Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 08:04

Thứ bảy, 27/04/2024 | 08:04

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:02 ngày 23/07/2020

TP. Hồ Chí Minh tạo mọi điều kiện để DN tham gia vào chương trình chuyển đổi số

Các doanh nghiệp (DN) cần xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số (CĐS) nhất là chuyển đổi sang cung cấp dịch vụ trên nền tảng số, TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ, đồng hành và tạo mọi điều kiện để DN tham gia vào chương trình chuyển CĐS của thành phố (TP).
Thông tin được ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - nhấn mạnh trong Hội nghị công bố Chương trình CĐS và hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP. Hồ Chí Minh (HCM LGSP), diễn ra ngày 22/7 tại TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - phát biểu 
Năm 2025 kinh tế số chiếm 25% GRDP
CĐS không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của kinh tế - xã hội. TP. Hồ Chí Minh là thành phố lớn, năng động, là đầu tàu kinh tế của cả nước nên cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi số.
Theo ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Chương trình chuyển đổi của TP. Hồ Chí Minh được xây dựng dựa trên Chương trình CĐS quốc gia, Đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh (ĐTTM) giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.
Chương trình CĐS của TP. Hồ Chí Minh đặt ra tầm nhìn, mục tiêu đến năm 2030, TP trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các DN số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.
Theo đó, đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt hơn 50%; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Thông tin của người dân và DN được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu TP. Hồ Chí Minh.

TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước công bố Chương trình chuyển đổi số và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu nằm nhóm 5 địa phương đứng đầu về chính phủ điện tử. Kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%. Hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.
Đến năm 2030, TP sẽ cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%. Tỷ lệ người dân và DN có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%...
Ông Dương Anh Đức cho hay, để thực hiện mục tiêu trên, TP. Hồ Chí Minh đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về CĐS cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và DN; Đào tạo về CĐS trong cơ quan nhà nước và trong DN; Tuyên truyền, tăng cường sự tham gia của người dân.
Trong thời gian tới TP. Hồ Chí minh sẽ tập trung vào một số ngành, lĩnh vực sẽ được CĐS như y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng và đào tạo nhân lực. Đồng thời, TP sẽ chú trọng phát triển hạ tầng số như: Hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin (Trung tâm dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng 5G...), hạ tầng IoT; hạ tầng dữ liệu, phát triển nền tảng số...
Nhiều doanh nghiệp công nghệ mong muốn tiếp tục tham gia vào chương trình chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh
Trong quá trình thực hiện, TP. Hồ Chí Minh cũng đã nhận được sự tư vấn và góp ý của Công ty Cổ phần FPT, Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT và các chuyên gia tư vấn từ các trường, viện, hiệp hội.
Ông Nguyễn Văn Khoa Tổng giám đốc FPT - cho biết, FPT đã song hành cùng thành phố trong xây dựng Chính quyền điện tử cho TP; xây dựng Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (HCM LGSP) và cung cấp một số ứng dụng CNTT cho các sở ban ngành. Hy vọng TP tạo điều kiện để FPT tiếp tục đồng hành cùng thành phố trong việc xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh, tư vấn các nền tảng số dùng chung.
Thúc đẩy chuyển đổi số tại doanh nghiệp
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có cơ hội là nơi thu hút nhiều DN tiên phong trong các dịch vụ kỹ thuật số hướng tới việc tạo ra một xã hội kỹ thuật số. Tuy nhiên, quá trình CĐS của TP có nhiều thách thức, trong đó có sự chậm trễ CĐS trong DN.
Để thúc đẩy mạnh CĐS tại DN, TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức phổ biến kiến thức để doanh nghiệp nhỏ và vừa tự đánh giá phương pháp sản xuất kinh doanh, mô hình kinh doanh để chuyển đổi phương pháp sản xuất kinh doanh. Tổ chức các chương trình phổ biến kiến thức về các công nghệ số, các loại mô hình kinh tế số đổi mới sáng tạo. Đồng thời, triển khai các giải pháp về nguồn vốn, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xây dựng cơ chế để doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để thực hiện CĐS.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh - kiến nghị, TP. Hồ Chí Minh dành tối thiểu 70% tổng số dự án liên quan đến CNTT, CĐS ưu tiên cho DN trên địa bàn TP 
Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh sẽ chú trọng thúc đẩy CĐS tại các DN sản xuất công nghiệp, tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại, sáng tạo ra các mô hình sản xuất mới hiệu quả hơn và từng bước chuyển dịch sang phương thức sản xuất mới.
Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh (HCA), CĐS không chỉ là cơ hội mà còn là trách nhiệm, sứ mạng của các DN CNTT TP trong việc cùng TP triển khai chương trình này. HCA đang nỗ lực huy động cộng đồng DN công nghệ cùng chung tay, góp sức để thúc đẩy sự tiên phong, sáng tạo, đẩy mạnh quá trình CĐS ngay chính bản thân nội tại của các DN công nghệ để từ đó rút kinh nghiệm và lan tỏa đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn TP và các tỉnh thành phía Nam.
Ông Long cho rằng, lãnh đạo TP dành nhiều thời gian hơn nữa để giao lưu, tìm hiểu, đánh giá nội lực CĐS của các DN công nghệ TP. TP dành tối thiểu 70% tổng số dự án liên quan đến CNTT, CĐS ưu tiên cho DN trên địa bàn thành phố và có đóng thuế cho TP…
Nhằm thúc đẩy nhanh CĐS tại DN, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh tại hội nghị đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, khẩn trương thực hiện bổ sung các công trình, dự án, thuộc chương trình CĐS vào chương trình kích cầu đầu tư của TP. Sở phải hoàn thành và báo cáo UBND TP trước ngày 15/9/2020. Đồng thời, bổ sung loạt công trình, các danh mục dự án thuộc chương trình CĐS để triển khai xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.
Người đứng đầu chính quyền TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị các DN xây dựng và triển khai kế hoạch CĐS nhất là chuyển đổi sang cung cấp dịch vụ trên nền tảng số, TP sẽ hỗ trợ, đồng hành và tạo mọi điều kiện để DN tham gia vào chương trình CĐS của TP…
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang