Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 07/05/2024 | 10:38

Thứ ba, 07/05/2024 | 10:38

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 13:30 ngày 08/07/2020

Nghiên cứu lựa chọn cơ cấu hỗ trợ cho giàn chống tự hành trong điều kiện nền lò chợ mềm yếu tại mỏ Tràng Bạch – Công ty than Uông Bí

Tóm tắt:
Phần lớn các khu vực vỉa dày trung bình, nghiêng đến dốc nghiêng thuộc mỏ Tràng Bạch có cấu tạo vỉa, đường phương và hướng dốc tương đối thuận lợi để áp dụng công nghệ khai thác cơ giới hóa đồng bộ. Tuy nhiên, hầu hết các vỉa có đá trụ trực tiếp thuộc loại kém bền vững, dễ trượt tiếp xúc và lún nền. Do vậy, nội dung chính của bài báo là tổng hợp và phân tích ưu, nhược điểm của một số cơ cấu hỗ trợ nâng đế giàn chống tự hành trong điều kiện trụ vỉa yếu, từ đó đề xuất cơ cấu nâng đề giàn phù hợp với điều kiện mỏ Tràng Bạch - Công ty than Uông Bí.
Khu vực mỏ Tràng Bạch (gồm các mỏ hầm  lò Tràng Bạch từ mức -150/+30, Hồng Thái và Tràng Khê từ mức +30/LV - sau đây gọi là mỏ Tràng Bạch) được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giao Công ty than Uông Bí quản lý và khai thác. Các vỉa than thuộc mỏ Tràng Bạch có đặc điểm chung là vỉa phẳng, nghiêng đến dốc nghiêng, ít biến động về đường phương và hướng dốc, cấu tạo vỉa đơn giản, than mềm, phần lớn vỉa than có chiều dày trung bình. Những đặc điểm nói trên tương đối thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ khai thác (CNKT) cơ giới hóa đồng bộ. Tuy nhiên, hầu hết các vỉa than tại mỏ Tràng Bạch có đặc điểm là: Than có độ kiên cố thấp; Lớp đá vách trực tiếp dễ sập đổ thường chỉ dày từ 1 ÷ 3 m, bên trên là lớp bột kết, cát kết đôi khi rất bền vững, dẫn đến hiện tượng treo vách với khẩu độ lớn, làm gia tăng áp lực mỏ lên vì chống lò chợ; Đá trụ trực tiếp là tập sét kết xen kẹp chỉ than, phân lớp mỏng, tạo thành tập trụ vỉa kém bền vững, dễ trượt tiếp xúc và lún nền. Đây lại là những đặc điểm hạn chế, không chỉ đối với CNKT cơ giới hóa đồng bộ, mà còn với hầu hết các loại hình CNKT. Do đó, để áp dụng thành công CNKT cơ giới hóa đồng bộ tại mỏ Tràng Bạch, cần có những giải pháp kỹ thuật phù hợp nhằm giải quyết những đặc điểm hạn chế nói trên. Trong đó, giải pháp kỹ thuật cho điều kiện trụ vỉa mềm yếu đóng vai trò hết sức quan trọng. Trường hợp trụ mềm yếu, kém bền vững sẽ gây ra sự mất ổn định cho đồng bộ thiết bị, đặc biệt là giàn chống tự hành. Trong quá trình chất tải cho giàn chống, đế giàn ép xuống trụ vỉa, phá vỡ cấu trúc nguyên khối của tập đá trụ, dẫn đến hiện tượng đế giàn lún xuống nền lò, thậm chí xô, trượt giàn chống trên trụ vỉa...
Kinh nghiệm ở các nước có nền công nghiệp khai thác than phát triển trên thế giới, như Đức, Nga, Ba Lan, Trung Quốc,… cho thấy, để áp dụng hiệu quả CNKT cơ giới hóa đồng bộ trong điều kiện vỉa than có trụ yếu (hay nền lò chợ mềm yếu), bên cạnh việc lựa chọn diện tích đế giàn phù hợp với cường độ kháng nén của nền lò, thì giàn chống tự hành cần được trang bị cơ cấu hỗ trợ đặc biệt, giúp di chuyển giàn chống trong trường hợp đế giàn bị lún xuống nền lò chợ.
