Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 01/05/2024 | 21:19

Thứ tư, 01/05/2024 | 21:19

Tin KHCN

Cập nhật lúc 06:18 ngày 25/07/2020

Chương trình Tây Bắc tạo xung lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của vùng

Các hoạt động của Chương trình Tây Bắc đã góp phần giúp địa phương dần thay đổi nhận thức, coi việc lựa chọn ứng dụng khoa học và công nghệ là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; được các địa phương đánh giá cao.
100% nhiệm vụ triển khai đã và đang được chuyển giao
Ngày 23/7/2020, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2020.
Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (gọi tắt là Chương trình Tây Bắc) được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y và Bộ Khoa học Công nghệ giao Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2013-2018. Chương trình được tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện đến 30/6/2020.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao kết quả chương trình đạt được
Chương trình Tây Bắc đã thực hiện các nội dung: Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu, cơ sở khoa học, mô hình phát triển bền vững vùng Tây Bắc; nghiên cứu cơ sở khoa học của các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp cho các tiểu vùng và liên vùng Tây Bắc; nghiên cứu, đề xuất, chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, thông tin, văn hóa, xã hội; nghiên cứu xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Bắc.
Sau 7 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt một số kết quả nổi bật đó là gần 700 cán bộ nghiên cứu và 41 cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện; hơn 200 đơn vị, tổ chức phối hợp thực hiện; gần 200 hội thảo, hội nghị chuyên ngành được tổ chức; gần 13,000 cán bộ, kỹ thuật viên, người dân địa phương được đào tạo, tập huấn, tham dự hội thảo nâng cao năng lực.
Đặc biệt, chuyển giao cho 14 tỉnh vùng Tây Bắc và các bộ, ban, ngành trung ương: 56 quy trình công nghệ trong lĩnh vực y dược; chế biến thực phẩm; quy trình kỹ thuật trong trồng trọt; chăn nuôi; xử lý ô nhiễm môi trường; phát triển năng lượng mới; hồ sơ thiết kế hệ thống máy móc và dây chuyền sản xuất trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, là 42 mô hình thử nghiệm, mô hình trình diễn phục vụ sinh kế, mô hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đồng thời, 64 báo cáo kiến nghị các chính sách phát triển ở tầm vĩ mô của vùng; kiến nghị giải pháp cho từng địa phương cụ thể trên tất cả các lĩnh vực thể chế, văn hoá, xã hội, kinh tế, tài nguyên môi trường, an ninh quốc phòng…; 22 hệ thống bản đồ trong các lĩnh vực quy hoạch phát triển bền vững, không gian văn hoá lịch sử, dân tộc, định hướng phát triển sinh kế bền vững, du lịch sinh thái gắn với di sản tự nhiên...
Khác với các chương trình điều tra cơ bản hay các chương trình nghiên cứu cơ bản, Chương trình Tây Bắc là một chương trình nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng tổng hợp, liên ngành. Đến nay, 100% các nhiệm vụ triển khai trong Chương trình Tây Bắc đã và đang được chuyển giao/bàn giao cho các ban, bộ, ngành và địa phương. 100% đề tài có kết quả được công bố trên tạp chí khoa học công nghệ có uy tín của quốc gia hoặc quốc tế; 20% số đề tài có kết quả được chấp nhận đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký quyền tác giả…
Giải phóng tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Bắc
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và đánh giá cao các kết quả mà Chương trình Tây Bắc đã đạt được từ 55 đề tài và 3 dự án thử nghiệm sản xuất. Đặc biệt, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tập hợp và kết nối hiệu quả đội ngũ 600 nhà khoa học thuộc hơn 40 cơ quan nghiên cứu trong cả nước.
Trong số này có hơn 420 nhà khoa học đến từ đại học, viện nghiên cứu bên ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội để trực tiếp tham gia vào việc giải quyết những vấn đề cơ bản và nóng bỏng nhất đang đặt ra trong thực tiễn phát triển, giải phóng các tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, khai thác các nguồn lực, góp phần tạo nên những xung lực mạnh mẽ cho phát triển bền vững của vùng Tây Bắc, góp phần cải thiện cuộc sống của đồng bào các dân tộc. 
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bình cũng lưu ý, mặc dù có sự đầu tư khá tốt cho nghiên cứu ở giai đoạn 2013-2020, nhưng một số nghiên cứu của chương trình vẫn còn mang tính hàn lâm; hiểu biết về vùng chưa hoàn toàn sâu sắc; các mô hình được xây dựng và triển khai tại vùng chưa có đủ thời gian để phát huy hết các giá trị; chưa đủ thời gian và nguồn lực tài chính để triển khai xây dựng các dự án chuyển giao có sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp theo hướng vùng và liên kết vùng. Những nhiệm vụ trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp đã và đang triển khai cần có thêm thời gian để tiếp tục phát triển và mở rộng, phát huy giá trị của các đóng góp khoa học và công nghệ.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cùng đại diện các ban, ngành tham quan các sản phẩm công nghệ được giới thiệu tại hội thảo
Bên cạnh đó, thời gian triển khai chương trình giai đoạn vừa qua còn ngắn, trong khi địa bàn triển khai lớn, nhiều khó khăn phức tạp. Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Tài chính cần xem xét tiếp tục ưu tiên đầu tư kinh phí cho chương trình giai đoạn 2021-2025, nhất là cho các đề tài, dự án triển khai ứng dụng, nhân rộng mô hình chuyển giao các sản phẩm khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc và các cơ quan, doanh nghiệp vùng Tây Bắc. Trong quá trình tổ chức thực hiện cần huy động đa dạng các nguồn lực, cả trong nước và quốc tế; cần phải xác định rõ cơ chế phối hợp đề lồng ghép các đề tài, dự án của Chương trình Tây Bắc với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác, đặc biệt từ nguồn lực hợp tác quốc tế.
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học, công nghệ và văn hóa đã trở thành những nguồn lực trực tiếp và quan trọng bậc nhất của sự phát triển nhanh và bền vững của tất cả các quốc gia, dân tộc, vùng và địa phương. “Tương tự như vậy đối với nước ta, nhất là đối với vùng Tây Bắc, để tìm ra lời giải tối ưu, hài hòa cho các bài toán phát triển trước mắt và lâu dài cũng như phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế thì lựa chọn duy nhất là dựa vào sức mạnh của khoa học, công nghệ và văn hóa” - ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, các kết quả nghiên cứu của  chương trình cũng chỉ ra rằng, vùng Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng chưa được khám phá và phát huy tốt để phát triển. Trong thời gian tới, việc tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sẽ góp phần tạo nên một nền tảng, một đòn bẩy tri thức, công nghệ, văn hóa, xã hội mạnh mẽ, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong vùng.
Chương trình Tây Bắc với tính ứng dụng cao đã thiết thực giải quyết có hiệu quả các vấn đề cấp bách, phức tạp đang đặt ra trong thực tiễn phát triển bền vững của vùng Tây Bắc. Các nhiệm vụ được triển khai trong giai đoạn 2013-2020 sẽ là cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và mở rộng quy mô và nghiên cứu chiều sâu trong giai đoạn 2021-2025.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang