Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 13:09

Thứ sáu, 03/05/2024 | 13:09

Chính sách

Cập nhật lúc 19:59 ngày 13/08/2020

Quy hoạch phát triển điện quốc gia: Cần đảm bảo giảm thiểu các tác động bất lợi đến môi trường

Sáng ngày 11 tháng 8, tại Hà Nội, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội thảo Ban đầu về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 có xét đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8). Đây là hội thảo tiếp nối hội thảo về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 có xét đến năm 2045 lần 1. Hội thảo lần này nhằm thảo luận, tiếp thu ý kiến của các đơn vị, chuyên gia, trong quá trình thực hiện Quy hoạch điện 8 và ĐMC.
Quy hoạch điện 8 là một trong những hoạt động quốc gia có tầm quan trọng về điện lực, với mục tiêu nhằm đưa ra một chương trình phát triển lưới điện cho giai đoạn 10 năm tới, tầm nhìn 2045. Từ đó là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước quản lý các hoạt động cũng như nhằm thu hút các nhà đầu tư trong mọi lĩnh vực kinh tế cùng tham gia sản xuất điện, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế đất nước. Quy hoạch điện 8 sẽ định hướng tương lai phát triển của ngành điện trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo; định lượng các mục tiêu cung cấp điện; xác định quy mô, tiến độ của các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm và đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch để bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước...
Hội thảo Ban đầu về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 có xét đến năm 2045 do Viện Năng lượng tổ chức ngày 11/8/2020.
Trong khi đó, ĐMC là một phần bắt buộc giúp đánh giá những tác động của môi trường từ các phương án phát triển điện lực, từ đó vạch ra phương án tối ưu nhất, giảm thiểu tác động bất lợi với môi trường. Các phương pháp sẽ được so sánh, đánh giá dựa trên các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Tại hội nghị các đại biểu đã cùng nhau xem xét, đánh giá, phân tích một cách có hệ thống hậu quả của các tác động môi trường từ các phương án phát triển của Quy hoạch được đề xuất để lựa chọn phương án phát triển điện phù hợp.
Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Thắng - Trưởng phòng Hệ thống điện, Viện Năng lượng cho rằng, chúng ta đã có kịch bản để tính đến rủi ro và các tác động rồi nên thời gian tới cần xem xét bổ sung gì vào hệ thống điện. Một kịch bản nữa là các nguồn điện không vào đúng tiến độ thì phải làm thế nào. Đây là một trong các công việc thường xuyên, hàng quý, hàng tháng, Bộ Công Thương và Chính phủ đều yêu cầu Viện tính toán, cân đối, tiến độ đưa vào thực tế của tất cả nguồn điện; từ đó, đưa ra giải pháp đảm bảo cung ứng điện.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Đại điện Phòng môi trường và phát triển bền vững cho hay, việc phân tích đánh giá ĐMC dựa trên việc lấy ý kiến đóng góp về phương pháp luận thực hiện, và các chỉ số đánh giá các tác động môi trường. Xác định mục tiêu quốc gia phải tuân thủ và các tác động cần phải tránh và giảm thiểu trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện 8. Xem xét, đánh giá các kịch bản điện và đề xuất lựa chọn kịch bản tối ưu. Đánh giá, dự báo các tác động đến môi trường, xã hội, tài nguyên quốc gia của kịch bản phát triển Quy hoạch điện 8 chọn.
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group, đơn vị nghiên cứu Quy hoạch Điện cần tính ra mức công suất dự phòng trong giai đoạn dài hơi. Có những nhà máy điện từ khi đặt vấn đề theo đuổi, xây dựng, đến khi làm được mất 10 - 11 năm, trượt ra khỏi quy hoạch. Trong 10 năm qua, số dự án điện gió đăng ký nhiều để hưởng ưu đãi về giá FIT (các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ), nhưng đến nay, thời gian giá ưu đãi đã gần hết, trong khi các dự án đều gặp khó.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng trình bày các định hướng lớn về chương trình phát triển nguồn như tuân thủ các chính sách hiện hành của nhà nước về mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Hướng đến phát triển thêm quy mô lớn nguồn điện gió, mặt trời với mục tiêu, công suất nguồn điện gió gấp hơn 3 lần và điện mặt trời gấp gần 2 lần so với QHĐ7 và không xây dựng thêm nhiệt điện than mới giai đoạn 2026-2030.
Thành Chung t/h
lên đầu trang