì vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, môi trường hướng tới kinh tế tuần hoàn.
Báo Công Thương
lên đầu trang