Một trong những cơ cấu hỗ trợ giàn chống tự hành di chuyển trong điều kiện trụ vỉa yếu, được phát triển tương đối sớm bởi hãng thiết bị thủy lực Hemscheidt của CHLB Đức, sơ đồ nguyên lý hoạt động của cơ cấu này thể hiện trong hình 1. Theo sơ đồ này, phần phía trước đế giàn được trang bị đế phụ, liên kết với đế chính bằng một khớp bản lề. Khớp bản lề có trục quay song song với mặt phẳng đế giàn, nằm ở vị trí khoảng 1/3 chiều dài đế phụ (2/3 chiều dài đế phụ nằm phía trước đế giàn). Trường hợp đế giàn bị lún do trụ yếu và dưới tác động của áp lực mỏ, phần đế phụ sẽ nghiêng đi một góc nhất định như dạng ván trượt, tạo điều kiện thuận lợi cho giàn chống di chuyển ra khỏi phạm vi lún.
Ưu điểm của cơ cấu này là cấu tạo đơn giản hỗ trợ dạng thụ động và không cần hệ thống điều khiển, khi đế giàn chống có hiện tượng lún xuống nền lò, cơ cấu này tự hình thành mặt phẳng nghiêng để đưa đế giàn đi lên. Nhược điểm là trong quá trình di chuyển tổ hợp giàn chống, đòi hỏi lực kéo lớn, do lực cản của đất đá ở phía trước và lực ma sát lớn ở mặt dưới của đế giàn, và hiện tượng “mút” đế giàn, đặc biệt trong trường hợp nền lò có nước, lầy lội. Đồng thời, có thể phát sinh hiện tượng trượt của đất đá trụ vỉa trong quá trình di chuyển giàn chống.
1-Xà nóc; 2 - Tay biên; 3 - Đế chính; 4 - Đế phụ 
a) Sơ đồ nguyên lý
1- Đế phụ; 2 - Chốt liên kết dạng quay; 3 - Đế chính
b) Kết cấu đế giàn chống với đế phụ
​Hình 1. Cơ cấu hỗ trợ di chuyển giàn chống với đế phụ
Các kiểu thiết kế hiện đại về cơ cấu hỗ trợ giàn chống tự hành trong điều kiện trụ vỉa yếu chủ yếu theo nguyên tắc “chủ động” nâng một phần đế giàn lên khỏi nền lò chợ, nhằm giải phóng lực “mút” đế giàn và giảm ma sát giữa  đế giàn và nền lò chợ. Cơ cấu được sử dụng phổ biến nhất trong các giàn chống tự hành hiện đại được thể hiện trong hình 2. Cơ cấu gồm một kích thủy lực được cố định thẳng đứng ở giữa đế giàn, thông thường vào cầu liên kết hai vế của đế giàn (cầu trước), chống thẳng vào thanh dẫn hướng di chuyển giàn chống (hay còn gọi là thanh đẩy máng cào). Giữa phần dưới của kích thủy lực hỗ trợ này và thanh dẫn hướng có thể có một cơ cấu liên kết trung gian, giúp cho kích không bị cong và giảm áp lực tiếp xúc trong quá trình di chuyển giàn chống. Cơ cấu hỗ trợ này hoạt động như sau: Trong quá trình di chuyển giàn chống, các cột chính của giàn được dỡ tải một phần; Đồng thời, cấp dịch cho kích thủy lực hỗ trợ nói trên để kích mở ra và chống lên thanh dẫn hướng lực Pn; Đế giàn được nâng lên khỏi nền lò chợ trong khi xà giàn chống hạ xuống. Cơ cấu này không chỉ có khả năng nâng (một phần) đế giàn khỏi nền lò chợ trong quá trình di chuyển, mà còn đảm bảo xà giàn có khả năng tiếp xúc liên tục với nóc lò chợ trong quá trình  di chuyển, do đó giúp nâng cao sự ổn định của lớp đất đá trên nóc lò chợ. Hiện nay, một số dây chuyền cơ giới hóa đồng bộ đã và đang được đầu tư áp dụng ở các mỏ hầm lò trong nước, được trang bị cơ cấu hỗ trợ nâng giàn kiều này, như tại Hà Lầm, Quang Hanh, Vàng Danh, Khe Chàm,...
Ưu điểm của cơ cấu này là sự đơn giản và độ tin cậy cao. Nhưng nhược điểm của cơ cấu này là, trong trường hợp góc dốc lò chợ trên 10°, thực tế sẽ sảy ra sự tiếp xúc giữa đế giàn và thanh dẫn hướng, khiến giàn chống mất ổn định theo hướng dốc lò chợ. Ngoài ra, trong trường hợp góc dốc lò chợ lớn (30 ÷ 35°), khi nâng đế giàn bằng cơ cấu này, trọng tâm của giàn chống có thể ra khỏi phạm vi 3 điểm chống giữ (gồm kích hỗ trợ và 2 góc đế giàn) làm tăng mức độ mất ổn định giàn chống.
   
