Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 07:04

Thứ hai, 06/05/2024 | 07:04

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:43 ngày 03/08/2020

Đừng suy nghĩ quá nội địa nếu muốn gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu

EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay 1/8. Đây được coi là đòn bẩy cho các doanh nghiệp Việt muốn gia nhập sân chơi toàn cầu. Nhưng để trụ vững, các DN Việt Nam cần chuẩn bị những gì?

Dưới đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững xung quanh vấn đề này.

Vận dụng sáng tạo, làm chủ công nghệ

Nhìn chung giới chuyên gia tương đối lạc quan về khả năng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước. Điều này đến từ sự công nhận năng lực đối phó với COVID và ổn định kinh tế nhanh chóng của Việt Nam trong thời gian qua.

Hình ảnh tạo Hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: sự liên kết của các doanh nghiệp Việt còn rời rạc, không gắn kết, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI.

Cùng với đó là sự liên kết, tương tác giữa nước ta với các khu vực khác thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan toả về năng suất và công nghệ chưa cao; tỉ lệ nội địa hoá còn thấp. Mức độ tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng hết khả năng sáng tạo của mình để tìm kiếm cơ hội mới trong một trạng thái thay đổi, dịch chuyển các chuỗi cung ứng như hiện nay, vươn ra thị trường nước ngoài để có thể thâu tóm các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến.

Bộ trưởng cũng nhận định cần những hành động “nhanh và mạnh hơn” từ các cấp, các ngành để hỗ trợ doanh nghiệp chớp thời cơ, phục hồi và phát triển chuỗi giá trị bền vững, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thay đổi tư duy từ nội địa ra toàn cầu

Nếu muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì đừng nghĩ quá nội địa.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện phòng hỗ trợ chiến lược Samsung Việt Nam còn bị hạn chế bởi tư duy “nội địa” kiểu nếu có cam kết mua hàng mới đầu tư công nghệ. Ông cho rằng hiện nay môi trường kinh doanh đã mở, không bị hạn chế bởi những phạm vi địa lý và quan trọng sự cạnh tranh bình đẳng.

Tính cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm thể hiện ở giá thành của từng thiết bị nhỏ. Nếu như nhà cung cấp đạt được chất lượng và giá thành cung cấp ổn định thì không lý gì các tập đoàn lớn lại không mua hàng của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Tuấn cũng chỉ ra, bên cạnh những vấn đề sản xuất cũng như quản lý chất lượng mà phần lớn các công ty Việt Nam hiện nay đang tập trung, thì để trở thành vendor (nhà cung cấp) cho chuỗi cung ứng toàn cầu còn nhiều vấn đề khác cần lưu tâm.

Thứ nhất, sản xuất linh kiện cho các tập đoàn này đòi hỏi yêu cầu cao và đặc thù. Nếu các linh kiện điện tử cho thiết bị cơ lớn như cho máy in có thể to, thì các chi tiết dành cho thiết bị điện tử cầm tay, như điện thoại di động, phải nhỏ, chính xác; và một điểm quan trọng nữa các vendor cần lưu ý, là thay đổi theo chu kỳ 6 tháng một lần. Chính vì vậy, việc thay đổi dây chuyền thay đổi công nghệ đối với doanh nghiệp Việt Nam sẽ vô cùng khó khăn, chỉ có thể làm được khi có rất nhiều vốn.

Bên cạnh hai tiêu chí chính về sản xuất và quản lý chất lượng, nghiên cứu và phát triển là tiêu chí được các hãng lớn đặc biệt quan tâm.

Ở Việt Nam, doanh nghiệp chi cho nghiên cứu phát triển rất thấp. Trung bình chỉ 0,2-0,3% trên doanh thu. Trong khi đó các tập đoàn lớn lại đặc biệt chú trọng đến vấn đề này, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao.

"Cùng một con ốc, ngày hôm nay bán 1 đồng, thì sang năm sau chỉ 0,8 đồng hoặc thấp hơn. Hoặc có thể bán con ốc với chất lượng tốt hơn nhưng bằng giá. Đó là yêu cầu và nếu như không có nghiên cứu phát triển thì không bao giờ làm được việc đó”, ông Tuấn chia sẻ.

Một tiêu chí khác nữa được ông Tuấn đưa ra là tính tuân thủ pháp luật.

Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp làm việc với Samsung chậm trả lương cho người lao động 3-6 tháng, chắc chắn có vấn đề và lập tức Samsung phải có động thái. Vì người lao động đình công có thể làm gián đoạn nguồn cung ứng của Samsung và Samsung buộc phải tìm giải pháp khác. Để giảm thiểu rủi ro này, Samsung kiểm soát vendor rất chặt chẽ.

Ngoài ra, bảo vệ môi trường cũng là một trong những tiêu chí được đặt lên hàng đầu với các tập đoàn đa quốc gia.

Tiêu chí cuối cùng mà chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được, đó là quản lý rủi ro tín dụng

"Các doanh nghiệp hiện nay vay quá nhiều. Có nhiều doanh nghiệp đôi khi quá tự tin, khẳng định chắc chắn là sẽ hợp tác với doanh nghiệp lớn và đầu tư dây chuyền, đáng lẽ 2 tỷ thôi thì đầu tư 5 tỷ, rồi do Covid-19, do yếu tố khách quan thì đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp lao đao".

Ngoài 5 tiêu chí trên, mỗi tập đoàn đều có hàng nghìn tiêu chí để đánh giá vendor trước khi chính thức ký hợp đồng.

“Đặc biệt là vendor cấp 1 thì phải có tính tuân thủ rất cao với những quy định trên. Đổi lại họ sẽ có cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và nguồn khách hàng ổn định, cũng như nâng cao uy tín để cạnh tranh trên trường quốc tế”.

"Nếu chúng ta muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì đừng nghĩ quá nội địa! Xác định cung cấp linh kiện điện tử thì đừng chỉ nghĩ đến Samsung, mà bên cạnh Samsung còn có rất nhiều công ty khác. Tư duy như vậy thì Việt Nam mới tiến ra được thị trường thế giới" - ông Tuấn đưa ra lời khuyên.

Tuệ Linh t/h


lên đầu trang