1 - Kích nâng đế; 2 - Thanh đẩy máng cào;
3 - Kích di chuyển giàn chống; 4 - Đế giàn chống
b) Sơ đồ cấu tạo
Cơ cấu hỗ trợ nâng đế giàn chống
ZQY3600/12/28 tại mỏ Ngã Hai
Hình 2. Cơ cấu hỗ trợ nâng đế giàn kiểu chống lên thanh dẫn hướng
Để giải quyết vấn đề mất ổn định khi áp dụng cơ cấu hỗ trợ nâng đế giàn theo sơ đồ nói trên, tài liệu [5] của tác giả E.I. Dikolenko đã đề xuất một số thiết kế cơ cấu hỗ trợ nâng đế giàn ở cả hai bên đế, sử dụng nguyên lý đòn bẩy. Theo nguyên lý đề xuất, đế giàn chống được lắp thêm hai đế phụ ở hai bên, trong quá trình di chuyển giàn chống, đế chính (ở giữa) được nâng lên khỏi nền lò chợ, đế phụ - dưới tác dụng của lực Pn chuyền qua các cánh tay đòn sẽ ép xuống nền lò chợ tạo điểm tựa để di chuyển giàn chống. Một số sơ đồ nguyên lý theo đề xuất của E.I. Dikolenko thể hiện trong hình 3. Trong đó: a) - Là cơ cấu hỗ trợ nâng đế giàn kiều đòn bẩy với một kích thủy lực được lắp thẳng đứng ở giữa đế giàn; b) - Cơ cấu hỗ trợ kiểu đòn bẩy với các kích hỗ trợ được lắp vào cột chống chính của giàn chống; c) - Cơ cấu hỗ trợ kiểu đòn bẩy với hai kích hỗ trợ hoạt động độc lập được cố định ở hai vế của đế giàn chống; d) - Cơ cấu hỗ trợ với hai đế phụ liên kết với nhau bởi một cầu ngang và một kích cân bằng cho phép điều chỉnh góc nghiêng giữa mặt phẳng đế phụ và đế chính của giàn chống; e) Cơ cấu hỗ trợ kiểu đòn bẩy sử dụng một kích vi sai nằm ngang.
Hình 3. Sơ đồ nguyên lý cơ cấu nâng đế giàn kiểu đòn bẩy theo đề xuất của E.I. Dikolen

Ưu điểm trong các thiết kế đề xuất của E.I. Dikolenko là giúp giàn chống cân bằng hơn trong quá trình nâng đế giàn và di chuyển. Song nhược điểm rõ ràng là cấu tạo hết sức phức tạp, cơ cấu đòi hỏi được chế tạo từ chất liệu bền vững, do đó giá thành chế tạo sẽ không hề rẻ.
Cũng tương tự như đề xuất của E.I. Dikolenko về việc thiết kế cơ cấu hỗ trợ nâng đế giàn ở cả hai vế của đế, những nhà thiết kế Trung Quốc lại phát triển cơ cấu theo hướng kết hợp đế phụ và kích thủy lực. Sơ đồ nguyên lý thể hiện trong hình 4. Theo sơ đồ này, các đế phụ có dạng bản, bao phủ mặt dưới của khoảng 1/3 phần trước của đế chính, và ở cả hai vế của đế chính. Đế phụ được liên kết với đế chính bằng một khớp quay ở phía đầu đế chính. Trong mỗi vế của đế chính trang bị một kích thủy lực với một đầu cố định vào đế chính, đầu kia chống lên bề mặt trên của đế phụ. Khi các kích này hoạt động, đế phụ sẽ mở ra, do đó cho phép nâng đế chính của giàn lên khỏi nền lò, và dễ dạng di chuyển khỏi vùng lún nhờ lực kéo/đẩy của kích di chuyển. Hiện nay, cơ cấu này đã được trang bị cho các giàn chống tự hành loại nhẹ đầu tư Công ty than Mông Dương, và đang được đưa vào lắp đặt để hoạt động tại lò chợ VM-L(7)-1 khu Vũ Môn, mỏ than Mông Dương.
Hình 4. Cơ cấu hỗ trợ nâng đế giàn bằng kích thủy lực kết hợp với đế phụ
Cơ cấu hỗ trợ nâng đế giàn kiểu kích thủy lực kết hợp với đế phụ theo sơ đồ hình 4 có ưu điểm là giúp giàn chống ổn định hơn trong điều kiện góc dốc lò chợ lớn. Do đó, trong điều kiện các vỉa than thuộc mỏ Tràng Bạch, áp dụng cơ cấu hỗ trợ nâng đế giàn kiểu này sẽ phù hợp hơn cả.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Đặng Thanh Hải, Phát triển áp dụng cơ giới hóa đào lò và khai thác tại các mỏ hầm lò vùng Quang Ninh giai đoạn 2013 ÷ 2015, lộ trình đến năm 2020, Viện KHCN Mỏ, Hà Nội, 2016.
[2]. Đào Hồng Quảng, Nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế ảnh hưởng của góc dốc vỉa than đến lò chợ cơ giới hóa vỉa thoải đến nghiêng, Viện KHCN Mỏ, Hà Nội, 2018.
[3]. Dự án đầu tư đổi mới công nghệ khai thác cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ - Công ty than Uông Bí, Viện KHCN Mỏ, Hà Nội, 2019.
[4]. Dự án đầu tư mở rộng nâng công suất khu Tràng Khê, Hồng Thái (mỏ Tràng Bạch), Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Mỏ và Công nghiệp, Hà Nội, năm 2015.
[4]. Ю. А. Коровкин. Теория и практика длиннолавных систем. ООО Техгормаш. Москва., 2004.

Abstract:
Most of the medium thick, inclined to inclined slope seams of Trang Bach mine have relatively favorable seam structure, lateral directions and slope direction for application of the synchronous mechanized mining technology. However, most of the seams with direct pillar rocks which are of unsustainable, easy to slide and floor subsidence types. Therefore, the main content of the paper is to summarize and analyze the advantages and disadvantages of a number of supporting mechanisms to lift the self-acting shield supports shoe in weak seam pillars; thereby the appropriate structure for raising the shield support shoe is proposed to comply with the conditions oft Trang Bach mine belonging to Uong Bi coal company.


TS. Lê Văn Hậu, TS. Trần Minh Tiến
Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin
 Biên tập: TS. Lê Đức Nguyên
(Theo nguồn Tạp chí thông tin Khoa học Công nghệ mỏ số 2/2020)

lên đầu trang